25 thg 11, 2017

Những điều đặc biệt về chiếc đồng hồ cổ ở nhà thờ Bùi Chu

Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu (Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định) không còn xa lạ với nhiều người. Được khởi công xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và hoàn thành năm 1885, đây là một trong những nhà thờ cổ nhất của tỉnh.

Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu nổi bật với gam màu thổ hoàng; dưới là hàng cột lim đen bóng đặt trên các trụ đá cổ bồng trạm trổ tinh tế; trên là mái vòm hình ô – van đậm phong cách kiến trúc Ba-rốc nhưng vẫn gợi dáng dấp tam quan Đông Phương cổ kính…Tất cả vẻ đẹp đó hiển hiện trước mặt. Nhưng còn một báu vật khác khiêm nhường ở phía sau nhà thờ mà ít người chú ý, đấy chính là cỗ máy đồng hồ cổ kính và kỳ diệu.

Nhà thờ Bùi Chu 


Thời điểm xây dựng, Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu tọa lạc tại trung tâm của địa phận thời bấy giờ, bao gồm cả Hưng Yên - Thái Bình ngày nay; và cho tới hôm nay nhà thờ vẫn được coi là nhà thờ mẹ của các nhà thờ trong giáo phận.

Vẻ đẹp của nhà thờ đã được nhiều người biết tới qua các trang báo, tuy nhiên ở đây còn một vật báu nữa mà ít người để ý đến chính là chiếc đồng hồ cổ nằm phía sau nhà thờ, trên một tòa tháp hình vuông, mỗi chiều chừng 4 m, cao gần 10 m.


Thầy Vũ Minh Tiến, người giúp lễ trong nhà thờ từ năm lên 7 kể, từ nhỏ Thầy đã được các Thầy Già cho phép vào trong tháp để xem và cùng lên dây chiếc đồng hồ này.

Chiếc đồng hồ được đặt ở lưng chừng tháp, cách mặt đất khoảng 6m, mặt số đề chữ F. Fanier – Robecourt (tên một hãng đồng hồ ở Pháp?). Máy đồng hồ gần như vuông (1,2m x 0,7m), hoạt động theo nguyên tắc dùng thế năng (vật nặng) làm chuyển động các bánh xe.

Để tạo thế năng, đồng hồ dùng 3 quả nặng bằng kim loại, mỗi quả chừng 50 kg. Mỗi quả nặng tạo ra lực (lực hút trái đất) để làm chuyển động các bánh răng chạy nhạc điểm phút, nhạc điểm giờ và chạy giờ. Do đó, cứ 15 phút đồng hồ điểm chuông 1 lần. Khi đến các giờ chẵn (1 giờ, 2 giờ…) thì có thêm tiếng điểm giờ, số tiếng chuông bằng đúng số giờ/phút kim chỉ trên mặt đồng hồ.


Tạo ra âm thanh là hai quả chuông, quả lớn phát ra nốt đồ có đường kính khoảng 70 cm và quả phát ra nốt rê có đường kính 65cm. Ba chiếc vồ gỗ lần lượt gõ vào chuông tạo âm thanh khá lớn.

Thầy Tiến kể, khi chưa có nhiều nhà cao tầng, cách 4 cây số người dân Hành Thiện vẫn nghe rõ, còn hiện nay trong vòng 2 cây số, vào ban đêm, người dân vẫn theo dõi giờ qua chiếc đồng hồ này.

Mặt đồng hồ được làm bằng một tấm hợp kim tròn đường kính gần 1m. Những năm khó khăn, mỗi khi quét vôi tháp, người ta lại dùng sơn trắng sơn lại mặt đồng hồ, dùng hắc ín, nhựa đường tô lại chữ số.


Phía trong máy đồng hồ gắn một đồng hồ mặt bằng men, đường kính 12 cm. Trục kim của đồng hồ con này cũng đồng thời là trục kim của đồng hồ lớn bên ngoài nên khi cần chỉnh lại giờ, chỉ cần chỉnh chiếc đồng hồ con phía bên trong tháp là kim của đồng hồ lớn phía ngoài được chỉnh theo.

Một điểm khá đặc biệt của chiếc đồng hồ tại Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu là hệ thống cáp treo quả nặng không từ phần máy thả xuống mà lại được treo ngược lên đỉnh tháp qua một ròng rọc (pa-lăng) rồi mới thả xuống phía dưới. Cách bố trí như thế giúp có thể để mặt đồng hồ ở tầm thấp (dễ nhìn) nhưng vẫn đảm bảo độ cao hành trình của quả nặng để máy đồng hồ chạy được 7 ngày hoặc hơn. Sau 7 ngày, khi quả nặng đã rơi gần chạm đất thì người ta sẽ dùng tay quay ma-ni-ven (dài cỡ 60cm) quay kéo quả nặng lên đỉnh tháp để đồng hồ tiếp tục làm việc.

Mặc dù là hệ thống cơ khí thô sơ, với những bánh răng to nhỏ khác nhau(đường kính bánh răng to nhất chừng 30cm) bôi trơn bằng dầu luyn thông thường nhưng đồng hồ giữ giờ khá tốt. Nếu không tính thời gian đồng hồ dừng vì phải quay tời để kéo vật nặng lên thì sai số hầu như không đáng kể.


Một con lắc dài chừng 90 cm giúp điều chỉnh việc chạy nhanh - chậm của đồng hồ. Do sự giãn nở vì nhiệt nên vào mùa đông (hoặc mùa hè) người ta sẽ tăng (hoặc giảm) độ dài con lắc để điều chỉnh biên độ dao động, giúp đồng hồ chạy chính xác.

Trên hai quả chuông của đồng hồ còn đúc nổi số 1922, tức là được sản xuất năm 1922. Nhưng thú vị ở chỗ tòa tháp này cũng được xây dựng vào năm 1922. Như vậy có nhiều khả năng đây là chiếc đồng hồ được đặt riêng cho Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu.

Theo trí nhớ của các Thầy ở đây thì chiếc đồng hồ này chưa một lần nào phải sửa chữa lớn. Nó liên tục hoạt động. Chỉ có một thời gian (khoảng 5 năm) Đức Cha Giuse muốn hạ “cỗ máy thần kỳ” này xuống đất để mọi người cùng chiêm ngưỡng nhưng rõ ràng đấy không phải vị trí thiết kế đúng nên các Thầy lại đưa nó về chỗ cũ và hoạt động bền bỉ cho tới hôm nay. 


Trước đây viền tròn xung quanh mặt đồng hồ ở trên tháp được đắp nổi bằng vôi rơm nhô ra chừng 10 phân, tạo cảm giác lồi lõm rất đẹp, lâu ngày viền nổi bị hỏng khiến mặt đồng hồ nhô lồi ra ngoài. Khi đó người ta đã vội vàng cắt trục kim (bằng đồng, φ 27) để mặt đồng hồ sát bằng với tường. Kể lại chi tiết này, Thầy Tiến vẫn còn hối hận, tiếc rẻ. Và đấy cũng là lần “đụng dao kéo” duy nhất với chiếc đồng hồ gần 100 năm tuổi này.

So với chiếc đồng hồ trong Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn thì chiếc đồng hồ này nhỏ hơn. Nhưng nếu so về khả năng hoạt động hoàn hảo, bền bỉ thì hiếm có chiếc nào được như chiếc đồng hồ cổ trong Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu.

Ngô Thiệu Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét