27 thg 11, 2017

Không vào hang cọp sao... biết đường chạy ra?

Cách thành phố Cao Bằng khoảng 90 km và cách thác Bản Giốc khoảng 3 km là một hang động kỳ vĩ mang tên động Ngườm Ngao (bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh). Khi đưa khách du lịch tham quan thác Bản Giốc, người ta thường đưa tham quan động Ngườm Ngao luôn vì hai địa điểm này rất gần nhau.

Động Ngườm Ngao được người Pháp phát hiện năm 1921, tuy nhiên mãi 75 năm sau, sau cuộc khảo sát của hội Khảo sát Hang động Hoàng gia Anh năm 1995 thì Việt Nam mới chính thức khai thác hang động (1996), đến năm 1998 động được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia. Theo khảo sát năm 1995 nói trên thì chiều dài hang động là 2.144 m, tuy nhiên gần đây Viện Khoa học Địa chất Việt Nam khảo sát và xác định lại chiều dài là 2.769 met với 3 cửa hang là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Ngườm Bản Thuôn.

Cửa động Ngườm Ngao

Du khách tham quan hang động sẽ được đưa vào từ cửa Ngườm Lồm và ra ở cửa Ngườm Ngao với tổng chiều dài khoảng 1 km. Theo tiếng Tày, Ngườm nghĩa là hang động, Lồm là gió, Ngao là con cọp. Ngườm Lồm là hang gió, Ngườm Ngao là hang cọp (nhưng người thuyết minh sẽ gọi là động hổ).

Giải thích cho tên gọi Ngườm Ngao, người ta nói rằng ngày xưa trong động này có nhiều hổ dữ sinh sống, nhưng cũng có người cho rằng không có hổ mà chỉ có tiếng suối chảy trong động tạo ra tiếng kêu giống tiếng hổ gầm thôi. Tên Nguồm Lồm cũng phát xuất từ chỗ trong động có dòng suối ngầm chảy mạnh tạo ra luồng gió và tiếng ầm ầm dội vào các vách núi.

Theo các nhà khoa học, Ngườm Ngao là động đá vôi được hình thành cách đây 300 triệu năm. Cùng với thời gian, những nhũ đá và măng đá đã tạo nên những khung cảnh thật sinh động. Tùy theo trí tưởng tượng, người ta đặt ra những tên gọi kỳ thú cho các nhũ, cột đá này.



Thí dụ như động được chia thành nhiều khu, khu tứ trụ thiên đình với những cột đá trông như cột chống trời; khu trung tâm với không gian rộng; khu châu báu là những núi nhũ lấp lánh ánh vàng, ánh bạc. Trong mỗi khu như vậy có những thạch nhũ được đặt tên là cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con cóc thần, cây đàn đá, cây san hô và con tàu, thác vàng, thác bạc, đài sen úp ngược, cột đá cô đơn… 

Hội đủ 2 điều kiện chủ quan là máy chụp hình dỏm và người chụp hình tệ, cộng với điều kiện khách quan là thiếu ánh sáng và phải di chuyển hơi khó khăn trong hang, tui đã sản xuất ra những tấm hình xấu hoắc. Nhưng dù sao nó cũng là hình của mình, nên tui đăng lại đây để làm kỷ niệm. Mọi người coi hình đừng nghĩ là động Ngườm Ngao tệ vậy nha. Theo tui, những hang động như Ngườm Ngao (hoặc ở Hạ Long, Phong Nha...) thì phải đi vô trong hang mới thật sự cảm nhận sự kỳ thú, như người ta vẫn thường nói Không vào hang cọp sao... biết đường chạy ra, chớ còn chỉ coi hình của tui chụp thì chả có xi-nhê gì hết!

Cây san hô


Cây bạc, gọi tên như vậy mầm đá này lóng lánh bạc (chụp hình hổng thấy lóng lánh gì hết!)

Hình như giống con gấu phải hông?

Thử tưởng tượng coi hình gì?

À, mà ra cửa hang chụp hình cũng đẹp lắm á, và trên đường ra mua hạt dẻ Trùng Khánh (đặc sản nơi đây) để nhâm nhi cũng ngon lắm!

Ra tới cửa hang, đủ ánh sáng trời rồi

Anh nhớ mãi ngày gặp em, cô gái Tày đẹp xinh! (cô hướng dẫn viên đó mà!)


Biết "hạt dẻ dang" là gì hông? Hột dẻ rang đó!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét