5 thg 5, 2016

Tôm càng Rạch Đông

Đã từ lâu con Rạch Đông - đoạn chảy qua địa bàn ấp 3 và ấp 1, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) đổ ra sông Đồng Nai - nổi tiếng là có nhiều tôm cá. Trong đó, tôm càng Rạch Đông ngon được nhiều nơi biết đến. Ca dao Đồng Nai đã ghi nhận sự việc này một cách rất hình ảnh:

Rạch Đông nước chảy 
Con cá nhảy, con tôm nhào.


Vậy mà phải đến những năm đầu thập niên 1980 tôi mới lần đầu được thưởng thức món tôm càng Rạch Đông một cách khá... "oái oăm" và bất ngờ. "Oái oăm" vì hồi đó Công ty du lịch Đồng Nai mới được thành lập, Ban chủ nhiệm công ty đều là cán bộ công an được chuyển qua phụ trách. Chuyến đầu tiên đi khảo sát để mở tuyến du lịch trên sông Đồng Nai do đích thân Trưởng ty Công an Đồng Nai lúc bấy giờ là ông Mười Vân (Nguyễn Hoàng Vân) cùng chủ nhiệm Công ty du lịch Bảy Bình (Lê Quốc Bình) tổ chức. Tôi tham gia đoàn với tư cách nhà báo. Chuyến khảo sát được đi trên tàu sắt của cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy. Khi đến cuối nguồn thác Trị An quay về đến bến Vịnh thì có ca nô của CSGT đường thủy mang lên tàu một sô đầy nhóc tôm càng và đốt than nướng tại chỗ. Khẩu phần của tôi là một chai bia với con tôm càng bự chảng. Hương vị ngọt, thơm của tôm càng Rạch Đông nướng làm tôi cảm thấy "ngon một cách lạ lùng". Sau đó tôi lại nhiều lần được thưởng thức món tôm càng Rạch Đông nhờ trưởng ban ngoại vụ thời bấy giờ là ông Tám Sâm (Nguyễn Văn Sâm) thường chiêu đãi khách Liên Xô bằng những món "cây nhà lá vườn" của Đồng Nai, mà bao giờ món tôm càng Rạch Đông cũng đứng đầu danh sách. Món tôm càng Rạch Đông nướng uống với rượu đế Bến Gỗ rồi tráng miệng bằng bưởi Tân Triều khiến không những khách Liên Xô, Bungary... mà sau đó còn có cả người Nhật, Pháp đều tỏ ra ưa thích; còn riêng tôi thì... quên mất cơm "nhà ăn liên cơ".


Ông Hồ Minh Quang - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân An - người có mặt ở đất Rạch Đông này từ những năm 1960 với tài bắt tôm, cá giỏi đến thành danh là ông Tư Cò cho biết: "Tôm ở Rạch Đông này hồi trước nhiều vô số kể. Mùa nước trong đi men theo sông Rạch Đông có thể nhìn thấy tôm nằm đặt rật dưới nước. Đưa mồi xuống câu, thấy cả con tôm càng bơi đến kẹp. Còn đêm rọi đèn, xuống Rạch Đông thấy đỏ lừ mắt tôm dưới nước. Hồi còn chiến tranh vùng này ít người lắm, léo lánh mò vào thì L19, trực thăng từ phi trường Biên Hòa nhào đến bắn giết ngay nên nguồn nước đậm đặc phù sa từ hướng Bàu Hàm, Trảng Bom đổ về Rạch Đông đã bồi bổ, nuôi dưỡng cá tôm làm chúng phát triển nhiều vô số kể. Nhưng cá tôm hồi đó rẻ rề, không mấy ai đánh bắt làm gì. Phải đến những năm 1981 - 1982 ông Hai Hạnh (Nguyễn Văn Hạnh - Phó chủ tịch UBND xã), ông Năm Sơn (Cao Thành Sơn) mới đi tiên phong trong việc đóng đáy. Mỗi đêm một miệng đáy trút ra cả mấy tạ tôm càng. Tôi thấy mê quá cũng bắt chước làm theo. Lần lượt trên sông Rạch Đông xuất hiện cả mười mấy hai chục hàng đáy. Hàng đáy này cách hàng đáy kia một cây số, vậy mà miệng đáy nào mỗi đêm trút cũng trên 1 tạ tôm. Tính ra vào mùa, mỗi đêm vùng Rạch Đông này thu hoạch ít nhất trên một tấn tôm càng!".

Ông Tám Tàng (Huỳnh Văn Toàn), chủ cơ sở Tám chuyên mua bán tôm càng ở gần cầu Rạch Đông, một đầu mối cung cấp tôm càng cho bạn hàng ở TP. Hồ Chí Minh (đặc biệt là cung cấp tôm giống cho Trường đại học nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ...) cho rằng, sở dĩ tôm càng Rạch Đông ngon, được các nơi ưa chuộng do tôm Rạch Đông chắc thịt và mỏng vỏ, khi hấp, luộc vỏ có màu đỏ tươi rất đẹp. Vợ ông Tám Tàng, bà Tám Lan (Nguyễn Thị Hoa Lan) vốn xuất thân trong một gia đình làm đáy bắt tôm lâu đời ở Rạch Đông (Ba bà là ông Nguyễn Văn Mạo đưa đò trên sông Đồng Nai nhưng đến mùa thì nện tre làm đăng bắt tôm. Hai người anh trai của bà là ông Năm Trừ (Nguyễn Văn Hùng), Bảy Hổ (Nguyễn Văn Hổ) đều là những chủ đáy, phất lên nhờ con tôm). Bà Tám Lan nói rành rọt:

  • Mấy năm gần đây các tỉnh miền Tây phát triển tôm càng xanh rất mạnh. Nhưng dân sành điệu vẫn thích tôm càng Rạch Đông vì tôm càng xanh ở miền Tây to hơn nhưng vỏ dầy và con tôm bở thịt, chớ không chắc, ngon thịt như tôm Rạch Đông!
Những bạn hàng chuyên lấy tôm càng ở Rạch Đông về TP. Hồ Chí Minh cung cấp cho các nhà hàng lớn, phân tôm ra làm 3 loại: loại 1, con tôm phải từ một lạng trở lên, loại 2: tôm từ 0,5 đến 0,6 lạng; còn loại 3 là tôm xô, sa cạ. Nhưng dân sống với nghề làm tôm ở Rạch Đông thì có cách phân loại khác hẳn. Họ căn cứ vào mùa nước để phân biệt chất lượng con tôm. Đầu mùa nước, thường bắt đầu từ tháng 5,6 âm lịch là mùa tôm càng xanh đang mang trứng, gọi là tôm trứng. Tôm càng xanh có càng to, thân hình nhỏ. Vào giữa nước, cỡ khoảng cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 âm lịch là vụ tôm càng mún hay còn gọi là càng lửa vì càng con tôm lúc này nhỏ, đỏ nhưng thân hình rất to. Đây là loại tôm càng có giá trị nhất. Tôm càng mún thường nhỏ con so với tôm càng xanh miền Tây nhưng lại nặng cân. Mỗi con nặng từ 1 đến 2 lạng. Vào năm 1987, ông Tư Cò đã bắt được một con tôm càng mún nặng đến nửa kg.

Ông Tư Cò cho biết, hồi chưa giải phóng ở vùng Rạch Đông này có một ông già là cán bộ kháng chiến ở Trảng Bàng (Tây Ninh) lánh nạn có tài soi tìm cá thuộc vào hàng siêu đẳng nên người ta chỉ biết gọi ông là ông Tư Soi. Ông Tư Soi đã có lần soi được con tôm càng nặng đến 7 lạng. Chủ cơ sở thu mua tôm Tám Tàng cho biết: "Lâu lâu mới có vài con loại 3 lạng! Tôm càng Rạch Đông bây giờ giảm sút nhiều lắm rồi!".

Để khai thác nguồn tôm càng ở Rạch Đông được xem là nhiều vô kể, vào những năm rộ lên việc xuất khẩu tôm, ngoài bắt tôm bằng đáy, đăng, dân ở Hố Nai, Tân Mai còn về đây vó tôm, dân Chợ Đồn lên câu giàn, dân tại chỗ thì câu cần, soi... dân Lạc An bên kia sông tìm qua chĩa... nên nguồn tôm Rạch Đông giảm sút đáng kể. Theo kinh nghiệm của ông Tư Cò (người cung cấp tôm ban đầu để hình thành thương hiệu lẩu tôm Năm Ri nổi tiếng ở Biên Hòa) thì trước đây tôm càng ở Rạch Đông cứ 3 năm trúng thì kế đó là một năm thất, còn từ một chục năm trở lại đây thì thất liên miên và càng ngày cho thấy càng thất nặng. Nguyên nhân chủ yếu là do có một số người "rất bất nhơn" cứ lén lút khai thác tôm bằng cách dùng hóa chất thả ở đầu Rạch Đông, thuốc trôi tới đâu, tôm mẹ tôm con chết nổi lềnh tới đó. Vài năm nay lại thêm những người sử dụng xung điện để... triệt tôm. Ông chủ tịch Hội nông dân xã đã 62 tuổi nói với giọng đầy bức xúc: "Tận diệt bằng những kiểu cách ác độc như vậy thì làm sao còn con tôm Rạch Đông nổi!".

Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng trên báo Đồng Nai 14/04/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét