22 thg 5, 2016

Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái...

Đi dạo qua khu vực ăn uống lề đường của khu phố Tàu (Chinatown) ở Bangkok (Thái Lan), đoàn du khách Đồng Nai chúng tôi bỗng bắt gặp một bất ngờ thú vị: Bên cạnh những loại trái cây truyền thống của Thái như sầu riêng, tha la, vải... bày bán trên quày, còn có mặt những bịch ni lông đựng trái trâm chín đen sậm. Mỗi một bịch chừng 100gam kèm theo túi muối ớt được bán với giá 20 bath (khoảng 8.000đồng VN). Ông Lý Văn Dừa, cựu giám đốc nhà máy đường Tân Thành (TP. Biên Hòa) ngạc nhiên kêu lên: "Trời ơi, loại trái cây chỉ có ở miền Đông mình mà bên Thái Lan này cũng có. Mà họ bày bán coi lịch sự quá! Chớ hồi nhỏ ở Phú Hội, mùa này có mấy bà già đem chừng một rổ trâm bán trước cổng trường học. Trâm được đong bằng cái chén đá rồi trút vô miếng lá chuối quấn thành hình cái loa. Đám học trò tụi này cứ vậy mà bóc ăn, chát chát, ngọt ngọt, miệng mồm đứa nào đứa nấy tím ngắt, đen thui...".

Trái trâm trên cây

Người cán bộ hưu trí 78 tuổi này, tham gia cách mạng từ lúc còn là một thiếu niên rồi được học tập ở miền Bắc, đưa sang Liên Xô đào tạo rồi về nước tham gia điều hành các cơ sở công nghiệp ở thành phố, đô thị bỗng chặt lưỡi: "Phải trên năm mươi năm rồi tôi mới nhìn thấy lại trái trâm. Không ngờ lại nhìn thấy nó ở Thái Lan".

Vợ ông Hai Dừa, bà Nguyễn Thị Phước Hoa, cựu giáo viên của Trường tiểu học Nguyễn Du (Biên Hòa) thì bồi hồi: "Tháng năm âm lịch này là mùa trái trâm ở quê mình đây! Trâm chín rộ vào mùng năm tháng năm. Trong vườn của má tôi ở xã Tam An (huyện Long Thành) có mấy cây trâm. Trái chín đen oằn cả cây. Mỗi lần hái phải trải mấy tấm đệm dưới gốc cây rồi leo lên cây mà rung. Trâm rụng đầy đệm lấy thúng hốt đem bán ở mấy trường học. Tụi học trò nhà quê mê món này lắm!".

Công bằng mà nói, trái trâm không ngon lắm, dù thoạt nhìn nó giống như trái nho tím nhỏ, nhưng ăn vào có vị chát chát, chua chua, ngọt ngọt với cái hột bự chảng, vậy mà ăn hoài không biết chán. Trâm là loại trái cây quê mùa và có mặt sớm nhất vào đầu mùa mưa. Có lẽ vì vậy mà không hiểu tự lúc nào, bọn trẻ, học trò ở Biên Hòa - Đồng Nai cách đây khoảng chừng 40-50 năm vẫn lưu truyền với nhau những câu đồng dao: "Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái. Con gái có chồng, đàn ông có vợ, đàn bà có con".

Trái trâm được hái xuống và bày bán

Trong bộ sách "Cây cỏ Việt Nam" của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, cây trâm có tên khoa học là SYZYGIUM CUMINI thuộc họ SIM (MY RTACEAE), tính ra có đến vài chục loại phân bố gần như khắp cả nước. Thế nhưng trâm có trái và ăn được thì hình như chỉ có 2 loại mọc ở vùng đất cao ráo ở miền Đông là trâm trái tròn nhỏ như trái trứng cá và chín thành chùm có màu đen, ăn ngọt, cùng với trâm có trái như quả nho (tròn dài) thường được gọi là trâm bầu ăn có vị chát. Khoảng vài mươi năm trước đây, trâm mọc rất nhiều ở vùng chiến khu Đ, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch... Điều khá bất ngờ là ở ngay trung tâm TP. Biên Hòa cũng có một cây trâm và năm nay có trái chín khá sớm (từ đầu tháng 4 âm lịch). Đó là cây trâm mới 3 năm tuổi của ông Nguyễn Quang Minh ở nhà số 98C/4, KP2, phường Tân Mai (tức là đường 4 bây giờ). Cây trâm cao khoảng 3m (mọc trước sân nhà ông) oằn đen những chùm trái chín mà không được trẻ con hoặc học trò đoái hoài tới. Ông Minh năm nay 43 tuổi, làm gỗ nội thất ở Công ty gốm mỹ nghệ Đồng Thành. Ông cho biết ở công ty có một cây trâm rất lớn hiện vẫn còn ở cạnh lò gạch cũ. Chính những trái trâm ông hái ở đây đem về nhà ăn đã cho ra đời cây trâm trước sân nhà ông hiện nay (sát quán cháo hến Như Ý). Ông Minh cũng cho biết là việc trồng cây trâm trước sân nhà không đem lại lợi ích gì cả, nhưng ông vẫn yêu thích vì trâm có bông màu hồng lợt thường trổ sau Tết, nhìn rất dễ thương lại có mùi hương thoang thoảng. Đặc biệt nó giúp ông nhớ đến tuổi học trò (học Trường tiểu học Tân Tiến) thường đi bộ băng qua phía sau nhà máy giấy Tân Mai. Sát bờ sông nơi đây có mấy cây trâm mà mỗi khi vào hè, ông cùng lũ bạn bè đồng trang lứa tha hồ tắm sông, trèo cây bẻ trâm ăn thỏa thích, và cùng nhau hát đồng dao: "Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái...".

Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng báo Đồng Nai ngày 03/06/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét