19 thg 5, 2016

Dưa gang Long Thành

Đến nay đã cuối mùa nhưng dọc theo quốc lộ 51 đoạn xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) và tại cây xăng trên đường 25B vẫn còn 5, 7 sạp dưa gang chất đống bên đường, lác đác người mua. Ông Phan Văn Năm, một "nông dân cựu trào" của xã Phước Lai (sau này sáp nhập với Phước Kiểng thành xã Hiệp Phước) nay đang là cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Hiệp Phước cho biết: Năm rồi dưa gang bị thất mùa do thời tiết xấu nên năm nay dưa gang bị thu hẹp diện tích chỉ còn chừng 3 hécta, tập trung ở ấp 5 và ấp 6. Tám Tài (Đoàn Văn Tài) là "vua trồng dưa gang" ở đất này mà năm nay cũng chuyển sang trồng bí đao. Vậy mà cũng có một số bà con ở Hiệp Phước mượn đất bên Long An (huyện Long Thành) để trồng dưa gang lại trúng. Có lẽ dưa gang năm nay bị thu hẹp diện tích nên bán có giá (3.000đ/kg). Mấy năm trước, giá chỉ 1.500 đến 2.000đ/kg... Nhưng nhìn chung tình trạng thăng trầm của dưa gang trên đồng đất Hiệp Phước này nó giống như câu nói của ông bà mình ở Phước Lai trước đây: "Muốn lên trồng thuốc, muốn tuột trồng dưa...!".

Một sạp bán dưa gang trên vệ đường quốc lộ 51 ở Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch).


Cũng là một người trồng dưa gang từ hồi nhỏ như ông Năm, là ông Đoàn Văn Trúng - Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Phước. Ông Trúng cho biết: "Nhà tui trồng dưa gang từ thời ông sơ rồi đến đời ông cố, ông nội, cha tui và đến đời tui. Hồi nhỏ tui đi học một buổi, về nhà một buổi tưới dưa gang. Trồng dưa gang hồi đó tưới cực trần thân chớ hổng phải như bây giờ... Nhưng đến mùa dưa gang thì vui lắm, cả khu bờ cát chạy dài đến cánh đồng cù lao như vào mùa lễ hội".

Nhiều năm trước ngày giải phóng, ở miệt đất vườn Long Thành đã hình thành tục lệ... "đi ăn dưa gang" ở khu bờ cát vào những ngày thứ bảy, chủ nhật trong tháng giêng. Có những ngày chủ nhật cánh đồng dưa gang này đón đến hàng ngàn người từ Biên Hòa, thị trấn Long Thành (đông nhất là học sinh và nam nữ thanh niên đến bằng xe đạp, xe gắn máy) và du khách từ Sài Gòn đi nghỉ mát Vũng Tàu ghé qua đây để thưởng thức hương vị mát lành, dẻo thơm của một loại trái cây ra đời giữa mùa nắng nóng phương Nam. Người ta lũ lượt kéo đến chật kín cả cánh đồng rộng lớn để mua dưa rồi bẻ ăn tại chỗ, sau đó kéo vào vườn cây bên cạnh để cắm trại, đàn hát tạo thành một cảnh sắc sinh động, huyên náo lạ thường. Mùa dưa gang thường mở đầu từ mùng 5 Tết và kéo dài đến giữa tháng 2 âm lịch. Từ lâu đời bà con nông dân ở đây đã biết khai thác lợi thế của vùng đất pha cát có mạch nước ngầm tại chỗ nên sau khi thu hoạch lúa mùa liền tranh thủ cuốc liếp bỏ hột dưa gang. Chỉ 45 ngày sau, dưa gang đã cho trái. Những trái dưa to đùng chín nứt banh ruột banh gan này được xem như ... của trời cho. Do vậy, chủ ruộng bán với cái giá rẻ như cho; nên thanh niên, học sinh kéo nhau băng đồng được bao bụng ăn đến no mà chẳng tốn bao nhiêu tiền, đã làm cho việc đi ra khu bờ cát Long Thành ăn dưa gang trở thành "điểm hẹn" lý thú.

Sau năm 1975, "lễ hội ăn dưa gang Long Thành" càng đông vui hơn, thu hút cả nam nữ thanh niên từ TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu đổ về. Nhưng tình hình lương thực lúc đó đang quá khó khăn, việc vận động nông dân ở Phước Lai thay đổi tập quán canh tác bằng cách đưa vào các giống lúa ngắn ngày để tăng vụ đã khép bớt diện tích trồng dưa gang. Đến vụ, dưa gang được thu hoạch sẵn chất dài theo bờ ven quốc lộ 51 dài cả cây số, biến đoạn đường này trở thành "chợ dưa gang" tấp nập người mua kẻ bán. Khoảng mươi năm trở lại đây, quốc lộ 51 được nâng cấp, gắn rào cản đã làm cho "chợ dưa gang" bị ... dẹp tiệm. Chỉ còn vài mươi sạp dưa gang thời vụ, bán bán mua mua trên những khoảnh đất trống bên vệ đường. Những gia đình trồng dưa gang lâu đời nhất ở Hiệp Phước như ông Bảy Chu, Sáu Chắng... cũng chuyển hướng sản xuất sang các loại đồ hàng bông có giá trị kinh tế cao hơn. Từ trên 20 hécta vào những năm cực thịnh, diện tích trồng dưa gang ở Hiệp Phước khép lại dần. Cả ông Phan Văn Năm và Đoàn Văn Trúng đều có chung nhận xét: Khoảng chục năm trở lại đây, dưa gang trồng ở đây không phải rặt là dưa gang hồi trước. Dưa gang bây giờ là dưa ngọt lai với dưa sáp ngày xưa có ưu thế là trái to, màu vàng sọc xanh, trắng rất đẹp mắt và có thể cắt khi già chất đống chờ chín rồi bán dần. Trồng dưa gang bây giờ năng suất cao hơn mà không phải tưới, chỉ cần lấy nước vào rãnh để ngấm dần, càng trồng thưa trái càng to. Còn dưa gang hồi trước trái nhỏ có da màu xanh nhạt, ruột trắng, hễ chín là nứt vỏ, không chất lên được do dễ xẹp. Nhưng công bằng mà nói, hương vị dưa gang hồi đó ngon hơn, đã thơm mà còn dẻo nữa. Dưa gang bây giờ nhạt thếch và bở rệt nên bà con người Bắc cứ gọi là ... dưa bở!

Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng trên báo Đồng Nai 25/03/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét