14 thg 5, 2016

Trái guồi trên đất Chiến khu Đ

Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ 20, ở các đô thị miền Nam phổ biến một bài vọng cổ được nhiều người ưa thích: "Ai đi xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh/ đến vùng Bến Cát/nghe con trẻ hát/ Mẹ đi chợ chớ ở lâu/ Khi về mẹ nhớ mua xâu trái guồi/ Con chờ xe lửa tút còi? Ra ga đón mẹ lấy guồi ăn chơi...".

Dây guồi trong vườn già làng Năm Nổi

Cũng thời gian đó, vào mùa guồi chín, ở nhiều chợ trong thị xã Biên Hòa cũng như các trường học, trái guồi vàng rực được mang từ rừng về bán. Đám học trò rất mê loại trái cây lạ này. Mỗi chùm guồi có hàng chục trái to, nhỏ không đều nhau. Có trái to bằng trái cam và có trái nhỏ vỏ còn xanh chỉ bằng trái chanh, trái tắc. Xé lớp vỏ vàng cam mỏng manh ra là màu vàng rực rỡ của những múi guồi đơm dính vào nhau có vị ngọt ngọt, chua chua, ăn hoài không thấy ngán. Nhưng bên trong màng thịt vàng mỏng ấy là cái hột tru trú... Vậy mà đám trẻ con ham ăn thuở ấy thường nuốt luôn cả hột.

Ông Ba Giao (Đoàn Ngọc Giao - nguyên Phó tổng biên tập đầu tiên của báo Đồng Nai) có một chuyện nhớ đời với trái guồi trong chiến khu Đ. Ông vốn là dân Mỹ Tho, thuở sinh viên lại lên Đà Lạt học. Năm 1965, ông nhảy vô rừng và được đưa vào R làm công tác tuyên huấn. Dù cha ông (Lê Quang Thành) đang là Trưởng ban Tuyên huấn của Khu ủy miền Đông, nhưng anh thanh niên ở thành mới vô vẫn phải được thử thách bằng lao động cải tạo, cách ly ngoài căn cứ. Mới chân ướt chân ráo vô chiến khu, anh sinh viên này được phân công trồng rau và chăn bò. Nhờ đi chăn bò, Ba Giao phát hiện ra một khu vực có rất nhiều dây guồi. Mê quá, Ba Giao "mần" một trận quên trời đất và còn làm một bồng đầy guồi chín về đãi mấy người bạn ở thành cũng đang thử thách trong trại sản xuất. Đang sống cảnh ăn hai bữa không no, "đụng" món guồi chín thơm ngon, cả đám "quất" đến... đi không nổi. Và, thế là cả bọn phải kéo nhau vào trạm xá nhờ nhân viên y tế "thụt", đau đến nhớ đời. Còn già làng Năm Nổi ở xã Lý Lịch (huyện Vĩnh Cửu) đến giờ vẫn còn giữ trong vườn "100 loại cây đặc sản rừng chiến khu Đ" mấy dây guồi cao đến 3-4 mét, có cành nhánh bằng cả bắp tay. Ông nói với vẻ tự hào: "Nhìn dây guồi coi có vẻ rừng rú như vầy, tưởng rằng trong rừng núi chiến khu Đ này chỗ nào nó cũng mọc nhưng không phải vậy đâu. Nó chỉ phát triển và có trái ở vùng đất bằng, rừng cây, chớ khu vực đồi núi không có guồi đâu! Mấy dây guồi này tui đem về đây trồng từ năm 1980!". Ông Út Nghị (Hồ Quốc Nghị, người Châu Ro, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo liên mật tỉnh Biên Hòa thời chống Mỹ, vốn là người sinh ra trong lòng chiến khu Đ rồi làm giao liên ngang dọc khắp núi rừng đất này tỏ ra rất đồng tình với nhận xét của già làng Năm Nổi: "Đúng là dây guồi bò nhiều nhất trong những khu rừng già, rừng chồi miệt Bà Đã, Sình, Thường Lang, Tân Tịch... Có những dây guồi bám theo cây cổ thụ cao đến vài ba chục mét, đến mùa trèo hái gian nan lắm!". Già làng Năm Nổi có vẻ ấn tượng với loại đặc sản rừng chiến khu Đ có trái vào tháng 3 và chín vàng rực rừng vào tháng 4 này lắm. Ông nói: "Trái guồi hữu dụng với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào sống trong chiến khu Đ lắm. Từ giữa tháng 3, trái guồi còn xanh là có thể bẻ về xắt lát làm dưa chua ăn thế cơm được rồi! Ăn guồi làm dưa chống đói mà không bị đầy bụng như ăn guồi chín".

Cũng lạ, trong bộ Cây cỏ Việt Nam, giáo sư - tiến sĩ Phạm Hoàng Hộ định danh tên khoa học của guồi là Willughbeia Edulix và xếp loại trái rừng này theo họ Trước Đào (Apocynaceae). Thảo nào, dù trái guồi chín vàng rực, xé lớp vỏ ra vẫn có mủ trắng.

Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng trên báo Đồng Nai ngày 29/09/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét