27 thg 5, 2016

Mai một làng bánh tráng

Theo những người cao tuổi trong ấp 3, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) thì nghề làm bánh tráng gạo có ở đây gần 100 năm. Trước đây, nhiều gia đình trong ấp sống bằng nghề làm bánh tráng, nhưng nghề này hiện đang mai một dần.

Bà Lại Thị Ba, ấp 3, xã Thạnh Phú có thâm niên làm bánh tráng gạo gần 60 năm. 

Đến Đồng Nai, ngoài đặc sản bưởi Tân Triều, nhiều người còn nhắc đến trà Phú Hội và bánh tráng Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). Bánh tráng Thạnh Phú không chỉ nổi tiếng ở Đồng Nai mà một số tỉnh, thành lân cận cũng biết tiếng.

Khuya sớm với lò

Chúng tôi tìm về nơi nổi danh với nghề làm bánh tráng gạo gần 100 tuổi, buổi chiều trời nắng gắt nhưng hầu hết các lò bánh đều gác phên nghỉ ngơi. Vừa dẫn đường, ông Nguyễn Võ Thanh Tùng, Trưởng ấp 3, xã Thạnh Phú vừa kể: “Trước đây, ấp 3 có trên 40 lò làm bánh tráng gạo, nhưng gần 2 năm nay, nhiều lò đã đóng cửa chuyển nghề. Lý do chính là vì nghề này phải thức khuya dậy sớm, nhưng thu nhập lại không cao”. Muốn làm được một mẻ bánh tráng gạo, chủ lò phải trải qua rất nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật và khéo tay.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, chủ cơ sở làm bánh tráng gạo ở tổ 4, ấp 3, chia sẻ: “Muốn bánh tráng ngon thì ngay từ khâu chọn gạo phải thật kỹ. Gạo làm bánh tráng một nửa là gạo dẻo, một nửa gạo nở trộn đều và đem ngâm khoảng 4-5 tiếng. Sau đó, vo gạo sạch nước đục rồi cho vào xay thành bột và bột ngâm qua một đêm, sáng sớm hôm sau mới bắt đầu tráng bánh”. Các chủ lò bánh cho biết, phải là người chịu khó mới làm được nghề này, vì từ khâu ngâm gạo cho đến khi ra bánh trải qua khoảng 6 khâu khác nhau. Nhưng khó nhất có lẽ vẫn là khâu tráng bánh, người tráng được bánh thành thạo cũng mất ít nhất 3-4 năm theo học và phụ việc, bởi chỉ cần không đều tay là bánh chỗ dày chỗ mỏng, khách chê lần sau sẽ mất mối.

Khó giữ nghề

Đặc trưng của nghề bánh tráng gạo là phải có ít nhất 2 người trở lên. Vì khi đổ bánh phải có một người chuyên ngồi cạnh lò để đổ bột và gỡ bánh, còn người kia phụ trách khâu đem phên lại gần xếp bánh đem phơi.

“Phơi bánh đòi hỏi rất công phu, nếu canh thời gian không chính xác, bánh già nắng quá sẽ dễ vỡ chủ hàng không nhận, còn thiếu nắng bánh sẽ sượng. Vì thế, người phơi bánh phải lựa theo thời tiết, nếu nắng to rút ngắn thời gian phơi còn nắng yếu phơi lâu hơn” - bà Nguyễn Thị Tưởng, chủ lò bánh ở ấp 3, cho hay. Cũng theo bà Tưởng, nghề làm bánh tráng khá gian truân, bánh đang phơi mà không may trời đổ mưa, thu không kịp chỉ vài giọt mưa rơi vào thì mẻ bánh đó coi như đổ bỏ vì sượng. Vào mùa mưa, việc phải đổ bỏ bánh tráng với các lò là chuyện thường xảy ra, vì thế người làm bánh rất sợ trời mưa bất ngờ.

Ông Nguyễn Võ Thanh Tùng, Trưởng ấp 3, xã Thạnh Phú tỏ ra luyến tiếc, trước đây mỗi ngày các lò làm bánh tráng trong ấp cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 35-40 ngàn chiếc, nhưng nay lượng bánh đã giảm đến 90%. Không biết vài năm nữa, lớp người lớn tuổi không còn sức khỏe để sản xuất thì nghề này còn hay mất?
Bà Lại Thị Ba, người có thâm niên gần 60 năm làm bánh tráng ở ấp 3, tâm sự: “Vợ chồng tôi làm cả ngày mới được khoảng 500-600 bánh để giao cho các mối ở TP. Biên Hòa. Sau khi trừ hết các chi phí gạo, củi, trấu còn lời được hơn 100 ngàn đồng. Nhưng nếu gặp mưa, khoảng 200 bánh bị sượng phải bỏ coi như ngày đó làm không công”. Có lẽ cũng tại nghề sản xuất bánh tráng gạo vất vả, sáng 3-4 giờ đã phải thức dậy nhóm lò, chuẩn bị đồ nghề đổ bánh, trong khi rủi ro lại rất cao nên rất ít người trẻ theo nghề. Những lò còn tồn tại hầu hết là người lớn tuổi, yêu nghề mới trụ lại được.

“Hai đứa con tôi chẳng đứa nào chịu học nghề làm bánh tráng. Tụi nó nói nghề này cực, làm quần quật cả ngày cũng chỉ kiếm được gần 100 ngàn đồng/người. Còn gặp ngày mưa bánh hỏng coi như trắng tay, như vậy thà đi làm công nhân lương ổn định hơn” - bà Dương Thị Thảo ở ấp 3 bùi ngùi kể.

Ấp 3, xã Thạnh Phú hiện chỉ còn khoảng 4-5 lò sản xuất bánh tráng với sản lượng 3.500-4.000 bánh/ngày. Thị trường cung cấp chính là TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh. Tuy bánh tráng Thạnh Phú ngon có tiếng nhưng chỉ mạnh ai lấy làm, không có nhãn hiệu riêng nên thị trường tiêu thụ chủ yếu là mối quen nhiều năm đến đặt hàng. Hiện bánh tráng Củ Chi được đầu tư bài bản có nguồn gốc, thương hiệu rõ ràng khiến thị trường bánh tráng của Thạnh Phú ngày càng bị co hẹp.

Hương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét