17 thg 5, 2016

Hột cầy rang

Hầu hết ở những cánh rừng bị chặt phá nham nhở, thường chỉ còn lại trơ trụi những cây cầy với tàng lá xanh um. Nhiều dân làm rừng ở Mã Đà, Vĩnh An từng cho tôi biết: "Thợ rừng chê cây cầy vì gỗ loại cây này giá trị không cao mà lại rất khó cưa, xẻ cũng như đốn hạ". Già làng Năm Nổi, ông Út Nghị - người dân tộc Chơ Ro - cán bộ cựu trào ở vùng Lý Lịch - Bù Cháp thì cho rằng: "Cây này ở Chiến khu Đ rất lạ là mỗi khi Mỹ rải chất độc hóa học thì các loại cây rừng khác đều trụi lá rồi chết rũ, ngoại trừ cây cầy".

Cây cầy (kơ nia)

Cây cầy có tên khoa học là Irvingia Malaya Na Olin.Exbenn, còn được biết tới với tên Kơnia. Đặc biệt, cây này được rất nhiều người biết đến nhờ bài hát nổi tiếng và quen thuộc: "Bóng cây Kơnia". Riêng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào sống trong Chiến khu Đ thì biết đến cây cầy từ một nguồn lợi ích khác. Tháng 4 hàng năm là mùa trái cây chín vàng và rụng đầy gốc. Đây là món ăn rất khoái khẩu của heo rừng nên chúng kéo đến từng đàn sục sạo ăn. Nhờ vậy, vào mùa này, heo rừng ở Chiến khu Đ cũng rất mập. Do đó, "thợ săn" của các đơn vị, cơ quan chỉ cần ra phục ở các gốc cầy, thế nào cũng cải thiện được... thịt tươi! Trong quyển "Tài nguyên cây gỗ Việt Nam", Tiến sĩ Trần Hợp mô tả: "Kơnia (cầy) - cây thường xanh, cao 15-30 m, đường kính 40-60 cm, gốc thường có khía. Tán hình trứng rậm rạp màu lục sẫm. Vỏ ngoài màu nâu hồng, hay xám hồng bong thành mảnh rất nhỏ, thịt vỏ có sạn màu vàng, cành con nhiều lổ bì. Lá đơn, mọc chụm đầu cành, mặt trên xanh bóng, dưới xanh nhạt, hình trái xoan dài 9-11 cm, rộng 4-5 cm. Cụm hoa chùm mọc ở nách lá. Hoa nhỏ màu trắng ... Quả hình trái xoan dài 3-4 cm, rộng 2,7 cm, có 1 hạt. Quả màu vàng nhạt. Ăn được. Hạt có dầu ...".

Chính hạt của trái cầy mới là vấn đề đáng nói. Các ông Năm Nổi, Út Nghị, Nguyễn Đình Biên, cùng những người sống lâu ở vùng rừng núi Chiến khu Đ đều cho rằng: Trái cầy có cơm (thịt) vàng nhạt, hấp dẫn heo rừng nhưng ta ăn có vị chát chát, nên không cần phải đi hái, đợi đến mùa trái cầy rụng xuống gốc cây thúi đi, ta mới tập trung lượm hột rồi chẻ ra rang ăn rất ngon. Món hột cầy rang thơm lừng, ăn béo ngậy, không thua kém gì đậu phộng, hột điều rang bơ.

Hột cầy

Rừng Chiến khu Đ có những cây cầy to đến 3 - 4 người ôm, mỗi mùa trái rụng nếu biết bảo vệ (không cho heo rừng đến ăn) có thể thu hoạch từ 1-2 tạ hột. Nguồn hột cầy khô dự trữ này để dành chế biến thành món hột cầy rang muối là thức ăn với cơm rất hấp dẫn. Còn làm món ăn chơi để đãi khách thì ai một lần ăn sẽ khó mà quên được món hột cầy rang của vùng đất Chiến khu Đ.

Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng báo Đồng Nai ngày 11/12/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét