11 thg 5, 2016

Trai rạch Lò Gốm

Có lần, được thưởng thức món cháo trai rất ngon ở một quán nhỏ nằm bên cạnh hồ công viên của thị xã Tuyên Quang, tôi cứ nghĩ món ăn này là "đặc sản" của Tuyên Quang, còn ở Đồng Nai một đôi nơi cũng có nuôi trai nước ngọt nhưng chủ yếu là chỉ để cấy ngọc thử nghiệm. Thế nhưng mới đây gặp ông Hai Sơn (Nguyễn Văn Sơn) ở ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa) tôi mới biết mình đã lầm lẫn rất lớn. Ông cựu tập đoàn trưởng đầu tiên của tập đoàn sản xuất nông nghiệp xã Hiệp Hòa, nay đã 66 tuổi, từng được báo chí một thời ca ngợi như là "cánh chim đầu đàn trong phong trào hợp tác hóa ở Đồng Nai" khẳng định: "Trai là con vật bản địa của ao hồ trên đất Cù lao Phố này. Nó có mặt lâu đời lắm rồi nhưng do quá ít và kém phát triển nên không được người ta chú ý lắm. Nhưng từ những năm 1990 trở lại đây, đặc biệt là sau khi có chủ trương thực hiện "khoán 10", phong trào đào ao nuôi cá phát triển thì con trai ở đây cũng rộ lên. Mà đâu phải giống mới gì, cũng chính con trai sống tự nhiên dưới đáy ao hồ trên đất Cù lao Phố này. Cũng có lúc con trai trở thành vấn đề "nóng", khi ông Tư Sang, ông Phước Huỳnh (Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa) đem một giống trai nước ngọt ở tận Lâm Đồng về nuôi thử, gia đình tôi cũng bỏ ra 4 năm để đeo đuổi con trai với ước mong cấy ngọc... nhưng đều không có kết quả!".Xoay quanh cái hiện tượng lạ là con trai ở Cù lao Phố sau "khoán 10" bỗng trở nên to lớn hơn trước (trước kia một kg trai phải từ 10 đến 12-13 con, bây giờ mỗi con trai nặng bình quân 200 gr. Con trai 2 năm tuổi thường to bằng bàn tay: 300 - 350 gr, thậm chí có con trai nặng đến nửa kg hoặc 6, 7 lạng). 

Con trai ở xóm rạch Lò Gốm

Ông Hai Sơn nói bằng giọng chắc nịch: 
  • Thực ra cũng không phải hiện tượng lạ gì đâu. Tôi nuôi cá thịt rồi cá giống đã 15 năm nay, tôi nghiên cứu kỹ lắm mới biết sở dĩ con trai ở đây phát triển mạnh là do người ta cải tạo ao hồ thiên nhiên thành đầm nuôi cá nên định kỳ phải xử lý đáy ao bằng cách rải vôi bột. Vôi nóng làm cho một số ốc hến và trai yếu chết đi, nhưng số còn lại hấp thu được chất calci trong vôi nên phát triển mạnh, đặc biệt là có lớp vỏ dày, bên cạnh đó là thức ăn bón cho cá dư thừa chìm xuống đáy ao trở thành nguồn dinh dưỡng dồi dào giúp đàn trai phát triển mau chóng. Những giống trai đem từ nơi khác về đây nuôi cũng bị địa phương hóa hết rồi, chớ không phải trai ở xóm Rạch Lò Gốm này phát triển to lớn do giống ngoại nhập đâu!
Con trai của ông Hai Sơn là Nguyễn Văn Trường năm nay 36 tuổi, theo nghề nuôi cá giống từ lúc cha mới bắt đầu khởi nghiệp, đã nhiều lần chở trai bằng xe tải lên giao cho công viên văn hóa Đầm Sen ở TP. Hồ Chí Minh, tỏ ra rất am hiểu về loại vật sống dưới đáy ao "không cần nuôi mà bán lại được tiền" này cho biết: "Con trai có vòng đời chỉ khoảng 2 năm. Muốn biết tuổi con trai thì đếm vòng khía ngoài vỏ. Mấy năm trước, với 4 hầm cá có tổng diện tích mặt nước rộng chừng 
20.000m2, ngoài việc bán cho Đầm Sen - mỗi đợt vài ba tạ, mối là các chủ quán nhậu ở Thủ Đức lên lấy vài ba chục kg, có người đến mua còn nói đem về... làm thuốc (?) ,còn vỏ trai đem qua Bình Dương bán cho các cơ sở đồ mộc để khảm tủ thờ... còn lại mỗi lần xả hầm, gia đình tôi đều để cho con nít trong xóm đến bắt, đem bán ở chợ Hiệp Hòa, chợ Đồn... mỗi đứa vài chục kg. Tính ra có đến vài tạ trai ở mỗi hầm. Nhưng bây giờ những mối lớn hết lấy rồi. Thị trường chuyển sang thích vỏ trai miền Bắc hơn. Do vỏ trai miền Bắc được gọi là trai cánh đen có vỏ dày hơn, tích tụ nhiều xà cừ hơn loại trai có vỏ màu vàng nhạt, mỏng mảnh ở Cù lao Phố. Tuy nhiên, trai ở vùng đất Hiệp Hòa này ngọt thịt được bà con mua về luộc ,xào lăn... đặc biệt, cháo trai nấu đúng bài bản thì rất ngon. Quán nhậu ở Thủ Đức còn chế biến ra món lẩu trai khá thu hút khách!".

Hiện nay ở Cù lao Phố có trên chục hầm nuôi cá, tập trung nhiều nhất ở xóm Rạch Lò Gốm. Chừng này hầm nuôi cá cũng có nghĩa là chừng ấy hầm nuôi trai, chưa kể vào những lúc hầm cá ngập nước trai thoát ra ngoài phát triển rất nhanh khắp mương, hồ trên đất cù lao, tạo ra một nguồn thực phẩm tự nhiên được nhiều người ưa thích do dễ tìm, giá rẻ. Tuy nhiên từ vài năm nay, các chủ hầm nuôi cá giống đang phải tìm cách diệt bớt loài trai sinh sản quá nhanh và quá mạnh này vì cá giống, nhất là cá bột khi thả xuống hầm nếu gặp mật độ trai dày đặc thường có tỷ lệ hư hại cao do đàn trai mở miệng thở và "bóp nước" (tức là lọc nước lấy chất dinh dưỡng) gây chết hoặc thương tật cho cá bột giống.

Ông Châu Văn Hiệp - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa cũng như ông Nguyễn Văn Hoàn - một cao thủ trong nghề bắt trai ở rạch Lò Gốm trong khóm Bình Quan đều cho rằng trai ở Cù lao Phố mà làm món nhậu thì không kém so với bất cứ loài trai ở nơi nào!

Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng trên báo Đồng Nai ngày 31/03/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét