30 thg 5, 2016

Người xây chợ Bình Tây

Dù không được xếp vào nhóm Tứ Đại Phú do sinh sau đẻ muộn nhưng tên tuổi và gia sản của Quách Đàm cũng đáng để thiên hạ nể vì. Người Việt gọi ông là Vua lúa gạo, còn người Pháp đặt cho ông biệt danh là Vua buôn bán.

Trong khuôn viên của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ở khoảng sân giữa những tòa nhà kiểu Pháp từng một thời là tư gia của chú Hỏa (Hui Bon Hoa), một trong những người giàu có nổi tiếng ở Nam kỳ xưa kia, có một pho tượng đồng cao lớn. Đó là tượng một người đàn ông lớn tuổi đầu trọc, râu cá chép, mặc áo thụng phổ biến kiểu Mãn Thanh, ngực đeo đầy huân chương, hai tay cầm những cuộn giấy. Nhân vật này chính là Quách Đàm, hay còn gọi là chú Quách, một phú hộ người Hoa cũng nổi tiếng giàu có không kém chú Hỏa. Pho tượng đã từng một thời gây tranh cãi vì người đòi trả lại chỗ cũ của nó. Vì đâu nên nỗi tượng của chú Quách lại phải phiêu bạt trú ngụ nhờ nhà cũ của chú Hỏa?

Cự phú từ gánh ve chai

Người ta nói tên Quách Đàm là không đúng, tên gốc của ông là Quách Diệm, do phiên âm đọc sai. Xuất thân từ một vùng đất nghèo khó ở Quảng Đông, Quách Đàm phiêu bạt đến Sài Gòn kiếm sống. Cũng như chú Hỏa, Quách Đàm hằng ngày quảy gánh trên đôi vai đi khắp Sài Gòn thu mua ve chai. Quách Đàm chăm chỉ đi từ sáng sớm đến tối mịt, trưa ngủ vật vạ ở bến thuyền, tối nằm ngủ nhờ trước hiên nhà chứ không thuê nhà dù là căn nhà ổ chuột để tiết kiệm tiền. Khi có đủ vốn, Quách Đàm chuyển qua thu mua da trâu, vi cá ở các tỉnh lân cận để bán cho thương lái nước ngoài. Nghề này kiếm rất khá nên phất lên nhanh, trước khi thuê một căn nhà ở đường Hải Thượng Lãn Ông làm trụ sở kinh doanh, Quách Đàm đi gặp một ông thầy Tàu để xin chữ, đặt tên tiệm cho may mắn. Thầy hỏi làm nghề gì, rồi phóng tay họa bút nên mấy chữ:

Thông thương sơn hải
Hiệp quán càn khôn

Hai chữ sơn hải vừa ám chỉ nghề thu mua da trâu và vi cá, vừa là lời chúc mua may bán đắt, xuyên quốc gia, quán xuyến cả đất trời. Quách Đàm rất thích, cho sơn son mạ vàng tám chữ để treo trong nhà, đồng thời lấy hai chữ đầu Thông Hiệp để đặt tên cửa hiệu. Sau này thành tài, người ta không gọi tên thật của ông nữa, mà gọi là ông Thông Hiệp. Không rõ ngoài tài buôn bán, cái tên kia góp bao nhiêu phần may mắn mà kể từ đó vận của Quách Đàm lên nhanh chóng, tiền muôn bạc vạn. Quách Đàm mở tiếp một cửa hàng khác ở khu chợ Kim Biên ngày nay. Cửa hàng trước kênh rạch, thuyền bè tấp nập nên Quách Đàm nảy ra ý định thu mua lúa gạo ở miền Tây chở lên bằng tàu thuyền. Người ta nói hầu hết chành gạo dọc theo khu vực bến Chương Dương ngày nay đều nằm trong tay chú Quách hết. Sau đó Quách Đàm mở mạng lưới thu mua khắp Nam kỳ, mở thêm ba nhà máy xay lúa Thông Mậu, Thông Thạnh, Thông Nguyên (ở Mỹ Tho) rồi nhanh chóng trở thành “vua lúa gạo” Nam kỳ. Khi xuất gạo ra nước ngoài, Quách Đàm lập luôn hãng tàu biển Nguyên Lợi hoạt động vận tải các tuyến Sài Gòn - Singapore, Hong Kong, Quảng Châu, Sán Đầu -là những nơi có phân hãng để vừa khỏi phải tốn phí vận tải cho người khác lại bỏ túi thêm lợi nhuận hàng hải, đúng với câu “thông thương sơn hải” luôn.

Tiểu thương thắp hương trước pho tượng mới. Ảnh: PTG

Thuật dùng người và mưu kế kinh doanh

Để tạo nên khối tài sản khổng lồ đó trong một thời gian ngắn không phải chỉ nhờ chăm chỉ, mà cách dùng người và các chiêu trò kinh doanh mới khiến Quách Đàm phất lên nhanh chóng. Đây là hai câu chuyện nhỏ ví dụ mà nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã kể lại trong cuốn Sài Gòn năm xưa:

Lúc Quách Đàm còn nghèo khổ, gánh ve chai hay nằm ngủ trưa ở bến Chương Dương. Đàm thường hay bị một “đại ca” phu vác lúa tới trấn lột thẻ thuế thân và bắt chuộc tiền, do Đàm nghèo nên số tiền “đại ca” bắt chuộc không lớn, thường chỉ 5 xu, 1 hào, bằng bữa cơm hay bữa trà, Đàm vẫn ngoan ngoãn nộp đủ, không dám hó hé hay cãi lại. Sau này thành nghiệp lớn, Đàm không hề trả thù kẻ trấn lột cũ mà còn sai người gọi lại ân cần nhận vào làm việc, cho làm cạp rằng cai quản hết thảy đám phu khuân vác lúa ở khu vực bến Chương Dương. Cách hành xử y như Hàn Tín không hề trả hận kẻ bắt mình lòn trôn năm xưa không chỉ cho thấy Quách Đàm biết đại xá bỏ qua thù oán cũ mà còn biết dùng người đúng chỗ, đúng lúc, chẳng trách những kẻ có chút tài đều muốn xin về làm dưới trướng.


Chuyện thứ hai, sau khi hạ lệnh thu gom một số lượng lúa rất lớn ở miền Tây chất đầy trong các kho lẫm, chành gạo để chuẩn bị xuất qua Singapore thì Quách Đàm hay tin hàng bị dội, đối tác không thể thu mua và giá sẽ hạ rất thấp. Đàm vẫn hạ lệnh cho thủ hạ tăng cường mua lúa, thậm chí trả giá cao thêm để thu mua tiếp, đồng thời nhờ đối tác bên Singapore gửi điện qua hối thúc thu mua vì giá gạo sẽ tăng cao nữa và tìm cách để lộ thông tin này. Các đối thủ của ông Đàm lập tức ồ ạt tung tiền tranh mua lúa cho đến khi đầy kho mới tá hỏa biết rằng đã mua phải chính lúa do Đàm bí mật bán ra và gánh khoản lỗ khổng lồ thay cho ông Đàm, còn ông Đàm chỉ nằm nhà rung đùi hút thuốc phiện mà thoát lỗ còn kiếm lời nhờ bán lúa giá cao cho đối thủ. Chiêu “Khổng Minh mượn tiễn” này và nhiều chiêu trò khác của ông Đàm về sau các “vua lúa gạo” miền Nam như Mã Hỉ cũng nhiều lần học hỏi và áp dụng.

Mưu sâu kế cao cũng không thắng được thời thế

Năm 1925, chánh tham biện Chợ Lớn thấy khu vực này đất chật người đông nên muốn mở rộng thêm địa giới ra khu vực ngoại thành, bèn hỏi điền chủ một khu vực đất hàng chục mẫu giáp ranh thì nhận được cái giá khá chát. Quách Đàm biết tin, bèn đưa ra đề nghị hiến tặng ba mẫu đất, bỏ cả tiền ra xây một cái chợ thật lớn, đổi lại chỉ xin xây hai dãy nhà phố quanh chợ và được dựng tượng mình trong chợ. Thực ra yêu sách thứ hai mới là khó vì ít người thường được dựng tượng nhưng rốt cục cũng được chính quyền thực dân thông qua vì tượng chỉ đặt trong chợ.

Chợ được xây dựng mang tên là chợ Bình Tây, do đất cũ gọi là xóm Bình Tây (nhưng người ta quen gọi là Chợ Lớn Mới) lớn và cao hơn cả chợ Bến Thành. Giữa chợ có một công viên nhỏ, nơi đặt tượng Quách Đàm có hồ nước và bệ đá toàn bằng cẩm thạch trắng với bốn con rồng và hai con lân to bằng đồng phun nước bạc. Chợ mang phong cách kiến trúc Trung Hoa với mái ngói âm dương và rồng chầu nguyệt trên mái nhưng mang nhiều nét hoa văn cách tân hiện đại.

Bỏ ra nhiều tiền của như vậy không phải chỉ nhằm mỗi mục đích được dựng tượng, ý định Quách Đàm là dời được trung tâm buôn bán của Chợ Lớn về chợ Bình Tây để thu lợi lớn. Tiếc thay người tính không bằng trời tính, chợ Bình Tây to lớn nhưng lưa thưa người buôn bán bởi vì người Hoa đã có chỗ kinh doanh ổn định, họ ngại không muốn dời về chợ mới. Chỉ có người mới ra là về chợ thôi, thành thử đây được xem là một thất bại hiếm hoi của Quách Đàm. Có điều ông ta không phải chứng kiến vì Quách Đàm mất năm 1927, thọ 64 tuổi, trước khi chợ khởi công và hoàn thành (1930). Phải đến hơn chục năm sau chợ Bình Tây mới sầm uất nhưng lúc này cơ ngơi dòng họ Quách đã không còn.

Gia sản họ Quách tiêu tan vì long mạch?

Nhiều tiền quá nên Quách Đàm đứng ra bảo lãnh nợ cho các nhà buôn bị thua lỗ, đổi lại những nhà buôn này phải chịu một số tiền hoa hồng không nhỏ. Việc này có thể thu lợi rất lớn, thậm chí giúp ông ta thâu tóm được nhiều nhà máy mía đường túng quẫn về tay mình. Sau khi Quách Đàm mất, những người con vẫn tiếp tục công việc này, có điều họ không ngờ rằng dù đã học cha đánh giá kỹ lưỡng các nhà buôn để chỉ bảo lãnh những người có khả năng vực dậy cơ nghiệp nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1933 đã tác động không nhỏ đến Việt Nam, kéo hàng loạt nhà buôn xuống dốc, phá sản không thể cứu vãn được. Trong đó có không ít người được họ Quách bảo lãnh nợ. Chính vì vậy tài sản của dòng họ Quách đã bị tiêu tán nặng nề trong giai đoạn này.

Sau 1975, tượng Quách Đàm ở chợ Bình Tây bị tháo dỡ, sau nhiều năm nằm kho tại Phòng Văn hóa Thông tin quận 6, đến năm 2003 được dời về lại Bảo tàng Mỹ thuật. Biết tin này, các tiểu thương ở chợ mong muốn đưa pho tượng trở lại chỗ cũ nhưng bên bảo tàng không đồng ý, mà khuyên nên dựng tượng khác. Cuối cùng người ta quyên tiền dựng pho tượng mới hiện nay. Do không thể đặt lại chỗ cũ vì bệ đá đặt tượng đã biến thành… cột cờ, mặt khác tượng mới chỉ là chân dung, khá nhỏ, đặt lên cũng không cân xứng với bối cảnh nên được đặt ngay ở bệ tường cũ. Tiểu thương vẫn hằng ngày hương khói cho pho tượng vì không chỉ tri ơn ông Quách Đàm đã dựng nên ngôi chợ, mà họ còn xem ông như thần tài của giới buôn bán nơi này.

PHẠM TRƯỜNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét