16 thg 5, 2016

Bông điên điển vùng hồ Trị An

Mùa mưa này làm một vòng quanh hồ Trị An, nhiều người không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy những đám điên điển đang trổ bông vàng rực rỡ. Ân tượng nhất là những đám điên điển mọc ven bờ Bà Hào, Lạc An...

Bông điên điển

Ở xã Vĩnh Tân, đoạn ngã ba Trị An qua sông Mây cũng thấp thoáng một rừng hoa điên điển, khá thú vị là ngay ở cái hồ trong trang trại trồng trầm hương và cây kiểng của ông Trần Văn Quyến ở tận vùng Núi Tượng (huyện Tân Phú) mùa này cũng rực vàng bông điên điển.

Và, đáng bất ngờ hơn là sáng sáng hiện nay ở các chợ Mã Đà, Hiếu Liêm, Lý Lịch, Lạc An... xuất hiện những người phụ nữ đem bông điên điển ra bán. Mặt hàng nông sản mới này có giá rẻ cũng bất ngờ: 10.000 đồng một thúng bông điên điển to đùng, tính ra phải trên 3 kg. Với vị đăng đắng, loại rau mới này có thể chế biến ra nhiều món ăn như: nấu canh, xào, luộc, thậm chí là dùng như rau sống.

Lâu nay hình ảnh bông điên điển vàng rực xuất hiện vào mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long với những món ăn nổi tiếng kèm theo như: canh chua cá linh nấu với bông điên điển, lẩu mắm bông điên điển, điên điển xào tép... được khá nhiều người biết đến. Ở chợ quốc tế Bavet của Campuchia, bên cạnh những đống hàng công nghệ Trung Quốc, Thái... có mấy bà già ngồi chỏn lọn bên ảng bông điên điển muối dưa trông rất ngộ nghĩnh. Thế nhưng việc bông điên điển trở thành nông sản hàng hóa vào mùa mưa ở vùng hồ Trị An thuộc huyện nghèo Vĩnh Cửu thì còn rất ít người biết. Hỏi người dân sống lâu năm ở vùng này mới biết, việc đi hái và bán bông điên điển ra chợ mới xuất hiện khoảng chừng 3 mùa mưa gần đây thôi. Bà con còn cho biết thêm, bông điên điển của vùng hồ Trị An còn là "mối" cho một số các nhà hàng đặc sản ở Biên Hòa, như: quán Ngâu, quán Cây Dừa, các quán lẩu mắm miền Tây.

Giải thích sự có mặt của điên điển vốn là loài cây đặc sản vùng bãi bồi miền Tây trên miệt Trị An, có những lão nông cho rằng, do bà con ở đồng bằng sông Cửu Long lên hồ Trị An đánh cá đã mang điên điển theo gieo trồng. Loại cây này thích hợp với vùng đất ven bờ hồ nên vài năm gần đây phát triển rất nhanh. Ông Phan Văn Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Cửu cũng đồng tình với cách giải thích này nhưng ông cho rằng, trước đây trên vùng đất Trị An cũng đã có cây điên điển, mọc nhiều nhất là ở bàu ông Hoàng thuộc xã Tân An. Vào những năm khai hoang, mở rộng sản xuất, điên điển lớp bị chặt phá, lớp bị xịt thuốc bảo vệ thực vật nên lụi dần hết. Bông điên điển bây giờ ở vùng lòng hồ Trị An thuộc thế hệ mới vừa di thực về từ miền Tây.

Đã từng đọc những trang văn đến phát thèm của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Mai Văn Tạo kể đến món canh chua cá linh nấu bông điên điển, bông so đũa nấu canh chua tép bạc... thì với món bông điên điển vùng hồ Trị An nấu canh chua với tôm rạch Đông (loại tôm lóng nhỏ) bảo đảm có đủ hương vị độc đáo của món ngon này.

Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng báo Đồng Nai ngày 28/10/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét