17 thg 5, 2016

Củ "chụp" rừng miền Đông

Là dân Phú An (tỉnh Bình Dương), tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi, nhưng đến nay ông Lê Thiện, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai vẫn nhớ như in về những ngày ở chiến khu Đ bị địch phong tỏa gắt gao, cạn kiệt lương thực, toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Đài phát thanh giải phóng phải đi đào củ chụp đem về ăn chống đói. Ông nhớ rõ lần đầu tiên đi đào củ chụp: "Trưởng đoàn là anh Bảy Kỉnh (Lê Đức Tài - Phó giám đốc đài), phó đoàn là anh Hai Lý (nhà văn Lý Văn Sâm). Đi hai ngày, phần lớn là leo đèo... Đến nơi, được hướng dẫn phương pháp, anh em chia ra từng cặp đi đào. Té ra là loại củ mài lâu năm ăn sâu xuống lòng đất cả thước. Phải lấy tre đẽo thành hình như cái nơm, rồi "chụp" đất kéo lên dọc theo thân củ, nên gọi là củ "chụp"...". 

Già làng Năm Nổi đang hướng dẫn nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt xem củ chụp tại đồi củ chụp thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. 

Địa điểm mà Đài phát thanh giải phóng đi đào củ chụp vào năm 1961 là xã Lý Lịch bây giờ và người hướng dẫn đi tìm củ chụp cũng như cách thức đào loại củ ăn thay cơm này là nhà văn Lý Văn Sâm. Thân phụ của ông Hai Lý làm kiểm lâm ở vùng Lý Lịch - Bù Cháp nên ông biết là loại dây củ chụp vào mùa mưa lớn bằng cọng đũa leo quấn vào các cây chung quanh và bò đi xa đến khoảng 5-10 mét. Thế nhưng sang mùa nắng, dây khô rụng thành từng đốt, từng cọng dưới đất, phải là "dân nhà nghề" mới phát hiện ra được. Và phăng từ từ cho tới gốc. Nơi có củ "chụp" thường là một lỗ trũng, đất hơi lún xuống bằng cái rổ. Chỉ có dân đi rừng và đặc biệt là heo rừng rất thính nhạy trong việc phát hiện ra nơi có củ chụp. Do đó, những củ chụp to thường bị heo rừng ủi ăn mất khúc đầu. Vì vậy, khúc củ còn lại nằm sâu dưới đất, người đi đào phải dùng cây tre hoặc lồ ô dài độ 2 mét rồi chẻ một đầu thành 5- 6 rê vót nhọn như bàn tay chĩa xuống. Khi đào phải dùng hai tay nắm cán dài đứng xổng lưng chụp xuống như đóng cọc. Răng cây "chụp" dính đầy đất kéo lên đưa sang một bên đập rớt đất ra, cứ như thế chụp sâu xuống một thước là có thể bốc nguyên củ lên.

Thực ra, từ lâu lắm rồi, các loại cũ rừng đã là thức ăn quen thuộc và gần như là chủ yếu của đồng bào STiêng, Chơ Ro sống ở vùng Lý Lịch, Bù Cháp. Nhờ vậy, vào đầu năm 1959, khi Đảng ủy và Ban quân sự miền Đông cùng Đại đội C59 làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ bị Sư đoàn 5 bộ binh ngụy mở nhiều đợt càn quét, phải rút vào rừng sâu, được đồng bào dân tộc chỉ cách đào chủ chụp ở đồi Bằng Lăng để ăn thay gạo. Qua đó, cơ quan Đảng ủy miền Đông đã lập ra hẳn một bộ phận chuyên lo việc quy hoạch vùng có củ chụp để đào và chế biến làm lương thực dự trữ, giúp cho lực lượng sống và "xốc" lại đội hình suốt nhiều tháng liền ở Sà Mách, Mã Đà, Bàu Phụng... Từ kinh nghiệm này, sau đó nhiều đơn vị bộ đội trong rừng Chiến khu Đ còn đào cả củ mài, củ nầng đem xắt lát đưa ngâm dưới suối để tẩy chất độc rồi phơi khô nấu ăn thay gạo ở những nơi mà củ chụp bị khai thác cạn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ một quán ăn sáng rất đông khách ở hẻm 98 thuộc khu phố 1, phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa (trước đây là cán bộ của Đoàn văn công Bà Rịa) cho biết: "Nhiều người cho rằng củ mài để lâu năm thành củ chụp. Thực ra củ mài thường chia ra nhiều nhánh tròn, ruột trắng, trước khi ăn phải ngâm nước nếu không người ăn sẽ bị say. Còn củ chụp thì dài có màu xam xám, vừa đào lên là nướng, luộc gì cũng ăn được cả, không sợ say như củ mài". Bà Tuyết còn cho biết là vào năm 1977-1978, tình hình lương thực lúc đó rất khó khăn, cả xã Bàu Lâm (nay thuộc huyện Xuân Mộc - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phải kéo nhau đi đào cũ chụp để ăn. Nhờ đó, xã vùng sâu Bàu Lâm đã vượt qua cái đói. "Thời còn đi diễn trong đoàn văn công, thỉnh thoảng tụi này cũng ăn củ chụp thay cơm. Xem ra thời nào củ chụp cũng quý". Thảo nào từ những năm 1952, trong một bài thờ có tựa đề là Giữ bí mật, thi tướng rừng xanh Huỳnh Văn Nghệ đã từng nhắc đến củ chụp, củ nầng

"Mầy ăn gì để sống?
Củ chụp hay củ nầng
Ăn cái gì là chính
Sống được mãi trong rừng..."

Hay trong bài Chiến khu Đ chống bão, Huỳnh Văn Nghệ đã mô tả một tình cảnh rất đỗi tang thương: "Con ngậm củ mài, cha nhơi củ chuối/ Ướt mắt, chồng nhìn vợ nuốt vỏ khoai".

Bùi Thuận 
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng báo Đồng Nai ngày 16/10/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét