12 thg 5, 2016

Bản nhạc mưa...

Thành phố ướt mưa. Cơn mưa rào đầu hạ, nên mọi thứ có vẻ mới mẻ, lạ lẫm. Tháng Năm đến rất nhanh, ồn ào bồng bột nhưng cũng dịu mềm biết mấy. Trong nắng đã cảm thấy hơi oi nồng, khiến người ta nghĩ tới những đợt gió Lào…

Mưa rào đầu hạ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Duy Hưng 

Nhưng trong những ngày đầu tháng Năm, thời tiết vẫn còn dịu dàng lắm. Và khi cơn mưa rào đầu tiên trút xuống thành phố, người ta thấy thích thú như thể một điều gì mới mẻ đang đến, như được tưới tắm trong làn không khí thanh khiết. Trong vườn hoa tam giác, đoạn đường Quang Trung, Lê Lợi, Lê Hồng Phong, mưa dạt theo chiều gió, khiến những bụi cây nghiêng ngả, cỏ thì long lanh hẳn bởi nước mưa đọng trên cái màu xanh biếc.

Vào những ngày mưa như thế này, tôi thích đi lang thang dọc phố Vinh. Khoác trên người tấm áo mưa, rồi cứ thế cho xe chạy trong tiếng ào ào của nước xối xuống. Rồi tôi sẽ ghé vào một quán cóc bên đường, ngồi vào chiếc ghế gỗ cũ kỹ đang bị ngấm nước dưới mái che sơ sài của tấm bạt trĩu xuống bởi mưa. Có lẽ ở quê tôi, khi trời mưa, cuộc sống bình thản hơn thế này.

Giữa thành Vinh bé nhỏ tấp nập, mưa khiến phố lặng lẽ hơn. Bản nhạc của mưa giữa phố Vinh mang giai điệu của những ồn ào vừa chùng xuống đôi chút, đủ để tĩnh tâm, đủ để ngừng lại như một sự nghỉ ngơi.

Đôi khi trong cuộc đời, chúng ta phải dừng lại một chút để nghỉ ngơi. Cái khoảng lặng ấy có thể lại chính là lúc ta biết mình là ai, đang bước về phía nào. Trong âm nhạc, các dấu lặng cũng có giá trị ngang bằng với các nốt nhạc khác. Chúng là âm thanh của sự im lặng, là tận cùng của mọi vang âm.

Nhiều lần như vậy, giữa mưa phố Vinh, tôi đã dừng lại để nhìn vào chính mình, nghe những âm vang trong mình. Có những nốt nhạc đã từng rộn rã, có những giai điệu đã từng uể oải, thậm chí than vãn, oán hờn… Nhưng hơn bao giờ hết, lúc này, tôi biết mình đang dừng lại ở nốt lặng bình thản, khi mọi ồn ã, nông nổi qua đi, tự mình rồi cũng nhận ra cần phải trân trọng tất cả.

Nhớ những ngày đầu về với thành phố, đón tôi là mưa. Mưa làm mờ nhòe những con phố. Chỉ có những bóng đèn đường, dưới mưa vẫn cần mẫn tỏa sáng. Tôi có duyên nợ với con phố Quang Trung, không chỉ bởi cơ quan của tôi ngày đó nằm ngay trên đường này, mà còn bởi cuộc sống của tôi đã gắn liền với nơi đó. Với những khu chung cư cũ, mưa dột thấm vào vách tường tróc lở.

Với cây gạo xòe hoa tháng ba như không thể đừng mà cần phải thốt ra cái sự đơn độc chói chang của mình. Với những quán chiếu vỉa hè mực khô, khoai nướng cùng những người phụ nữ lúc nào cũng giật mình mời chào tôi rồi lại cười nói rổn rảng: “Chà, người quen”… Có lần, trên căn phòng làm việc tầng 2 của cơ quan cũ, tôi đã đứng ngắm mưa xối xả trên những tán bàng mùa hạ. Những câu thơ viết vội, mà không biết có thành thơ không nữa, khi bất chợt vang lên cuống quýt trong đầu tôi theo nhịp rơi của mưa: “… Mưa ầm ào/ Mưa khát/ Mưa vồ vập/ Mưa reo/ Mặt đất bốc hơi ngùn ngụt trong chiều/ Trong cuống quýt khúc cuồng hoan vội vã/ Tôi nghe thấy lời này cất lên từ lá/ Có ai đâu trốn chạy được chính mình?”

Nói về mưa đêm. Những kẻ tha hương như tôi, cứ đêm về luôn có một nỗi hoài nhớ. Đường Quang Trung, cũng là đường Quốc lộ 1 đã từng nhiều lắm những chuyến xe khách đường dài ngày chưa có đường tránh Vinh. Tiếng xe đường dài xé mưa đi trong đêm buồn khôn xiết kể. Dưới mỗi vết xe lăn, bao nỗi niềm lữ khách đang mơ giấc mơ đoàn viên? Và có tiếng rao nào, đã lẫn đi trong mưa. Tiếng rao cũng chừng ướt sũng: “Ai bánh bao nóng đơi…”. 

Mưa đêm phố Vinh. Ảnh: Duy Hưng 

Giấc mơ đôi khi trở nên thật hơn cả thực tại. Tiếng nói của nó đôi khi còn mạnh mẽ hơn bất cứ thứ gì tồn tại trên đời. Nó có thể khiến người ta nhận chân ra niềm hạnh phúc ngọt ngào hay cả đau khổ cùng tận trong phần sâu thẳm nhất của tiềm thức. Để rồi lúc tỉnh dậy, họ biết rằng cần phải bao dung và yêu thương mọi người hơn nữa, cần phải dựa vào nhau để bớt đi những gánh nặng lo toan, sầu muộn. Và mỗi cơn mưa cũng giống như một giấc mơ.

Nó xóa sạch hoặc làm nhòe mờ đi tất cả, dẫu chỉ trong thoáng chốc thôi, nhưng đó là lúc để chúng ta dừng lại bên một góc phố. Có thể ghé vào một quán cóc nào đó, nhìn ra bên ngoài và tôi tin đó cũng là cách nhìn lại chính mình. Để thấy tiếng gọi nào, âm vang nào đang hiện hữu hay thôi thúc. Cũng có khi chỉ để nghe tiếng mưa rơi…

T.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét