8 thg 5, 2016

Cá sấu Rừng Sác

Theo một tài liệu khoa học được trích dẫn và sử dụng trong quyển “Chiến khu rừng Sát” của Lương Văn Nho, do NXB Đồng Nai ấn hành năm 1983 thì hai thế mạnh của rừng Sác là đước và cá tôm. Và trong hàng trăm giống cá tôm ở rừng Sác thống kê được, có 15 loài đông đúc nhất. Khá bất ngờ là trong số đó có... cá sấu. Phần đất và người trong “Long Thành - những chặng đường lịch sử” còn cho rằng: Với diện tích 150 km², rừng Sác Long Thành (bao gồm cả Nhơn Trạch hiện nay) có nhiều thú vật, tôm cá, đặc biệt là loài cá sấu. Ở các ngọn sông Ông Kèo, sông Thị Vải, sông Đồng Môn, Đồng Tranh, rạch Vũng Gấm, rạch Chà Là, rạch Vọp, rạch Muỗi đều có cá sấu. 

Cá sấu rừng Sác


Cá sấu được xem là “chúa nước” ở vùng ngập mặn rừng Sác và sống thành từng bầy ở sông Vàm Sát, sông Bà Nghĩa, Rạch Lá, sông Ông Kèo, nhưng nổi tiếng là “dữ như cá sấu Vũng Gấm (nay là một ấp của xã Phước An, huyện Nhơn Trạch). Vào thời đánh Pháp, ở vùng Long Thành - Nhơn Trạch lưu truyền nhau câu ca dao về rừng Sác:

Rừng sâu nước mặn phèn chua
Trăm ngàn cá sấu thi đua vẫy vùng. 

Không như những thợ săn cá sấu bình thường khác là dùng đèn và chĩa để bắt cá sấu nhỏ loại từ 5 đến 10 ký, hoặc dùng mồi là chó, vịt để câu loại cá sấu vài ba chục ký, dân câu cá sấu (gọi là traomun) là một nhóm vài ba người (được gọi là “gánh”) trang bị đầy đủ đồ nghề và chỉ bắt cá sấu loại lớn cỡ vài ba trăm ký để lấy da, còn phần thịt thì cho bộ đội, đồng bào trong vùng. Việc đầu tiên là họ thả con vịt có gắn hai thanh sắt nhọn hàn chéo thành hình chữ thập để ... nhử mồi. Một traomun chính đã vẽ lên người những đường rằn ri, trước ngực và sau lưng là bó phao tre, tay cầm cây lao bằng mun đầu bịt sắt, có buộc một sợi dây cước dài hàng trăm mét. Traomun lớn tuổi nhất có nhiệm vụ quan sát con mồi. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề săn cá sấu, ông thấy khi nào có những vết gai sần sùi cứ lởn vỡn chung quanh con mồi mà không nhào đến táp đại thì đích thực là sấu lớn, liền ra hiệu cho “người mồi” nhảy xuống. “Người mồi” đập nước đùng đùng để thu hút con cá sấu lớn đến gần. Đợi lúc con cá sấu nhào tới táp, “người mồi” lừa thế đâm lao vào mang cá sấu và thả dây, bơi vào bờ. Bị trúng thương, con cá sấu vùng vẫy và tìm cách về hang. Hai chiếc xuồng của gánh đã chuẩn bị sẵn lao ra, lườn cặp hai bên con cá sấu, kè về bến.

Thịt cá sấu có vị ngọt, dai, nấu cháo, xào, kho đều ngon, nên rất được người dân sống trong rừng Sác và vùng phụ cận ưa chuộng. Những đám giỗ, đám tiệc làm với 2 - 3 con cá sấu loại vừa vừa là chuyện thường. Nấu ở đám tiệc đông người, còn có thêm món cà ri cá sấu ăn với bánh mì hoặc bún rất hấp dẫn.

Vào thời đánh Mỹ, cá sấu ở rừng Sác trở thành một loại đối tượng phải tiêu diệt. Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ đặc công thủy luôn phải lặn hụp ngày đêm trong sông nước. Muốn đánh được một trận tại bến cảng thì chân phải không đạp đất, bơi lội hàng mấy chục cây số, phải chịu đựng ác liệt với tất cả các loại máy bay, tàu chiến... Chưa đủ, đơn vị còn phải lo đối phó với một loài cá dữ không kém phần gay go nguy hiểm là cá sấu rừng Sác”. Và thực tế là đã có 2 chiến sĩ đặc công tinh nhuệ bị cá sấu nuốt sống, nhiều người khác bị cá sấu đớp, nhờ có kinh nghiệm đối phó, thoát chết nhưng bị thương tật nặng nề. Sau khi Ban chỉ huy Đoàn 10 phát động đợt thi đua đánh trả cá sấu, nhiều chiến sĩ đặc ông ở rừng Sác đã lập công. Trong đó có việc hạ thủ con cá sấu dài đến 6 mét rất tinh khôn ở tắc Bào Khai, đoạn dọc theo sông Ông Kèo. Con cá sấu do một mình trung đội phó Hùng dứt điểm nhưng cả đại đội phải nhận xuồng be nhứt chìm xuống sông để xác cá sấu nằm lọt vào mới tát cạn nước chở được về căn cứ . Con cá sấu có cái đầu phải hai người khiêng mới nổi này làm thịt ra đem phân phối cho cả trung đoàn. Đại tá Bảy Ước nhớ lại: “Thịt cá sấu già ăn dai và ngọt, giống như thịt heo rừng!”. Nhiều chiến sĩ đặc công rừng Sác còn nhớ là có lúc cá sấu ở rừng Sác nhiều quá, nhất là vào mùa sấu sinh nở, từng tổ đặc công phải phân nhau đi lục tìm những bày sấu con vừa nở trứng trong các hố bom đìa B52. Tuy mới lớn khoảng cườm tay, đám cá sấu con đã táp hỗn. Các chiến sĩ đặc công phải cởi quần dài quấn vào cánh tay quơ xuống hố hom. Sấu con hăng máu lao vào cắn. Răng sữa sấu còn dính vào vải và từng con bị lôi lên, bắt đem về kho nghệ. Thịt sấu con còn nhảo, ăn không ngon. Nhưng trứng cá sấu thì ... hết xẩy. Mỗi ổ cá sấu thường có trên 30 trứng. Trứng cá sấu giống như quả bóng bàn. Khi nấu chín, lòng trắng vẫn bầy nhầy chứ không đặc, ăn rất béo.

Bùi Thuận 
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng trên báo Đồng Nai ngày 20/04/2007
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét