18 thg 5, 2016

Nét đẹp chùa Ông, Vĩnh Long

Anh Lê Thanh, người dân đoàn chúng tôi tham quan Vĩnh Long giải thích “…Đến Vĩnh Long, nhiều du khách rất thích đến chùa “Ông” bởi nơi đây có lối kiến trúc nghệ thuật đẹp, độc đáo, lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, cổ xưa…”. 


Anh Thanh kể, người dân địa phương nơi đây quen gọi là chùa “Ông” chớ thật ra tên gọi đúng phải là Thất Phủ Miếu bởi đang có 7 phủ của người hoa đang hiện diện tại đây gồm: Ninh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Truyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) của các tỉnh Trực Lệ, Phước Kiến và Quảng Đông.

Theo Đại Nam nhất thống chí, do địa hình thuận lợi đường thủy lẫn đường bộ nên xưa kia việc mua bán tại đây rất nhộn nhịp và sầm uất nên người Hoa chọn để xây dựng Thất Phủ Miếu (chùa Ông hiện nay) làm nơi giao tiếp đồng hương.

Đến thời Pháp thuộc, số người Hoa đến Vĩnh Long làm ăn ngày một đông, những người Quảng Đông, Triều Châu tách ra lập bang hội riêng nên những người Phúc Kiến còn lại vào năm 1872 đã tái thiết miếu Thất Phủ cũ lấy tên mới là “Vĩnh An cung” để làm Hội quán của bang mình.

Như vậy chùa Ông hiện nay tọa lạc tại phường 5, TP Vĩnh Long chỉ thuộc bang của người dân Phúc Kiến. Đây là công trình kiến trúc của nhóm thợ tài hoa gồm mười người từ Phúc Kiến sang thi công từ năm 1892 đến 1909, đứng đầu là công trình sư Hà Tạo. 


Miếu Thất Phủ làm theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Phía sau là chính điện, phía trước là tiền đường, hai bên là Đông Sương và Tây Sương. Diện tích xây dựng khoảng 800 mét vuông, xung quanh được bao kín bởi những vách gạch kiên cố. Tuy các khu vực chính nằm xa nhau nhưng có thể thông hành qua lại nhờ các nhà nối, gọi là “hà cầu” là những cây cầu bắc qua ao sen. 

Mái Thất Phủ miếu lợp ngói âm dương, được phong tô kỹ lưỡng. Chân mái ngói được viền một loại ngói đặc biệt có tráng men màu xanh. Miếu Thất Phủ xây dựng theo kiểu cung đình, có năm cửa cái. Hai ô cửa tượng trưng mặt trời, mặt trăng; trong miếu có nhiều hình ảnh cố sử. Tất cả các bộ phận trong chịu lực trong ngôi miếu như: vì, xuyên, trính, các con kê hoặc con đội đều chạm hình voi, sư, lân, chậu hoa, chùm trái… Các bộ phận này chạm trổ tinh vi, vừa mang tính hiện thực, vừa cách điệu, lại được sơn ngũ sắc hoặc thiếp vàng...

Trong miếu có ba bàn thờ chính, bàn thờ giữa là khánh thờ Quan Thánh Đế Quân, Quan Bình Thái Tử, Châu Xương Tướng quân. Khánh thờ bên tả thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Khánh thờ bên hữu thờ Phước Đức Chánh Thần. Trong vách không có tượng ngựa xích thố và Mã đầu Tướng quân của Quan Công. Ngoài ra còn có bàn thờ Phật Quan Âm, Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Di Lặc, Hộ pháp Long Thần… nhưng mang tính chất tín ngưỡng dân gian. Các tượng thờ kể trên đa số bằng gỗ, có một số bằng đồng, gốm sứ. 

Đáng chú ý là trong các hiện vật còn lưu giữ có một bức hoành khắc bốn chữ “Quan Thánh Phu Tử” được đem đi triển lãm ở hội chợ các nước thuộc địa tại Marseille (Pháp) năm 1922 đạt được Huy chương đồng. 

Hàng năm, tại miếu Thất Phủ có các ngày vía như ngày vía bà, vía Phước Đức Chánh Thần, tam Nguyên, Tứ Quý; đặc biệt nhất là ngày vía Ông (13 tháng Giêng và 13 tháng 5), ngày Tất niên (15 tháng 12), có hàng ngàn người đến chiêm bái, chẳng những đã thu hút bà con người Hoa, mà còn người dân tộc Kinh, Khơ me đến cúng bái.

Thất Phủ miếu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia ngày 25/01/1994.

Trần Trấn Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét