25 thg 7, 2018

Văn hóa người Mạ ở Đồng Nai

Dân tộc Mạ được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Chau Mạ (Chau: người; Mạ: tên tộc người), Chê Mạ, Mạ Ngan… Người Mạ được coi là dân bản địa, sống chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai… 

Tại Đồng Nai, người Mạ tập trung ở một số ấp, xã như Hiếu Nghĩa huyện Định Quán, xã Tà Lài, Phú Bình, Phú Sơn huyện Tân Phú… Với những nét đặc trưng rất riêng, văn hóa người Mạ thể hiện trong các phong tục, cách ăn,mặc, ở…và suy nghĩ lối sống đã góp phần làm đa dạng văn hóa các dân tộc trên mảnh đất Việt Nam nói chung, và Đồng Nai nói riêng.

Người Mạ sống thành từng bon (làng), mỗi bon có từ 5 đến 10 nhà sàn dài (nhà dài là nơi ở của các thế hệ có chung huyết thống). Đứng đầu bon là quăng bon (ông già trưởng làng). Từ xa xưa, họ đã làm nương rẫy trồng lúa và các loại cây khác. Người Mạ coi cây lúa là nguồn lương thực chính nuôi sống gia đình, ngoài ra còn cây lương thực phụ trợ như sắn, ngô. Công cụ sản xuất thô sơ, có các loại dao xà gạc, cuốc xà bách, rìu, gậy chọc lỗ tra hạt. 



Ở vùng lưu vực sông Đồng Nai, xưa kia người Mạ làm ruộng nước bằng kỹ thuật lùa cả đàn trâu xuống ruộng để trâu giẫm đất đến khi sục bùn thì gieo lúa giống (xạ lúa). Thế là cứ đến mùa gieo hạt, dân làng lại lên đồi lùa trâu về, sau chăn đến đám ruộng cần gieo cho trâu dẫm, đạp làm đất sục bùn lên. Khi thấy ruộng đã nhũn, lúc này người dân mới đem hạt thóc ra rải và kể từ đó chờ đến ngày thu hoạch. Ngoài ra, người Mạ nuôi trâu, bò… theo cách thả rông, lùa vào rừng sống thành đàn, chỉ khi cần giết thịt hoặc giẫm ruộng mới tìm bắt về. 

Người Mạ tin có rất nhiều thần: Yang (trời) là thần tối cao, ngoài ra có thần sông, thần núi, thần lửa… Cũng như các dân tộc khác thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer, người Mạ thường tổ chức lễ đâm trâu vào dịp tết cổ truyền (sau tết Nguyên đán khoảng 1 tháng và mùa lễ hội đâm trâu kéo dài tới 1-2 tháng).

Phụ nữ Mạ nổi tiếng về nghề dệt vải truyền thống với những hoa văn tinh vi hình hoa lá, chim thú với nhiều màu sắc. Nghề rèn sắt cũng từng nổi tiếng ở nhiều bon làng. Họ tự luyện quặng lấy sắt để rèn các công cụ sản xuất và vũ khí như dao xà gạc lưỡi cong, lao… Ở những vùng ven sông Đồng Nai, người Mạ làm thuyền độc mộc để đi lại, vận chuyển và đánh cá trên sông. Phụ nữ Mạ thường mặc váy quấn, dài quá bắp chân, nam giới thì đóng khố. Mùa làm nông, nhiều người ở trần, mùa rét choàng tấm mền. 


Phong tục làm đẹp của người Mạ xưa là “cà răng, căng tai”, đeo nhiều vòng trang sức. Cà răng thì đàn ông làm, căng tai thì dành đàn bà, phụ nữ. Tục cà răng xuất phát từ ý nghĩa để hàm răng vĩnh viễn không bao giờ phải thay. Vì người Mạ quan niệm cái gì thuộc về thân thể thì không được vứt đi, cũng có quan niệm cho rằng, họ sống trong rừng nên để không “nhầm” với hàm răng sắc nhọn của con thú thì phải cà cho bằng hoặc cụt bớt đi. Thế nhưng đến nay thì tục lệ đó đã không còn nữa, do điều kiện sống và quan niệm đã thay đổi. Còn tục căng tai thì chỉ còn dấu tích trên những đôi tai dài thỏng của người già. Căng tai là cách làm đẹp của con gái và phụ nữ người Mạ, người ta quan niệm dái tai càng dài, đeo được nhiều vật nặng có nghĩa là đẹp, người giàu có thường đeo ngà voi cưa ra thành đoạn, còn phần lớn người bình thường thì đeo những loại trang sức khác. 


Hôn nhân của người Mạ ở Đồng Nai theo chế độ phụ hệ, một vợ một chồng và tuyệt nhiên không có quan niệm trọng nam khinh nữ. Đặc biệt, khi con cái trong nhà đến tuổi trưởng thành, khoảng 15 - 17 tuổi được thoải mái tự do tìm hiểu. Nhà trai chủ động trong hôn nhân, nhưng sau lễ cưới chú rễ phải sang ở nhà vợ, đến khi nộp đủ đồ sính lễ cho nhà gái mới được đưa vợ về ở hẳn nhà mình.

Có một tục lệ mà đến nay người Mạ vẫn còn giữ nguyên đó là tục “chia của” cho người đã mất. Chia của ở đây có nghĩa là sự san sẻ những tài sản của người đang sống với người đã mất. Người Mạ quan niệm có cả cõi dương và cõi âm, trần thế sao thì âm phủ vậy, đều có buồn, vui, đau thương, giận hờn... Vì thế, họ cho rằng khi người ta đi xuống cõi âm cũng cần mang theo của. Nếu trong nhà có đám tang, công việc đầu tiên của người nhà là mua cho người đã mất những bộ trang phục rất đẹp mặc vào. Rồi phân chia đồ đạc cho người đã mất như thuở còn sống. Trang sức, vật dụng thường ngày thì bỏ vào quan tài, nếu là con vật lúc sinh thời gắn liền với người chết thì đem giết thịt ngay trong những ngày tang lễ để cả dân làng ăn, lúc nào hết mới thôi. Sau khi chôn cất và chia của xong, người Mạ sẽ bỏ luôn ngôi mộ đó không quay lại nữa. Nhưng về sau này, khi người Mạ định cư gần người Kinh thì tập tục một số phần bị phai nhạt, vì họ nhận thấy việc thờ cúng, chăm sóc mồ mả tổ tiên cũng là nét đẹp truyền thống nên phát huy. Đến nay thì người Mạ đã có nghĩa địa dành riêng cho làng dành cho việc chôn cất người đã khuất.

Kho tàng văn học dân gian Mạ rất phong phú, gồm nhiều truyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại độc đáo... Nhạc cụ có bộ chiêng, đồng, trống, khèn bầu, khèn sừng trâu, đàn lồ ô, sáo trúc 3 lỗ gắn vào trái bầu khô. Một trong những loại hình tiêu biểu cho vốn văn hóa dân gian của cư dân Mạ ở Đồng Nai là thể loại văn thơ truyền miệng: hát Tăm pớt. Một loại hình hát kể đối đáp tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể như khi kết bạn, giao duyên, uống rượu cần, lúc lên nương rẫy hay tại nhà đón khách, hoặc được dùng để thể hiện tâm tư tình cảm.

Ngày nay, đời sống phát triển hơn, với nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, một số phong tục tập quán, văn hóa của người Mạ đã có những phần bị mai một. Nhưng vẫn còn đó những bon, làng người Mạ, sống giữa núi rừng. Do vậy, hiện tại các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mạ nhằm giữ gìn nét đẹp, nét hay của dân tộc bản địa tại Đồng Nai.

Mai Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét