10 thg 7, 2018

Sơn Trà mùa voọc xuống núi

Hằng năm, khi những cánh rừng ven biển trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) vào mùa thay lá và những đám cây thàn mát nở hoa tím bạt ngàn thì cũng là lúc đàn voọc chà vá chân nâu, loài động vật hoang dã quý hiếm được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng, lại rủ nhau kéo về ăn lá non đẹp lạ kỳ trong nắng, khiến cho bao du khách và cánh săn ảnh xứ Đà thành phải ngẩn ngơ, mê mệt vì vẻ đẹp của loài linh trưởng hiếm có này.

Xứ Đà thành với vẻ đẹp biển rộng, sông dài, núi trong lòng thành phố… đã đi vào âm hưởng thơ ca và nhạc hoạ, nhưng có một thứ làm cho cho Đà Nẵng trở nên khác biệt và ấn tượng hơn hẳn, đó là Sơn Trà, nơi được mệnh danh là xứ sở của voọc chà vá chân nâu, “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. 

Ở Việt Nam, chà vá chân nâu chủ yếu sinh sống ở khu vực phía Bắc Trường Sơn (gồm từ Nghệ An đến Kontum). Đặc biệt, theo đánh giá của giới khoa học, tại bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng hiện có một quần thể khá lớn voọc chà vá chân nâu sinh sống với số lượng khoảng 300 đến 400 con. Một số nguồn khác còn cho rằng số lượng có thể lên đến hơn 1.300 con, tuy nhiên số liệu này chưa được kiểm chứng.
Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 10 cây số về phía Đông Bắc. Bán đảo đẹp như tranh vẽ trên nền vịnh biển Đà Nẵng xanh như ngọc này không chỉ có vị trí chiến lược về mặt an ninh quốc phòng, mà còn là một kho báu hiếm có về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị sinh học độc đáo của cả vùng bán đảo Đông Dương.

Với diện tích hơn 4.400ha, rừng Sơn Trà mang đặc trưng hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển duy nhất ở Việt Nam. Đây là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm, đặc biệt voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng đặc hữu của Đông Dương. Có lẽ vì thế mà giới nghiên cứu trong và ngoài nước đã không quá lời khi cho rằng Sơn Trà chính là báu vật của Đà Nẵng.

Rừng Sơn Trà có địa hình dốc xuôi ra biển với hệ thực vật phong phú cùng với khí hậu trong lành tạo thành nơi sinh sống lý tưởng cho loài voọc chà vá chân nâu. Ảnh: Thanh Hoà

Từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa cây rừng Sơn Trà thay lá, đây cũng là mùa cung cấp lượng thức ăn dồi dào cho loài voọc chà vá chân nâu. Ảnh: Thanh Hoà

Từ tháng 4 đến tháng 6, hoa thàn mát tím nở rộ rừng Sơn Trà, đây cũng là loại thức ăn đầy ưa thích
của loài voọc chà vá chân nâu. Ảnh: Thanh Hoà

Một khung cảnh nên thơ hiếm có trong mùa voọc chà vá chân nâu kiếm ăn trong rừng hoa thàn mát tím. Ảnh: Thanh Hoà

Rừng Sơn Trà là nơi yêu thích của giới săn ảnh voọc chà vá chân nâu ở Đà thành. Ảnh: Thanh Hoà 

Hằng năm, từ tháng 4 đến tháng 6, rừng Sơn Trà vào mùa thay lá đẹp lãng mạn như những cánh rừng mùa thu phương Tây. Đặc biệt, những cánh rừng hoa thàn mát nở rộ những chùm hoa tươi rói rủ xuống tím miên man như những chuỗi hoa lan rừng làm cho Sơn Trà vốn đã đẹp lại càng thêm quyến rũ.

Vào mùa này, voọc chà vá chân nâu thường xuất hiện nhiều ở các triền núi thấp ven biển. Chúng đi theo bầy, mỗi bầy chừng 5 đến 7 con, chuyền từ ngọn cây này sang ngọn cây khác kiếm ăn trên các tán lá non. Thỉnh thoảng, nếu may mắn người ta còn bắt gặp cả bầy voọc nhàn tản rủ nhau kiếm ăn trên những đám cây thàn mát nở hoa tím ngát đẹp đến nao lòng.

Trong ánh nắng chiếu xuyên qua tán rừng, voọc chà vá chân nâu hiện lên đẹp một cách kỳ lạ. Những con voọc với bộ lông ngũ sắc rực rỡ trong ánh nắng hè khiến cho chúng trở nên thật đặc biệt mà không một loài linh trưởng nào có thể có được.

Voọc chà vá chân nâu là loại động vật đầy sức biểu cảm với khuôn mặt ánh vàng màu hạt dẻ, chiếc mũi hếch ngắn cũn đáng yêu, cặp mắt xếch trong veo như biết nói, cùng với chòm râu quai nón trắng lung linh như cước… nên nhiều người thường nói đùa rằng trông chúng như những nhà hiền triết đăm chiêu nhiều suy nghĩ.

Khác với loài khỉ vàng khôn ranh, láu lỉnh, luôn nhảy nhót la hét làm huyên náo cả khu rừng, voọc chà vá chân nâu hiền lành và có phần lười biếng. Thường thì sau khi ăn no, chúng chọn những cành cây cao, thoáng mát và yên tĩnh để nghỉ ngơi và sưởi nắng. Những lúc này chúng thường có những động tác, tư thế nằm ngồi trông rất lạ, đôi lúc rất giống với hành động của con người. Có con ngồi thu lu hai tay đặt yên vị trên đầu gối, có con ngồi vắt vẻo chân co chân duỗi, thậm chí buông thõng cả hai chân, có con lại nằm xoài ôm lấy cành cây đầy vẻ buông thả và biếng nhác… Những lúc ấy trông chúng thật đáng yêu, dễ gần và có phần hài hước, nhất là nhìn vào khuôn mặt đầy biểu cảm của chúng.

Những con Voọc chà vá chân nâu khi mới sinh thường bám chặt vào bụng mẹ để bú sữa. Ảnh: Thanh Hòa

Theo bản năng, voọc con ôm chặt lấy mẹ khi mẹ di chuyển từ cây nọ sang cây kia. Ảnh: Thanh Hoà

Voọc con hiếu động nhảy nhót từ cành nọ sang cành kia trước sự canh chừng và giám sát của voọc mẹ. Ảnh: Thanh Hoà

Voọc chà vá chân nâu có những tư thế ngồi rất ngộ nghĩnh trông như con người. Ảnh: Thanh Hoà

Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng với bộ lông ngũ sắc sặc sỡ, đôi mắt xếch, chòm râu quai nón trắng như cước, cùng với đôi cẳng tay và cẳng chân có màu trắng và nâu đỏ trông như đi tất. Ảnh: Thanh Hoà

Voọc chà vá chân nâu là loài ăn lá, không ăn thịt, chúng rất thích các loại lá non giàu chất xơ. Ảnh: Thanh Hoà

Voọc chà vá chân nâu có tập tính sống theo bầy, mỗi bầy chừng 5 đến 7 con, cá biệt có bầy lên đến vài chục con nhưng rất hiếm gặp. Ảnh: Thanh Hoà

Đặc điểm nổi bật của loài voọc chà vá chân nâu là màu sắc rất đẹp và khuôn mặt cũng rất biểu cảm. Ảnh: Thanh Hoà

Voọc chà vá chân nâu có dạ dày to và có khả năng sinh ra các chất lên men để tiêu hoá thức ăn
gồm nhiều chất xơ nên bụng của chúng thường phồng to. Ảnh: Thanh Hoà

Trong một bầy voọc chà vá chân nâu, con đầu đàn bao giờ cũng là một con đực to khoẻ, nó có vai trò duy trì nòi giống và bảo vệ bầy đàn của mình. Ảnh: Thanh Hoà

Theo tập tính, voọc chà vá chân nâu thường đi kiếm ăn vào buổi sáng và chiều, còn buổi trưa và tối chúng thường nghỉ ngơi trên các cành cây cao. Ảnh: Thanh Hoà 

Vẻ đẹp hiếm có và sự quý hiếm về đặc tính giống loài không chỉ đưa voọc chà vá chân nâu trở thành đối tượng quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu, mà nó còn là tâm điểm chú ý của những người yêu thích khám phá thiên nhiên và nhất là giới đam mê về nhiếp ảnh.

Có lẽ vì thế mà từ nhiều năm nay, cứ đến mùa rừng Sơn Trà thay lá, người ta lại thấy du khách khắp nơi háo hức tìm về bán đảo xinh đẹp này để săn tìm vẻ đẹp kỳ ảo của loài voọc chà vá chân nâu.

Ngay tại Đà Nẵng, phong trào săn ảnh voọc Sơn Trà cũng phát triển rất mạnh. Trong đó có thể kể đến những tay máy giàu kinh nghiệm và đã trở nên quen thuộc trong giới săn ảnh voọc ở xứ Đà thành như Lê Hải Sơn, Thái Hồng Kỳ, Trần Dự Đáo, Trần Văn Dũng, Đặng Thu Thuỷ, Hồ Trung Tú… và nhiều tay máy đam mê khác của CLB nhiếp ảnh Sông Hàn Đà Nẵng. Đối với họ, thú vui săn ảnh voọc chà vá chân nâu không chỉ đơn thuần là cuộc chơi đi tìm những khoảnh khắc đẹp, mà còn là ý thức quảng bá, cũng như mong muốn góp sức cùng chính quyền thành phố kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ báu vật của Sơn Trà.

Voọc chà vá chân nâu (tên khoa học: pygathrix nemaeus) hay còn gọi voọc chà vá chân đỏ, voọc ngũ sắc, được giới khoa học trên thế giới biết đến từ năm 1771. Đây là loài có màu sắc rực rỡ nhất trong số các loài linh trưởng, được Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng.

Chà vá chân nâu là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và Lào, có nguy cơ tuyệt chủng cao do nạn săn bắn trộm. Chúng là một trong những loài động vật quý hiếm nằm trong danh sách đỏ về động vật nguy cấp của IUCN và danh sách bị cấm buôn bán toàn cầu của CITES.
 
Thực hiện: Thanh Hoà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét