18 thg 7, 2018

Dầu Giây - Một thời oanh liệt, một thời vàng son

Dầu Giây là thị trấn thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai ngày nay. Một địa danh gắn với thời kỳ lịch sử hào hùng, ghi dấu mốc của sự chiến thắng vẻ vang, là điểm gút giao thông trong sự phát triển của khu vực Đông Nam bộ. 

Ngã ba Dầu Giây – Địa danh một thời oanh liệt, một thời vàng son 

Ngược dòng thời gian…

Trong chiến dịch Xuân Lộc, Dầu Giây là điểm trọng yếu nối Xuân Lộc với Biên Hòa. Quyết định ngừng tiến công các vị trí địch đang cố thủ trong thị xã, chuyển hoá thế trận, dùng “thế” để giải phóng Xuân Lộc, đánh chiếm Dầu Giây và Núi Thị là quyết định mang tính chiến thuật của Bộ chỉ huy chiến dịch Xuân Lộc.

Xuất phát từ nhận định: đối với toàn tuyến phòng thủ Sài Gòn của địch, Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối liền với Biên Hòa, nên Bộ chỉ huy Chiến dịch và Quân đoàn 4 chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích và đánh chiếm Tân Phong; cắt đường số 2 đi Bà Rịa…

Rạng sáng 15/4/1975, pháo 130 ly của ta bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa, chặn khả năng địch tiếp ứng bằng không lực. Cùng lúc đó, bằng 5 trận vận động tập kích, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã tiêu diệt sinh lực của Chiến đoàn 52 ngụy, thu 12 khẩu pháo và toàn bộ xe tăng của Chi đoàn 3 thiết giáp, tại sở chỉ huy dã chiến của Chiến đoàn 52. Đường số 1 từ Xuân Lộc tới Bàu Cá bị cắt. Đoạn đường 20 cuối cùng từ Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây do ta làm chủ…

Cuộc tiến công Xuân Lộc được coi là một chuỗi các trận đánh ác liệt nhất, trong đó có trận chiến Dầu Giây. Chiếm được Dầu Giây, coi như quân ta đã phá được “ Bản lề” của “ Cánh cửa thép” Xuân Lộc. Từ đây, cửa ngõ đã được mở, quân giải phóng đã nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Nhộn nhịp trong thời nay….
Ngày nay, địa danh Dầu Giây cũng được giới hướng dẫn viên du lịch lý giải khá thú vị. Có người cho rằng sỡ dĩ khu vực này có tên là "Dầu Giây" vì trước kia ở đây có nhiều cây Dầu, trên thân của nó có nhiều dây leo chằng chịt, rồi do phát âm sai nên "Dây" đọc thành "Giây". Một cách lý giải khác về địa danh này là vào năm 1954 một số giáo dân theo hai giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm di cư vào khu vực miền Nam, đã an cư lạc nghiệp ở nơi này, họ đem theo mình những tập tục, thói quen trồng cây trầu tại khu mình sống. Vì thế ở đây xuất hiện rất nhiều cây trầu dây nhưng người Hà Nam Ninh phát âm "tr" thành "d, gi", do vậy trầu dây đọc thành Dầu Giây.

Với vị trí đắc địa, Dầu Giây đang hòa cùng với tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh. Đồng thời đây cũng là nút giao thông tạo đà phát triển kinh tế, dịch vụ trong khu vực. Trên địa bàn thị trấn có 2 tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua, đó là Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20. Quốc lộ 20 có điểm khởi đầu tại ngã tư Dầu Giây. Tỉnh lộ DT769 cũng có điểm khởi đầu tại ngã tư Dầu Giây. Ngoài ra, có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua. 

Tỉnh lộ 769, tỉnh Đồng Nai 

Đồng thời, với những đường cao tốc đã đi vào hoạt động và đang trong giai đoạn triển khai xây dựng như: Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai, có điểm đầu tuyến là nút giao thông An Phú, thuộc Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đoạn Long Thành – Dầu Giây thuộc hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam. 

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây 

Đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt là dự án đường cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ với vùng Nam Tây Nguyên Việt Nam. Toàn bộ tuyến đường cao tốc dài khoảng 220 km, bắt đầu tại nút giao Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đường cao tốc bao gồm đoạn Liên Khương – Prenn đã xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2008 và đoạn Dầu Giây – Liên Khương đang chuẩn bị xây dựng. Đường cao tốc thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Tây Nguyên.

Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là dự án đường cao tốc sắp khởi công thuộc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam. Đường cao tốc này nối Đồng Nai với Bình Thuận, có điểm đầu tuyến tại Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đường cao tốc sẽ khởi công vào đầu năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ…

Rồi dự án Cầu vượt Dầu Giây, hay Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây, Khu công nghiệp Dầu Giây…Tất cả tạo nên sự nhộn nhịp, phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của một vùng đất oanh liệt xưa kia.

Trong du lịch bằng đường bộ, khu vực Đông Nam bộ, địa danh này cũng được nhắc tới khá nhiều. Bởi đây là điểm gút, nơi giao của những nút giao thông trọng yếu. Nhiểu trạm dừng chân, điểm ăn uống được ưu tiên đầu tư tại khu vực này.

Với tiềm năng và động lực phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong tương lai gần, nơi đây không chỉ là nút giao thông trọng điểm, quan trọng mà còn là điểm dừng chân đón du khách không thể thiếu của ngành du lịch các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh…

Mai Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét