18 thg 7, 2018

Nóng trời lại nhớ sương sâm

Khi cái nắng oi bức của mùa hè ập đến, cũng là lúc tôi nhớ về món thạch sương sâm, ăn kèm nước đường và hột é. Đó là món ăn vặt dân dã làm từ lá sương sâm mọc hoang trên đồi núi, từng mê hoặc hết thảy lũ trẻ thôn quê chúng tôi ngày trước.

Nhớ ngày xưa, lũ trẻ con chúng tôi chưa có cơ hội được thưởng thức đủ loại thức ăn vặt như bây giờ. Ngày ấy, quanh đi quẩn lại chỉ có đường đen, kẹo chanh đen, kẹo dẻo... bởi vậy, chúng tôi cứ háo hức chờ đến mùa hè, khi lá sương sâm vào mùa sinh sôi và chờ những ngày ba mẹ rảnh rang việc đồng áng... được ba mẹ làm cho món thạch sương sâm thanh mát, ngọt ngon.

Thạch sương sâm thanh mát, ăn kèm nước đường, hạt é là món ăn giải nhiệt, bổ dưỡng ngày hè. Ảnh: Ý THU 

Sương sâm là loài dây leo, mọc tự nhiên ở núi, đồi, thích nghi tốt với vùng đất cằn cỗi và sinh trưởng mạnh nhất vào mùa hè. Vậy nên, cứ đến hè, bà con ở xóm tôi lại lặn lội vào các ngọn đồi sát nhà để tìm sương sâm. Nếu hôm nào “trúng mánh”, tìm được dây sương sâm sum suê lá, ba tôi tranh thủ hái thật nhiều, đem về phơi khô dùng dần. Bởi không chỉ lá tươi, mà lá sương sâm khô, vẫn làm ra được thạch sương sâm ngọt mát.

Để có được ly sương sâm ngon, khâu chọn lá là quan trọng nhất. Những chiếc lá già có màu xanh đậm luôn tạo ra được thạch sương sâm thơm và dai hơn những chiếc lá non. Lá hái về, được mẹ tôi ngắt cuống, rửa sạch, cho vào rổ để ráo. Sau đó cho vào thau nhôm, đổ nước sôi để nguội vào và vò lá cho đến khi nhựa của lá hòa vào nước, biến thau nước trong chuyển sang màu xanh thẫm và sóng sánh nhựa thì ngừng.

Hồi trước, mẹ tôi vẫn thường tận dụng miếng vải mùng cũ để lọc sạch xác lá lẫn trong nước sương sâm. Rồi sau đó, mẹ lại lấy nang mực mài thật mịn, hòa với nước rồi đổ vào thau sương sâm. Tuy chỉ là 2-3 muỗng nang mực nhỏ nhoi, nhưng nếu thiếu nang mực, hỗn hợp sương sâm tuy đông lại thành thạch, nhưng rất bở và dễ nát.

Nghe thì có vẻ dễ làm, nhưng khi làm sương sâm, người làm cần phải có nhiều kinh nghiệm. Bởi nếu bỏ không đủ nang mực thì sương sâm rất mau rã thành nước, hoặc khi vò sương sâm, nếu không khéo làm nước sương sâm nổi nhiều bọt, thì bề mặt thạch cũng không mịn và rất dễ tan lại thành nước...

Sau khi đã xong xuôi các công đoạn, chỉ cần để yên thau nước sương sâm trong 30 phút, là nước sương sâm đông lại thành thạch. Để tăng thêm mùi vị cho thạch sương sâm, mẹ tôi nấu thêm nước đường đen và ngâm thêm hạt é để ăn cùng. Thạch sương sâm thanh mát, thơm mùi lá rừng, quyện với vị ngọt thanh của đường đen và hạt é, trở thành một món ăn vặt giải nhiệt hấp dẫn của người dân quê tôi vào mùa nắng nóng.

Nhưng đó là chuyện của mấy mươi năm về trước, còn bây giờ, cây sương sâm đang khan hiếm dần. Những người từng gánh gồng thạch sương sâm đi bán ở quê tôi cũng thưa thớt, vì không còn nguyên liệu để làm. May mà xóm tôi còn có bà Chín, vì không nỡ nhìn mấy cây sương sâm trên núi, trên đồi bị phá bỏ hết để trồng keo, trồng bạch đàn; bà lặn lội đào vài cây, mang về vườn nhà trồng. Vậy nên, cứ mỗi lần thèm sương sâm, chúng tôi lại tìm đến vườn nhà bà để xin. Và lúc nào bà cũng hào phóng cho ngay và không quên nhắc chúng tôi nhớ giữ công thức nấu món thạch dân dã này!

Ý THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét