4 thg 7, 2018

Lễ Pốt Đẳm của người Thái Trắng

Lễ Pốt Đẳm của người Thái Trắng không chỉ là để thực hiện xong các nghi thức của một đám cưới, mà nó còn là một sự kiện quan trọng đối với mỗi người con gái khi đi lấy chồng. Bởi không có lễ Pốt Đẳm thì không thể coi là đã cưới xong chồng. Khi chết đi tổ tiên bên nhà chồng sẽ không coi là con cháu trong gia đình.

Lễ Pốt Đẳm có nghĩa là rời Đẳm bên bố mẹ đẻ cô gái để đi nhập vào Đẳm của nhà chồng, để cho tổ tiên bên nhà chồng biết đó là con cháu trong nhà mà phù hộ. Lý do nữa để người Thái Trắng làm lễ Pốt Đẳm đó là khi lấy nhau thành một gia đình rồi thì không thể sống lơ lửng giữa hai Đẳm của hai họ nội - ngoại và cùng một lúc thờ hai Đẳm là không tốt.

Quan niệm về lễ Pốt Đẳm của người Thái Trắng

Người Thái luôn cho rằng sống thì phải có Đẳm để xác định thân phận, phân biệt dòng tộc, vì người Thái rất coi trọng gia phả dòng tộc của mình. Đây là căn cứ để người Thái phân biệt dòng họ tông tộc trong xã hội Thái. Con gái Thái đã đi lấy chồng thì phải theo chồng, ngay cả “Đẳm” của mình cũng phải theo chồng. Sống làm người bên nhà chồng, chết làm ma bên nhà chồng, đó là luật tục đã được tổ tông người Thái để lại. Người Thái Trắng luôn quan niệm rằng, Pốt Đẳm tuy là một cái lễ sau cùng nhưng lại là phần quan trọng nhất, mang ý nghĩa thiêng liêng nhất trong đám cưới cổ truyền của họ. 

Đồng bào Thái chuẩn bị lễ vật dâng cúng. 

Đối với bên ngoại, Pốt Đẳm của con gái là thể hiện sự toàn tâm toàn ý với gia đình, dòng họ nhà chồng. Làm xong lễ Pốt Đẳm thì cô gái đó không còn liên quan gì tới Đẳm bên nhà bố mẹ đẻ nữa. Khi chết thì bố mẹ, họ hàng nhà ngoại không được phép tổ chức tang lễ cho con gái, mà phải do chồng và gia đình bên chồng tổ chức. Gia đình họ ngoại chỉ đến chia buồn.

Đối với bên nội, Pốt Đẳm của vợ và nhập vào Đẳm nhà mình là thể hiện lòng thành, sự hiếu kính của một người con trai đối với tổ tiên, gia đình, dòng họ nhà mình. Người vợ sau khi Pốt Đẳm sẽ có nghĩa vụ và quyền lợi như mọi thành viên trong gia đình, sau này chết đi sẽ được ma nhà chồng chấp nhận và đón về ở cùng.

Pốt Đẳm bên vợ

Đôi vợ chồng muốn làm lễ Pốt Đẳm thường sẽ phải chọn ngày lành tháng tốt và tìm người đại diện đưa cả gia đình mình sang bên nhà bố mẹ vợ để làm lễ. Đến nơi, người đại diện cho đôi vợ chồng sẽ trình bày lý do với bên nhà gái. Bên nhà gái sẽ cử một người già hay thầy mo lên thắp nhang và trình bày với ma nhà bên vợ sau đó đôi vợ chồng mới bắt tay vào chuẩn bị mâm lễ cúng tổ tiên.

Mâm lễ gồm có một con gà , thủ lợn, hai tô canh, một đĩa sườn xào, một đĩa tim, gan, lòng lợn xào, một đĩa sườn nướng và nhất thiết phải có món thịt băm được gói trong lá mỡ có thể nướng hoặc rán (món này người Thái gọi là “nhắm pỉnh pắn”), gỏi thịt hay gọi là “lap”, một bát tiết canh lợn gọi là “lơt”, hai gói xôi, bốn đôi đũa, bốn bát ăn cơm và bốn chén rượu bày ở bốn góc mâm, bởi họ cho rằng ông bà tổ tiên từ bốn phương trời sẽ về ăn theo bốn góc mâm này. 

Đồ xôi chuẩn bị lễ cúng. 

Đôi vợ chồng đến làm lễ Pốt Đẳm quỳ trước ban thờ tổ tiên, thầy mo sẽ trình bày với đại ý là: “Nhờ sự phù hộ của ông bà tổ tiên, hôm nay ngày lành tháng tốt, con cháu mới kiếm đủ thịt, rượu cùng các lễ vật dâng lên ông bà tổ tiên, trước là để tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, sau là để xin phép ông bà tổ tiên cho cháu xin Pốt Đẳm về nhà chồng, vì bây giờ cháu mình đã có gia đình riêng, tre già thành khóm, nứa lớn thành bụi rồi, cháu gái nhà ta đã đi láy chồng, sẽ phải theo gia đình nhà chồng”, đọc xong lời khấn, đôi vợ chồng lạy trước bàn thờ tổ tiên ba lần và chuyển sang quỳ lạy bố mẹ vợ một lạy là coi như đã xin Pốt Đẳm xong cho vợ mình.

Sau khi nghi lễ kết thúc, bố mẹ vợ dặn dò con gái, con rể về các đạo lý làm người, xây dựng gia đình sao cho ấm êm, hạnh phúc, và cách đối nhân xử thế ở đời. Sau đó, bố mẹ vợ sẽ tặng đồ trang sức bằng vàng bạc (hoa tai, dây chuyền, vòng tay, cúc bạc, trâm cài tóc bạc và trang phục gồm: váy áo cho con gái, áo chàm cho con rể và nếu đã có con thì ông bà ngoại còn chuẩn bị trang phục mới cho các cháu ngoại. Riêng với con gái bà mẹ sẽ cho một bộ váy áo mới và hai dải thắt lưng xanh.

Sau phần dặn dò và tặng quà của bố mẹ bên ngoại thì họ hàng bên vợ đến dự cũng sẽ trao quà cho đôi vợ chồng. Sau bữa cơm cỗ tạ ơn họ hàng, làng xóm bên vợ, nhà gái sẽ tìm giờ tốt để đưa con gái con rể xuống cầu thang ra về. Trước khi ra về, bên nhà gái sẽ cử đại diện ra hát tiễn đôi vợ chồng trẻ về bên nhà nội bình an, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Pốt Đẳm bên nhà trai

Sau khi làm Pốt Đẳm bên nhà vợ xong thì là về bên nhà trai để xin nhập Đẳm cho vợ. Khi đoàn đến chân cầu thang nhà trai, bên nhà gái sẽ đại diện cho người ra xin lên nhà. Bên nhà trai cũng có người ra hỏi, bên nhà gái phải trả lời được hết các câu hỏi bên nhà trai mới được lên nhà. Bên nhà trai cũng chuẩn bị một mâm lễ như bên nhà gái để trình diện với tổ tiên. Cũng như bên xin Đẳm, bên nhập Đẳm cũng có lời trình báo với tổ tiên với đại ý xin cho con dâu được nhập vào Đẳm bên gia đình mình vì con dâu đã được cưới xin đàng hoàng, được họ hàng đồng thuận chấp nhận, nay xin tổ tiên chứng giám và chấp nhận con dâu là người trong Đẳm, sau này khi chết mong ông bà tổ tiên nhận lên ở cùng. 

Sau khi cúng mọi người thưởng thức bữa cơm mừng cho đôi vợ chồng. 

Kể từ đây cô gái mới hoàn thành lễ cưới của mình và hoàn toàn thuộc về nhà trai. Khi nhập Đẳm xong, mẹ chồng sẽ trao cho con dâu những đồ vật như: bộ váy áo, hoa tai, vòng tay, dải thắt lưng, dây chuyền. Đồ nhiều hay ít là tùy thuộc vào hoàn cảnh và khả năng của mỗi gia đình, nhưng dù ít hay nhiều thì vẫn phải có.

Trong đời sống tâm linh, lễ Pốt Đẳm của người Thái là sự chuyển biến vô cùng quan trọng, ghi nhận sự thay đổi trong mối quan dòng tộc của mình và đánh dấu cho sự kiện lớn nhất của một người phụ nữ đó là đã có chồng. Từ bao đời nay, lễ Pốt Đẳm trở thành một phần trong cuộc sống cộng đồng người Thái và đó cũng là một nét văn hóa đặc trưng mà chỉ có ở người Thái Trắng.

Vàng Thị Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét