30 thg 7, 2018

Dấu xưa trong lòng cát

Có lẽ vùng đất Sa Huỳnh (thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, tiếp giáp với Bình Định) sẽ không bao nhiêu người biết đến, nếu nơi đây không có một đồi cát chứa trong lòng nó những ngôi mộ chum ghi lại “cuộc sống” của cư dân Sa Huỳnh cách đây hơn 3.000 năm.

Câu chuyện về những cái tên


Một lần đi Huế chơi, người bạn văn hỏi tôi ở xã, huyện nào. Tôi nói tôi ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Bạn ngẩn người ra, nói Quảng Ngãi thì biết, còn Phổ Thạnh, Đức Phổ thì chịu. Cũng phải thôi. Có đến hàng ngàn địa danh hành chính, ai mà nhớ cho nổi. Riêng những địa danh gắn với những vỉa tầng văn hóa, như “Văn hóa Sa Huỳnh” chẳng hạn, thì dù chưa đến, người ta cũng nghe hoặc đọc trên các phương tiện truyền thông.

Khai quật di chỉ gò Ma Vương. 


“Đồi cát” như đã nói trên, được dân địa phương gọi là gò Ma Vương, thuộc thôn Long Thạnh 2. Cái tên “gò Ma Vương” xuất xứ từ đâu? Điều này đang có những ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất, tên gò bắt nguồn từ quan niệm đây là xứ sở của “vua ma”, là vương quốc của ma quỷ, vì trong lòng gò chứa những ngôi mộ chum từ hàng nghìn năm trước đã được khai quật. Ý kiến thứ hai, người xưa lấy tên cây làm tên gò, vì nơi ấy mọc rất nhiều cây ma vương, loại cây thân thảo, loang ra nhiều nhánh, lá kép đối nhau, có nhiều gai nhọn, hoa vàng, quả năm cạnh; cây dùng làm thuốc Nam, có tác dụng hoạt huyết, ổn định hệ thần kinh. Trong khi giả thuyết thứ nhất nghe có vẻ xuôi tai, thì giả thuyết thứ hai nghe cũng có lý. Một lão làng ở Long Thạnh 2 cho biết, hồi trước cây ma vương mọc đầy trên gò. Bây giờ, không hiểu sao tìm đỏ mắt cũng không ra một bụi, nhưng cái tên gò Ma Vương thì vẫn còn đó.

Một cán bộ ngành khảo cổ nói đùa, làm khảo cổ là... khổ cảo (khổ vì đi tìm di cảo của người đã mất để lại nhằm làm cứ liệu). Vị cán bộ này kể rằng, trong một chuyến khảo sát, một cán bộ địa phương cho biết, gò Ma Vương còn có tên khác là gò Diều Gà. Cái tên này xem ra cũng... có cơ sở. Nếu đứng trên đỉnh đồi cao cách gò khoảng vài cây số, có thể thấy gò rất giống cái diều no căng của con gà (nơi chứa đựng thức ăn tạm thời trước khi đi vào dạ dày).

Tên gì thì tên, quan trọng nhất là gần 200 ngôi mộ chum ẩn mình trong lòng gò hơn ba nghìn năm nay đã bước ra ánh sáng sau nhiều lần khai quật của cả Tây lẫn ta. Nhiều bí mật về đời sống vật chất và tinh thần của người xưa trong một không gian rộng lớn kéo dài từ Quảng Bình đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang được giải mã dưới tên gọi “Văn hóa Sa Huỳnh”.

Không đa danh đến mức... đa đoan như gò Ma Vương/ Diều Gà, địa danh Sa Huỳnh từ lâu đã được xác định rõ trong thư tịch cổ. Xưa nơi này có tên là Sa Hoàng tấn (cửa biển Sa Hoàng). Về sau, chữ “Hoàng” buộc phải đổi thành “Huỳnh” vì trùng tên chúa Nguyễn Hoàng (trùng tên vua chúa là điều kiêng kỵ). Sa Hoàng thành Sa Huỳnh từ đó. Cho đến bây giờ, Sa Huỳnh vẫn được hiểu là “cát vàng” mà chưa thấy cách hiểu nào khác. Màu vàng của cát dọc bãi biển Sa Huỳnh tuyền một màu vàng tươi, là màu đặc trưng so với bãi biển Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu...

Văn hóa mộ chum - những “hộp đen” bằng gốm
Có thể ví những mộ chum làm bằng gốm là những “hộp đen” chứa đựng bề dày văn hóa và lịch sử những cuộc trường chinh của cư dân cổ trong không gian văn hóa Sa Huỳnh. Một chút liên tưởng: Lào cũng có một cánh đồng Chum gần thị xã Phonsavan, thuộc tỉnh Xiengkhuang. Chum được làm bằng đá, có niên đại “trẻ” hơn mộ chum Sa Huỳnh khoảng 1.500 năm. Đây là một địa chỉ văn hóa lịch sử nổi tiếng của Lào.

Mai táng người quá cố trong các chum gốm cao đến 1,2m là một tập tục độc đáo của người Sa Huỳnh cổ. Chum được làm từ đất đen hay đất đỏ và được nung khá kỹ. Người chết được táng trong chum với tư thế ngồi bó gối. Vật dụng tùy táng (chôn theo người chết) nhiều hay ít, tùy thuộc vào danh phận, đẳng cấp, mức độ giàu nghèo của người quá cố.

Trong chum, ngoài bộ xương trong tư thế ngồi bó gối là những đồ tùy táng như dụng cụ lao động, đồ trang sức bằng đồng, đá quý, thủy tinh... Qua những vật dụng được khai quật, các nhà khảo cổ học và mỹ học đương đại đều có chung nhận xét: Ngư­ời Sa Huỳnh cổ có “hoa tay” trong chế tác đồ trang sức, thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và trình độ thẩm mỹ đáng ngạc nhiên. Những nghệ nhân cổ đã in những dấu ấn tài hoa của mình lên các đồ gốm gia dụng, tạo nên những đường nét thanh tú, hài hòa, hoa văn mềm mại, phong phú và sinh động. Và một điều hết sức đặc biệt là, cư dân thời ấy đã biết dùng cát để nấu thủy tinh, làm nên những hạt cườm nhiều màu đỏ, xanh, vàng, nâu, tím...

Đường đi của cái đẹp từ cổ đại đến đương đại là hành trình nghìn năm. Và có thể rất nhiều năm sau nữa, con người của thời “5.0” vẫn còn ngẩn ngơ trước cái đẹp mà tiền nhân đã tạo dựng trong những điều kiện khá thô sơ. Hy vọng sắp tới, khi Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh (cạnh gò Ma Vương) chính thức khai trương, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp “bước ra từ quá khứ”.

Bài, ảnh: Trần Cao Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét