4 thg 7, 2018

Tìm về trò chơi xà hùa của người Bru - Vân Kiều

Trong sinh hoạt cộng đồng Bru - Vân Kiều, đánh xà hùa là một trò chơi dân gian rất phổ biến. Trò chơi này có thể sử dụng trong dịp lễ hội hoặc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhất là vào những dịp tết lấp lỗ của đồng bào. 

Trò chơi độc đáo trong lễ hội lấp lỗ 


Các trò chơi dân gian truyền thống đã toát lên tính tập thể, tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Trò chơi dân gian đã góp phần hình thành nên ý chí kiên cường, sự dẻo dai và ý thức vươn lên giành chiến thắng của mỗi con người, mỗi cộng đồng và tạo nên bản sắc riêng của từng dân tộc.

Người chơi chia làm hai phe để thi đấu. 

Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 7 âm lịch, đồng bào Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn vẫn thường tụ về đông đủ tổ chức lễ hội cổ truyền - lễ hội lấp lỗ. "Lấp lỗ" là một công đoạn cuối của quy trình làm nương làm rẫy: chặt, đốt, cốt, trỉa, nhưng đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt nặng bông có ngày thu hoạch. Dân bản xin thần ban cho hạt giống được mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ... khỏe mạnh, xanh tươi, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng bội thu, người dân trong bản no ấm. Xuất phát từ những hạt giống của đồng bào mà trò chơi xà hùa cũng được hình thành với ngưỡng vọng cầu mong một vụ mùa bội thu.

Người Bru - Vân Kiều ra suối nhặt những viên sỏi to bằng nắm tay, dài dùng làm xà hùa. 

Sau khi cúng xong tất cả dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ với những món ăn dân dã, mọi người vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ. Người lớn, trẻ em đã đến dự lễ đều được hưởng chung phần. Sau phần lễ ăn uống là bước vào hội chơi. Khi hơi men của rượu cần đã ngấm vào khiến dân bản chếnh choáng, cùng lúc này, các trò dân gian và các làn điệu dân ca được đồng bào hào hứng tham gia. Trò chơi dân gian tiêu biểu của người Bru - Vân Kiều chính là trò chơi xà hùa.

Vui nhộn cách chơi xà hùa

Trò chơi xà hùa của người Bru - Vân Kiều tương đối giống trò chơi đánh mảng của người Mường. Nhưng mảng ở đây là những viên sỏi chọn ở dưới lòng khe, to bằng nắm tay, dài gần gang tay người lớn. Khi chơi, số người chơi chia làm hai phe bằng số lượng nhau. Phe này trồng xà hùa xuống đất thì phe kia đứng phía xa ném xà hùa mình đến để lật đổ xà hùa đối phương. Khi ném, bất kỳ ai cũng không được dùng nắm tay mà chỉ dùng cùi tay, dùng bàn chân sấp, dùng đầu gối, cao thủ hơn là dùng một bên má hoặc bên vai đặt xà hùa lên để lắc gạt xà hùa đúng hướng. Bởi thế đánh trúng cho đổ xà hùa đối phương không phải dễ. Làm lần lượt phe nào làm đổ hết xà hùa phe bạn là thắng. 

Những viên sỏi dùng để chơi xà hùa. 

Để chiến thắng một hiệp xà hùa, người chơi phải vượt qua năm vòng. Vòng một, bắn xà hùa trên đùi sao cho trúng viên xà hùa làm bia. Vòng hai, đặt hòn xà hùa dưới sân và lấy cùi tay bắn. Vòng ba, bỏ hòn xà hùa lên mu bàn chân và hất bắn. Vòng bốn, cũng để hòn xà hùa trên mu bàn chân nhưng phải bước hai bước, vòng này yêu cầu người chơi giữ được thăng bằng cho hòn xà hùa không bị rơi ra khỏi chân.

Vòng cuối cùng đòi hỏi cả sự khéo léo và chuẩn xác. Người chơi phải dùng đầu gối để bắn, nghĩa là để bàn chân song song với hòn xà hùa, dùng lực gót chân để bật cho đầu gối bắn. Đây là vòng không phải người chơi nào cũng vượt qua được.

Người chơi dùng chân cố gắng hất đổ xà hùa. 

Thắng thua trong trò chơi này không phải là cái kết cục được hay mất. Thắng đơn giản là hoàn thành tất cả các bước từ dễ đến khó để được bắn tiếp, thua nghĩa là chưa hoàn thành hết các bước và phải bắn lại. Phe thua phải cõng phe thắng chạy một vòng quanh sân chơi.

Trò chơi xà hùa của đồng bào Bru - Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đang lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống. Trò chơi nhằm trang bị cho thế hệ trẻ người Bru - Vân Kiều những vốn kiến thức để họ biết và lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể, kịp thời đẩy lùi nguy cơ mai một, thất truyền các giá trị trò chơi dân gian độc đáo. Bên cạnh đó, Trường Sơn là xã miền núi nên vấn đề lưu giữ văn hoá đang gặp nhiều thách thức, trong đó văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số đang đặt ra vấn đề cần giải quyết hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.

Tố Oanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét