6 thg 7, 2018

Huyền bí Ông Đỏ, Ông Đen 700 tuổi trong chùa cổ Bình Định

Tượng Ông Đỏ và Ông Đen ở chùa Nhạn Sơn được người Chăm tạo tác từ thế kỷ 13. Xung quanh hai pho tượng có một giai thoại lịch sử được lưu truyền lại qua nhiều thể hệ.

Nằm ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, chùa Nhạn Sơn (còn có tên gọi khác là chùa Ông Đá, Thạch Công tự, Song Nghĩa tự) là một di tích lịch sử ghi dấu sự giao thoa giữa văn hoá Chăm bản địa và văn hoá Việt.
 
Chùa Nhạn Sơn được những thế hệ đầu tiên của người Việt di cư đến Bình Định góp công sức xây lên để đáp ứng nhu cầu tâm linh. Ban đầu chùa chỉ là một ngôi chùa làng lụp xụp. Đến thế kỷ 16 Hòa thượng Thích Chí Mẫn mới cho đại trùng tu lại ngôi chùa và đặt tên là chùa Nhạn Sơn

Nét đặc sắc của chùa Nhạn Sơn là hai bức tượng Ông Đỏ và Ông Đen được đặt giữa chính điện. Cả hai bức tượng được tạc bằng đá nguyên khối khối liền nhau, mỗi tượng cao 2,3 m, nặng cả tấn, tạo hình rất sống động

Hai pho tượng cổ này có từ thời người người Chăm còn ở thành Đồ Bàn (thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu ngày nay). Do chiến tranh, hai pho tượng đã bị chôn vùi trong lòng đất hàng trăm năm, sau đó được người Việt phát hiện, đào lên và thờ dưới tên gọi Ông Đỏ, Ông Đen

Xung quanh hai pho tượng có một giai thoại lịch sử được lưu truyền lại qua nhiều thể hệ

Theo giai thoại này, Ông Đỏ có tên là Huỳnh Tấn Công (người Quảng Nam), Ông Đen là Lý Xuân Điền (người Quảng Bình). Ông Đỏ là quan văn, Ông Đen là quan võ thời nhà Trần. Giữa hai ông có một tình bạn rất keo sơn

Cả Ông Đỏ và Ông Đen đều thân quen với vua nước Chiêm Thành (Chăm Pa) thời đó. Có một dịp, cả hai ông sang thăm Chiêm Thành gặp lúc vua Chiêm lâm trọng bệnh. Với các kiến thức y học của mình, hai ông đã lập công lớn trong việc chữa trị hết bệnh hiểm nghèo cho vua nước bạn

Lại gặp lúc Xiêm La (Thái Lan ngày nay) đem quân xâm lấn biên giới nước Chiêm Thành, hai ông liền xin cầm quân đánh giặc. Dù đánh đuổi được giặc nhưng tướng Lý Xuân Điền - Ông Đen - lại bị Xiêm La bắt.

Sau đó, hoàng tử Xiêm La cầu hôn em gái Ông Đỏ - Huỳnh Tấn Công - nên Ông Đỏ yêu cầu dùng Ông Đen làm lễ vật cầu hôn. Nhờ cuộc hôn nhân này, hai người gặp lại nhau và cùng trở về nước Việt

Thương nhớ hai ông, vua Chiêm Thành đã cho người tạc tượng để thờ phụng...

Giai thoại này được ghi chép lại trong nhiều tư liệu cổ với các dị bản khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích lý giải về nguồn gốc hai pho tượng cổ ở chùa Nhạn Sơn

Năm 1977, một đoàn khảo cổ từ Hà Nội vào Bình Định đã xác định hai pho tượng đá này có từ thế kỷ 13, cách đây hơn 700 năm.

Đây là hai tượng Dvarapalla (Môn Thần) với ý nghĩa người bảo vệ cho đạo pháp. Nghệ thuật điêu khắc mang phong cách điển hình của nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa thế kỷ 12, 13.

Từ tượng thờ của người Chăm, hai pho tượng cổ đã được Việt hóa bằng giai thoại về Ông Đỏ, Ông Đen và được sơn màu, mặc áo để đưa vào chùa thờ cùng các vị Phật, Bồ tát của Phật giáo Việt

Chuyện hai pho tượng ở chùa Nhạn Sơn được Việt hóa, Phật giáo hóa cũng là câu chuyện chung của rất nhiều tượng Chăm cổ còn sót lại ở Việt Nam, là một ví dụ điển hình cho sự tiếp biến văn hóa Chăm - Việt

Năm 2001, chùa Nhạn Sơn đã được công nhận là di tích cấp quốc gia với nội dung: "Di tích kiến trúc nghệ thuật, nơi lưu giữ hai pho tượng môn thần - tác phẩm điêu khắc Chăm thế kỷ 13"

Một số hình ảnh khác về tượng Ông Đỏ, Ông Đen ở chùa Nhạn Sơn.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét