30 thg 7, 2018

Giọt nước – Một góc hồn làng

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, giọt nước là một biểu tượng văn hóa hết sức độc đáo, nó gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của người dân trong từng làng. Cùng với nhà rông, cồng chiêng, giọt nước tượng trưng cho một góc hồn làng.

Vào lúc sáng sớm hay chiều muộn, nếu ai có dịp ghé vào làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) sẽ gặp hình ảnh nhiều phụ nữ, trẻ em tíu tít gùi theo quần áo, can, chai đi ra giọt nước của làng. Họ tắm, giặt rồi lấy nước đóng vào can, chai mang về nhà dùng. Tiếng nói cười của người lớn, tiếng trẻ con nô đùa rộn ràng, không khí sinh hoạt của người dân làng Kon Tum Kơ Nâm vào lúc này thật náo nhiệt, vui tươi.

Bà Y Thớt năm nay đã ngoài 80 tuổi kể rằng: Chẳng biết giọt nước của làng có từ khi nào, chỉ nhớ là từ lúc còn nhỏ, hàng ngày tôi theo mẹ ra giọt lấy nước về nấu ăn, uống và tắm giặt ở ngoài giọt. Bây giờ, con cháu của tôi vẫn thích sử dụng nguồn nước giọt trong các sinh hoạt hàng ngày dù nhà đã giếng nước.

Theo lời kể của già làng A Wer (làng Kon Rờ Bàng I, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), ngày xưa khi người dân đi tìm nơi để lập làng, yếu tố được tính đến đầu tiên là phải có nguồn nước; nguồn nước ấy phải dồi dào, trong lành sau đó mới là những yếu tố khác như đất đai màu mỡ, địa thế phòng thủ vững chắc…

Sau khi tìm được nguồn nước, người dân trong làng cùng đi chặt những cây lồ ô thật to, đục thông các mắt, nối lại để dẫn dòng nước chảy từ khe đất, khe núi về một địa điểm thuận lợi nào đó trong làng như có đường đi đến, có lối thoát nước để làm giọt nước của làng. Mỗi làng có thể có một hoặc vài giọt nước, thường ở ngay ngoài rìa làng. Chỗ giọt nước được lát đá hoặc gỗ để chống lầy; người dân khi đi làm về ghé vào rửa mặt mũi, tay chân, tắm táp rồi tiện thể lấy nước về nhà dùng. Già A Wer tiếp tục kể cho chúng tôi nghe một cách say sưa.

Ngày xưa mỗi buổi sáng phụ nữ các làng đồng bào DTTS thường gửi những quả bầu khô đi lấy nước từ giọt về dùng. Ảnh: T.H 

Đa số, người dân các làng đồng bào DTTS thường tìm những chỗ có cây cổ thụ, thuận đường đi để làm giọt nước. Bởi chỗ đó không chỉ có cây xanh xum xuê giữ cho nguồn nước chảy về luôn mát mẻ, sạch sẽ mà các sinh hoạt của dân làng cũng được thuận tiện thoải mái.

Bà Y Pưk (làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Ngày xưa, vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy công việc đầu tiên của đàn bà con gái trong làng phải làm là ra giọt lấy nước đựng đầy trong các quả bầu khô rồi gùi về, sau đó mới giã gạo, nấu cơm cho cả nhà ăn trước khi đi làm rẫy. Buổi chiều về, họ cũng lại ghé giọt nước tắm giặt rồi lấy nước về để chuẩn bị cho bữa ăn tối và dùng trong sinh hoạt gia đình. Thời gian đông vui, nhộn nhịp nhất ở giọt nước là khi chiều buông xuống.

Bên cạnh văn hóa nhà rông thì giọt nước của làng cũng là nét văn hóa độc đáo trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, đồng bào Kon Tum nói riêng. Giọt nước của làng luôn là nét đẹp truyền thống, gắn chặt với đời sống văn hoá và sinh hoạt của mỗi làng đồng bào dân tộc thiểu số nên hàng năm, nhân dân các làng đều tổ chức lễ cúng giọt nước, lễ sửa giọt nước.

Nghi lễ này là dịp người dân bày tỏ làng thành kính, biết ơn đối với Yàng nước đã ban cho dân làng nguồn nước trong mát để có sức khoẻ, không bị bệnh tật; cầu mong Yàng nước tiếp tục phù hộ để dân làng khoẻ mạnh, đoàn kết. Đây cũng là dịp để người dân tập trung để vệ sinh, gia cố giọt nước; đồng thời nhắc nhở nhau ý thức bảo vệ nguồn nước.

Mỗi làng thường đặt ra những quy định để bảo vệ nguồn nước giọt của làng. Ví như ở làng Kon Tum Kơ Nâm, dân làng đã đặt ra quy định, không được buộc trâu bò gần giọt nước, không vứt xả rác thải bừa bãi ra giọt nước. Nếu ai vi phạm sẽ bị nhắc nhở và nếu tái diễn sẽ bị phạt một ghè rượu hay con gà, con heo tuỳ vào mức độ. Nhờ thế, trải qua hàng trăm năm hình thành, những giọt nước của làng vẫn cứ chảy đêm ngày, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Người dân của mỗi làng luôn nỗ lực bảo vệ, gìn giữ giọt nước của làng mình. Bởi giọt nước của làng chính là một phần của hồn làng, giống như cây đa bến nước đối với người miền xuôi vậy. Giọt nước ngoài yếu tố tạo thuận tiện trong đời sống sinh hoạt của người dân thì trong nó vừa mang yếu tố lãng mạn, trữ tình... kết tinh từ bao trí tuệ công sức của biết bao thế hệ ông cha, gắn liền với lịch sử hình thành, quá trình phát triển của mỗi làng…

Ví như ở các làng đồng bào DTTS ở ngay thành phố Kon Tum: Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất), Kon Tum Kơ Pâng (phường Thắng Lợi), Plei Đôn (phường Quang Trung)..., hiện nay dù phần lớn các gia đình đã có giếng đào, giếng khoan, có bể chứa nước, thậm chí có nhà còn lắp đặt cả nước máy, nhưng dân làng vẫn giữ nếp sinh hoạt “ăn vào máu thịt” của mình là hàng ngày ra giọt lấy nước về ăn uống và tắm giặt dưới giọt nước.

Nhiều phụ nữ vẫn thích giặt quần áo cho chồng con dưới những vòi nước ở giọt, những đứa trẻ vẫn thích theo mẹ ra giọt nước để nô đùa, tắm táp…

Cứ thế, tình yêu đối với giọt nước được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ thế sau, nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người đồng bào DTTS Tây Nguyên ngay từ tấm bé, để rồi thẳm sâu trong mỗi người dân hình thành một thứ tình cảm thiêng liêng khó tả; dù sống trong điều kiện nào và đi đến đâu họ vẫn yêu quý nguồn nước giọt của làng.

Giọt nước không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà nó còn là nơi để người dân trong làng gặp gỡ, chuyện trò, sẻ chia với nhau sau những giờ lao động mệt nhọc, từ đó, gắn kết cộng đồng dân cư, xây dựng “tình làng nghĩa xóm” …

Từ ngàn đời nay, trong quan niệm của đồng bào các DTTS dù là Ba Na, Xơ Đăng hay Ja Rai... giọt nước là một biểu tượng vừa gần gũi, vừa thiêng liêng. Cuộc sống sinh hoạt nơi giọt nước cũng là một nét độc đáo trong đời sống văn hoá, tinh thần của người dân.

Thuỳ Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét