22 thg 6, 2017

Vãn cảnh chùa Châu Thới

Nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn ở khu vực giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh, chùa Châu Thới nằm trên núi Châu Thới (xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là một di tích và thắng cảnh đẹp nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng cùng lối kiến trúc và nhiều hiện vật đặc sắc về Phật giáo, thu hút du khách khắp nơi đến tìm hiểu, khám phá. 

Hình thành từ năm 1681, chùa Châu Thới được coi là ngôi chùa cổ nhất Bình Dương. Ban đầu, chùa chỉ là một thảo am nhỏ do thiền sư Khánh Long dựng lên. Hơn 330 năm qua, nhờ công đức Phật tử bốn phương, chùa Châu Thới đã trở thành một ngôi chùa lớn và có kiến trúc độc đáo như bây giờ.

Chùa nằm trên núi Châu Thới, ở độ cao 82 m so với mực nước biển, xung quanh cây cối xanh tốt. Vì xung quanh là đồng bằng nên vào những hôm thời tiết tốt, đứng cách xa hàng chục cây số vẫn có thể dễ dàng nhận ra ngôi chùa độc đáo này bằng mắt thường.

Vì tọa lạc trên núi nên để lên chùa Châu Thới, du khách có thể theo hai con đường, một là đi bộ lên 220 bậc xi măng; hai là từ dưới đường chạy xe thêm một đoạn sẽ thấy con đường dành cho xe đi thẳng lên núi. Riêng những bậc làm bằng xi măng này được các chư tăng xây đắp lên từ năm 1971. Thường thì du khách sẽ chọn phương án đi bộ lên núi theo những bậc tam cấp để vừa đi vừa vãn cảnh và có thời gian để chiêm nghiệm trong không gian thoáng đãng của hàng cây tỏa bóng mát hai bên.

Con đường gồm 220 bậc tam cấp dẫn lối lên chùa Châu Thới quanh năm rợp bóng cây xanh mát.


Cổng tam quan chùa Châu Thới.

Tượng Quan âm Bồ tát lộ trên tòa sen cao tới 22,5m ở sân chùa.

Tượng Đức Phật tọa dưới gốc bồ đề và các đệ tử.

Gian thờ Phật Bà Quan âm.

Tượng rồng vàng khổng lồ trong thế lưỡng long tranh châu bao quanh sân chùa.

Chùa Châu Thới được coi là ngôi chùa cổ nhất Bình Dương.

Chùa Châu Thới là một quần thể có nhiều hạng mục công trình kiến trúc đặc sắc về Phật giáo.

Hình tượng rùa vàng và bia đá trong sân chùa Châu Thới.

Hình tượng rồng khảm sành theo lối cung đình trang trí trên mái chùa.

Các tháp cốt, nơi chứa tro cốt các vị cao tăng đã quá cố của nhà chùa.

Chùa Châu Thới là điểm tham quan, tín ngưỡng nổi tiếng của tỉnh Bình Dương. 

Khuôn viên chùa Châu Thới rộng rãi với rất nhiều tượng Phật xen lẫn trong bóng cây cối xanh mát. Giữa sân chùa có một bức tượng Quan âm Bồ tát ngự trên tòa sen cao tới 22,5m, nặng trên 100 tấn. Đây chính là pho tượng cao nhất của tỉnh Bình Dương hiện nay.

Ngoài ra, chùa Châu Thới hiện lưu giữ 55 hiện vật cổ có giá trị, tiêu biểu như 2 bộ tượng cổ Thập bát La Hán và Thập điện Diêm Vương bằng đất nung, tượng Bồ tát Quán thế âm bằng gỗ mít hàng trăm năm tuổi, tượng Bà Chúa Xứ bằng đá xanh, 3 pho tượng Phật bằng đá có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18... Trong chùa còn có một đại hồng chung nặng 1,5 tấn, cao 2m, được đúc từ năm 1988 theo mẫu ở chùa Thiên Mụ (Huế), và một chiếc đại hồng chung bằng đồng được đúc năm 2003 với trọng lượng khoảng 5 tấn.

Với vẻ cổ kính, địa thế độc đáo cùng nhiều giá trị văn hóa của mình, chùa Châu Thới đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia vào năm 1989. Từ chùa Châu Thới phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ thấy thấp thoáng cảnh Tp. Hồ Chí Minh, thành phố Biên Hoà, thị xã Thủ Dầu Một và dòng sông Đồng Nai quanh co uốn khúc.


Chùa Châu Thới là nơi từng diễn ra triển lãm xá lợi của Đức Phật, chư vị đại đệ tử cùng 500 vị La Hán vào năm 2009. Đây là sự kiện hiếm có và thiêng liêng với các Phật tử Việt Nam. Sau triển lãm tại chùa Châu Thới, các viên xá lợi đã được mang đi triển lãm tại nhiều nước trên thế giới và cuối cùng được vĩnh an tại Tây Tạng.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét