25 thg 6, 2017

Xứ Đoài đệ nhất đình So

Với một địa thế phong thủy độc đáo cùng nét kiến trúc cổ tiêu biểu, đình So (làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) được mệnh danh là ngôi đình cổ đẹp nhất xứ Đoài khi đã trải qua tuổi đời hơn 350 năm. 

Địa danh xứ Đoài là tên gọi của tỉnh Sơn Tây (cũ), một trong 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (từ năm 1831) bao gồm diện tích của tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, phía Bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội ngày nay. Bởi vậy, tuy hiện tại địa danh xứ Đoài không còn nữa nhưng với một vùng diện tích rộng lớn, địa danh này có hàng trăm ngôi đình cổ, mà trong số đó đình So được mệnh danh là “đệ nhất” đình của xứ Đoài. Điều đó cho thấy vị thế quan trọng của ngôi đình này trong kho tàng kiến trúc cổ của vùng Bắc Bộ xưa.

Kiến trúc của đình So được các nhà nghiên cứu đánh giá và công nhận là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực nhất. Đình thờ tam vị Nguyên soái Đại Vương, là các vị tướng đã theo vua Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn 12 sứ quân (giữa thế kỷ X).

Đình So nằm tại làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội, đình có tuổi đời hơn 350 năm.


Tam quan đình So.

Rồng đá hai bên bậc thềm dẫn vào cửa đình.

18 bậc đá xanh dẫn lên cổng tam quan đình So.

Đình So thờ tam vị Nguyên soái Đại Vương là các vị tướng có công theo phò trợ vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.

Bộ nghi trượng hai bên án thờ tại gian chính điện đình So.

Những nét chạm khắc tinh xảo hai bên cửa đình So.

Cửa vào chính điện đình So.

Một góc mái phía Nam của đình So.

Bốn góc đình So đều có đầu cong tạo dáng mềm mại, đẹp mắt.

Tất cả những đầu vì kèo ở đình So đều được chạm khắc rồng phượng tinh xảo, đẹp mắt.

Đình có tổng cộng 64 cột gỗ lim lớn nhỏ với chân cột làm bằng đá xanh kiên cố và bề thế.

Những cánh cửa bức bàn bằng gỗ lim có tuổi đời hơn 350 trăm năm chạy khắp 3 mặt đình So.

Kỹ thuật chạm nổi (trên) và chạm lộng (dưới) tinh xảo trên các cấu kiện gỗ của đình So. 

Đình So là nơi tổ chức ba lễ hội lớn trong năm của người dân xã Cộng Hòa là Hội làng diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8/2 âm lịch, Lễ khao quân tổ chức vào ngày 10/7 âm lịch và ngày Thánh hóa được tổ chức vào ngày 10/12 âm lịch.
Hiện chưa biết chính xác đình So được khởi dựng từ bao giờ. Theo sách "Sơn Tây tỉnh địa chí" xuất bản năm 1941 của tác giả Phạm Xuân Độ, đình So được tôn tạo và tu sửa vào năm 1673, dưới thời vua Lê Gia Tông. Còn theo như theo văn bia "Tu sáng Hoa đình bi ký" khắc vào năm Dương Đức thứ 3 (1674), hiện còn dựng tại đình, thì đình này được tu bổ và tôn tạo vào năm Quý Mão (1663). Văn bia cho biết ngày khởi công tu tạo là ngày 27 tháng 7 năm Quý Mão, hơn hai tháng sau công việc hoàn thành. Ngôi đình đã trải qua 4 lần trùng tu nữa vào các năm 1743, 1924, 1928, 1953. Quy mô hiện nay của đình là kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc trên diện tích 1.100m2. Tổng cộng tất cả toà ngang dãy dọc của đình là 55 gian, với 64 cột lớn nhỏ.

Trải qua năm tháng, ngôi đình vẫn giữ được những nét đẹp tinh xảo và cổ kính. Đình nằm gối lên núi Rùa, trước mặt là đê sông Đáy đã được nắn dòng tạo thành hình như một hồ nước hình bán nguyệt.

Cổng tam quan có kiến trúc 2 tầng, 3 gian, 4 mái, hai bên là hai lối cửa nhỏ để ra vào. Các họa tiết trang trí và chạm khắc trên nóc tam quan vẫn còn giữ được nguyên vẹn, vô cùng đẹp và tinh xảo. Đặc biệt là hình ảnh lưỡng long triều nguyệt ở phía trên cao cùng bốn linh thú dưới chân những cột gỗ cực kỳ uy nghi.

Qua cổng tam quan là đến tam môn của đình. Tam môn rộng 54m2, ở bốn góc có đầu đao cong tạo dáng mềm mại. Đình có tất cả 7 gian, 2 chái, 4 mái rộng lợp ngói. Bên trong đình có 32 cột gỗ lim lớn nhỏ xếp thành 6 hàng ngang. Sau điện thờ là “cung” chỉ mở cửa mỗi khi vào dịp lễ hội của đình. Mặt sàn trong đình được làm bằng gỗ lim.

Trong đình hiện còn giữ được 40 đạo sắc phong thần từ năm Hoằng Định 2 (1601) thời nhà Lê đến năm Khải Định 9 (1924) thời nhà Nguyễn, cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ. Bởi vậy, năm 1980, đình So đã được Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia cần được bảo tồn.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét