4 thg 6, 2017

Nhà thờ Làng Sông - Bức họa tuyệt đẹp giữa ruộng đồng

Bình Định được coi là nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ quốc ngữ. Nhà thờ Làng Sông (ở xã Phước Thuận, H.Tuy Phước) là một trong 3 cơ sở in sách quốc ngữ tại Việt Nam.

Kiến trúc Gothic nổi bật của nhà thờ


Nhà thờ cổ đẹp tựa bài thơ
Cách trung tâm TP.Quy Nhơn chừng hơn 10 km, đi qua một đoạn đường vòng vèo thơm ngát mùi lúa trổ đòng, nhà thờ Làng Sông hiện ra giữa những tán cây sao hàng trăm năm tuổi đang hát bài thánh ca trong gió sớm.

Nhà thờ có vẻ ngoài cổ kính, đậm chất kiến trúc Gothic châu Âu với những đường nét kiểu vòm nhọn và có nhiều cửa sổ. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là khuôn viên nhà thờ rộng chừng 2.000 
m2 với hàng cây sao hơn 200 năm tuổi. Dưới những tán cổ thụ, từng bầy chim ríu ran chuyền cành đón chào ngày mới. Vì vẻ đẹp vừa nên thơ, vừa cổ kính giữa thiên nhiên hữu tình, nhiều cặp đôi đã chọn nơi này làm địa điểm chụp hình cưới. Chỉ riêng tường rào bao bọc xung quanh nhà thờ thôi đã khơi gợi cho các tay máy, nhiếp ảnh gia rất nhiều cảm xúc. Nhiều du khách đến Bình Định, cũng đã tìm đến nhà thờ Làng Sông, coi đó là một địa chỉ không thể bỏ qua. 

Một cặp đôi chụp hình cưới trong khuôn viên nhà thờ Làng Sông . Ảnh: Tâm Ngọc 

Ngược dòng lịch sử, cách đây gần 400 năm, Cristophoro Borri, giáo sĩ Dòng Tên người Ý đã viết trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 thuật lại chuyện ông được viên quan trấn phủ Quy Nhơn đón tiếp nồng hậu, cho phép xây dựng nhà thờ để truyền đạo. Và điểm đầu tiên khi các giáo sĩ cập bến là cảng Nước Mặn (Tuy Phước, Bình Định) vào năm 1618, được một quan phủ Quy Nhơn cho phép vào giảng đạo. Sau này, việc đi lại giao thương ở cảng Nước Mặn không thuận tiện nên cơ sở truyền giáo chuyển về Làng Sông. Khoảng năm 1862, giám mục người Pháp Stephano Cuénot cai quản giáo phận Đàng Trong giao cho linh mục Phaolô Châu coi sóc nhà thờ Làng Sông.

Từ con đường giao thương thủy bắt đầu từ đầm Thị Nại, các tàu buôn ngược sông Côn lên thượng nguồn, đến tận vùng núi Tây Sơn thượng đạo, một phần thuộc Vĩnh Thạnh ngày nay để tiếp tục chuyển hàng hóa lên vùng Tây nguyên. Các giáo sĩ truyền giáo cũng theo con đường này đi truyền đạo, và nhà thờ Làng Sông là một di tích còn lại của những giáo sĩ truyền giáo Bồ Đào Nha khi đặt chân lên vùng đất Bình Định.

Linh mục Nguyễn Quang Báu (người trông coi tiểu chủng viện Làng Sông) năm nay đã gần 90 tuổi, bắt đầu vào học tại tiểu chủng viện Làng Sông từ năm 12 tuổi, sau 4 lần chuyển đi rồi chuyển đến, năm 1998, linh mục Báu về ở hẳn đây cho đến ngày nay. Ông cho biết, chưa có một tài liệu nào ghi chính xác năm thành lập tiểu chủng viện Làng Sông, nơi có nhiệm vụ ươm trồng, đào tạo các chủng sinh. Sau khi hoàn thành học tập ở tiểu chủng viện, các chủng sinh sẽ tiếp tục học tại đại chủng viện để trở thành linh mục.

Cũng theo linh mục Nguyễn Quang Báu, ban đầu, tiểu chủng viện Làng Sông chỉ là nhà mái tranh, vách phên tre. Kiến trúc của tiểu chủng viện Làng Sông còn đến ngày nay được khánh thành vào năm 1927. Nhà nguyện của tiểu chủng viện là một kiến trúc kiểu Gothic, có 3 cửa tiền quay mặt về phía nam và 8 cửa đông, 8 cửa tây được chạm trổ rất công phu. Nằm đối xứng với nhà nguyện là hai dãy nhà lầu được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu Pháp với những ô cửa vòm ở ban công, hành lang dài và những hàng cột thẳng tắp. Phía trước chủng viện dành cho sân cỏ và những hàng cây sao, sân sau được chia thành những ô vuông để trồng rau, trồng hoa. 

Nhà thờ Làng Sông giữa hàng sao hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Lê Hồ Bắc 

“Cái nôi” của chữ quốc ngữ

Theo linh mục Võ Đình Đệ (Tòa Giám mục Quy Nhơn), tiểu chủng viện Làng Sông và cơ sở truyền giáo Nước Mặn (cách nhau khoảng 10 km) là 2 nơi gắn với sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ. Cơ sở truyền giáo Nước Mặn ngày xưa tọa lạc tại vườn nhà ông Võ Cự Anh ở thôn An Hòa (xã Phước Quang, H.Tuy Phước), nhưng kiến trúc cũ không còn. Năm 2011, Tòa Giám mục Quy Nhơn xây dựng hòn non bộ, có bia đá khắc dòng chữ ghi nhớ về 3 linh mục Dòng Tên, gồm: Francesco Buzomi (người Ý), Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), Cristophoro Borri (Ý) và tu huynh António Dias (Bồ Đào Nha).

Theo sách Lịch sử chữ quốc ngữ (1620 - 1659) do linh mục Đỗ Quang Chính sưu tầm và biên soạn (ấn bản của tủ sách Ra Khơi - Sài Gòn 1972), đoàn thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Đà Nẵng vào ngày 18.1.1615 gồm có linh mục Francesco Buzomi, linh mục Diogo Carvalho và tu huynh António Dias nhưng sau đó lại lập cơ sở truyền giáo tại Hội An. Nước Mặn là cơ sở thứ hai được thành lập vào tháng 7.1618 và cơ sở thứ ba được thành lập tại Thanh Chiêm vào năm 1623. Trong bản tường trình hằng năm của Dòng Tên Nhật Bản do linh mục João Roiz biên soạn gửi về cho bề trên Dòng Tên ở La Mã dựa theo các báo cáo từ Đàng Trong khẳng định vào năm 1620 đã có 2 thừa sai phương Tây nói thạo tiếng Việt đó là linh mục Francisco de Pina và linh mục Cristophoro Borri.

Từ các tư liệu truyền giáo của Dòng Tên ở Đàng Trong để lại, linh mục Võ Đình Đệ khẳng định, linh mục Borri từ Macau đến và làm việc hẳn tại Nước Mặn vào năm 1618 đến khi ra khỏi Đàng Trong vào năm 1622. Cuốn Xứ Đàng Trong của Christoforo Borri được xem là một trong những tài liệu đầu tiên có dùng chữ quốc ngữ ở giai đoạn thô sơ, chủ yếu là các chữ phiên âm về địa danh, danh từ... Linh mục Francisco de Pina đến Hội An năm 1617, trong thời kỳ các thừa sai bị chúa Nguyễn trục xuất, ông phải ẩn trú dưới sự giúp đỡ của các giáo hữu người Nhật và chỉ tiếp xúc, học được tiếng Việt khi làm việc tự do tại Nước Mặn từ 1618 - 1620. Trong khoảng thời gian từ năm 1620 - 1623, ông đi về giữa Nước Mặn và Hội An.

Linh mục Francisco de Pina có 2 “học trò” học tiếng Việt là Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, đây là những người đầu tiên viết 2 cuốn từ điển Việt - Bồ - La và Bồ - Việt (viết tay, chưa được xuất bản) để tại nhà thờ San Pauli ở Macau. Linh mục Alexandre de Rhodes (còn gọi là Đắc Lộ), người được ghi nhận là đã soạn và cho xuất bản 2 cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên, đến Đàng Trong năm 1624, có học tiếng Việt với linh mục Francisco de Pina tại Thanh Chiêm và với một người Việt khoảng 13 tuổi. Đến năm 1665, Alexandre de Rhodes đã xuất bản quyển từ điển Việt - Bồ - La, đây là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên trên thế giới.

Ngày nay, trong khuôn viên tiểu chủng viện Làng Sông còn có nền móng của nhà in Làng Sông. Nhà in này do Đức cha Eugène Charbonnier Trí thành lập. Đây là một trong 3 nhà in sách quốc ngữ đầu tiên ở VN, gồm: nhà in Tân Định (Sài Gòn), nhà in Ninh Phú (Hà Nội) và nhà in ở tiểu chủng viện Làng Sông. Tuy nhiên, nhà in này bị đốt phá năm 1885, dưới thời Cần Vương chống Pháp. Năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết và được giao cho linh mục Paul Maheu làm giám đốc. Trong năm 1922, dưới sự điều hành của linh mục Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm (bán nguyệt san) được 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương. Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến khoảng năm 1936, khi được dời về Quy Nhơn.

Tâm Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét