14 thg 6, 2017

Chuyện bánh cóng

Hổng phải tui cố ý, nhưng ngẫu nhiên mà mấy bài viết gần đây toàn nói về đồ ăn Nam bộ, và đều là phát âm không gõ gàng - ủa lộn, rõ ràng - về tên món ăn, thậm chí là sai chánh tả. Như là cá rô bí đọc thành cá gô bí (đọc r thành g), rồi tới món bún mà chả biết viết đúng là bún gỏi và - dà hay già (đọc lẫn lộn v - d - gi), và bánh tằm đọc thành bánh tầm (ă, â không phân biệt). Hic, giờ lại nói tới một món bánh mà thường được đọc lẫn lộn bánh cóng hoặc bánh cống (o, ô không phân biệt).

Bánh cóng (hoặc cống) là một món ăn khá quen thuộc ở miền Tây Nam bộ (Sài Gòn cũng có, bởi vì Sài Gòn thứ gì cũng có). Bánh được làm từ bột gạo, thịt heo, hành lá xắt nhỏ, đậu xanh luộc chín trộn đều với nước dừa, cho gia vị muối, đường, bột ngọt vào..., đổ bột và các gia vị trên vào một cái khuôn, để một hai con tép đất trên mặt rồi cho vô chảo dầu đang sôi ngập mặt bánh đến khi chín vàng thì vớt ra. Bánh ăn với rau sống, chấm nước mắm chua ngọt.

Lần đầu tiên tui ăn bánh cóng là ở Long Xuyên, ăn ở nhà người bà con, và họ kêu nó là bánh cống. Bánh đây nè.


Bánh này làm tại nhà, hơi đơn giản (thiếu tôm), nhưng cũng ngon lắm.

Lần kế tiếp là ăn ở Cần Thơ, một quán bánh cóng nổi tiếng, trên bảng hiệu họ cũng ghi là bánh cống.

Ảnh: Foody

Nhưng cũng ở lần này, anh Lâm văn Sơn (dân Cần Thơ chính hiệu) nói rằng phải gọi là bánh cóng (không có ô) mới đúng, vì cái vật dùng để đổ bánh gọi là cái cóng.

Đây là cái cóng

Bánh đó đây nè:


Coi như ta chấp nhận chữ viết đúng là bánh cóng đi nha.

Người ta nói rằng bánh cóng xuất xứ từ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng và bánh cóng Đại Tâm là ngon nhứt nước. Từ Sóc Trăng đi theo quốc lộ 1A về hướng Bạc Liêu khoảng 8 km là tới Đại Tâm. Ở đây dọc theo quốc lộ có rất nhiều chỗ bán bánh cóng. Đây là một chỗ mà tui đã ghé vô ăn để biết bánh cóng Đại Tâm ngon tới cỡ nào.


À, ở đây ghi đúng là bánh cóng rồi, không phải cống.

Bánh cóng ở nơi này đây:




Ngoài việc các nguyên liệu được chọn lọc (bột gạo, đậu xanh, thịt heo, tôm đất) và các gia vị khác được nêm nếm hợp lý, cái bánh cóng ngon còn ở kỹ thuật chiên sao cho vừa giòn, xốp, không cứng và cũng không bở. Chiên bằng dầu nhưng ít cái vị béo của dầu. Bánh còn ngon bởi nước chấm pha chế đúng điệu nữa (nước mắm ngon pha chanh, tỏi, đường, cà rốt, đu đủ bào...). Rau ăn kèm thì có xà lách, rau thơm, khế chua, chuối xanh, dưa leo...

Bánh nóng hổi, thơm lừng. Cuốn với rau chấm nước mắm, cắn một cái giòn rụm, vị đậu xanh bùi bùi chen lẫn với bột gạo, thịt, tôm... cùng với nước chấm ngọt, chua, cay... Theo ý bạn thì có ngon không?

Tui thì thấy quá ngon, lại rẻ nữa, có 8.000 đ một cái thôi.

Còn hỏi rằng bánh cóng Đại Tâm có đúng là ngon hơn bánh cóng ở các nơi khác không à? Ờ, hổng biết nữa. Bánh cóng Đại Tâm ngon, nhưng bánh cóng Cần Thơ cũng ngon, bánh cóng nơi khác thì chưa ăn nên chưa biết, nhưng chắc là... cũng ngon luôn!

Ngoài Bắc họ phát âm lẫn lộn lờ - nờ, trờ - chờ..., tui cười, nói là ngọng níu ngọng no. Còn miền Nam mình phát âm sai tùm lum (mà ở trên chỉ là vài ví dụ nhỏ) thì tui cũng cười, nói là... dễ thương. Sao kỳ vậy ta? Có phải là thiên vị hông?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét