12 thg 6, 2017

Cận cảnh cây bạch mai cổ thụ 300 năm tuổi nổi tiếng miền Tây Nam bộ

Gọi là bạch mai nhưng không giống như mai trắng, mai vàng. Không cần lẩy lá, mỗi năm hoa vẫn nở rộ vào dịp Tết Nguyên tiêu.

Mỗi năm bạch mai nở một lần vào dịp Tết Nguyên tiêu. Ảnh chụp lại ảnh tư liệu của đình Phú Tự. 

Từ trung tâm TP.Bến Tre theo tỉnh lộ 885 đi về hướng huyện Giồng Trôm chừng 3 cây số, tới ngã ba, rẽ trái vài trăm mét vào con đường nhựa sẽ gặp ngôi đình cổ Phú Tự, tọa lạc trên một khu đất rộng gần 1 hecta thuộc ấp Phú Hào, phường Phú Hưng. 

Ngoài việc ghi dấu thời mở cõi của tiền nhân đi khẩn hoang, lập ấp, ngôi đình này được nhiều người biết đến vì sự hiện diện của cây bạch mai cổ thụ độc đáo ngay trước sân, mà người xưa còn gọi là “thần mai” đã 300 năm tuổi. 

Cây bạch mai cổ thụ 300 năm có tán lá sum suê. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG 

Đình Phú Tự thờ Thành hoàng bổn cảnh, được vua Khải Định phong sắc vào năm 1918. Mặc dù chưa có tài liệu nào xác định thời gian xây dựng ngôi đình, nhưng theo các bậc cao niên ở địa phương, ngôi đình được xây dựng trước khi được sắc phong khá lâu. 

Lúc đầu, ngôi đình được làm bằng tre lá đơn sơ do lưu dân đến khai hoang lập làng dựng lên để làm nơi thờ cúng các bậc tiền hiền, cầu cho mưa thuận gió hòa. Dần dần đình được mở rộng to hơn. 


Ông Tống Văn Minh, người phụ trách việc trông coi đình Phú Tự cho biết, ông bà truyền miệng lại rằng xưa kia khuôn viên đình là một giồng đất cao ráo và cây bạch mai đã có trước sân đình từ khi mới thành lập, đến nay đã 300 năm. 

Gọi là bạch mai nhưng nhìn từ xa trông giống như cây gừa, cây sộp, bởi tán cây rất lớn và từ thân đến lá, hoa đều không có chút gì giống với loài mai vàng hoặc mai trắng thông thường. Đó là một cây cổ thụ thân sần sùi, cành lá rườm rà.
Hiện thân cây chính không còn nhưng từ gốc cây cũ đã mọc ra nhiều thân lớn, nhỏ, có thân to cả ôm tay người lớn, vươn dài ra 5-7 mét xòe ngang mặt đất tạo thành tán rộng mấy chục mét vuông. 


Ngoài ra, cũng không giống như mai vàng mỗi năm được lẩy lá một lần và trổ hoa vào dịp Tết Nguyên đán, cây bạch mai này không cần phải lẩy lá nhưng cũng trổ hoa một lần vào vào Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng) và kéo dài đến tháng hai âm lịch. 

Trước khi trổ hoa, lá cây tự rụng dần rồi từ trong thân và cành nhú ra những chùm nụ màu xanh, tròn, to gần bằng trái sung. Những nụ hoa ấy bắt đầu nở ra những bông hoa 4 cánh trắng tinh với chùm nhụy vàng và tỏa ra mùi thơm dịu, lan tỏa cả một vùng, thu hút nhiều loài ong tới lấy mật.
Trong những ngày hoa nở rộ, tán cây toàn một màu trắng tinh khôi. Người xưa cho rằng đây là “vùng phước địa nên sinh xuất kỳ hoa dị thảo”.

Khi hoa nở rộ thu hút nhiều loài ong đến lấy mật. Ảnh chụp lại ảnh tư liệu của đình Phú Tự. 

Theo ông Tống Văn Minh, điều đặc biệt là cây bạch mai này thường không kết trái. Vì vậy, có người muốn nhân giống phải sử dụng phương pháp chiết cành nhưng không thành công vì cành không ra rễ. Hằng năm vào mùa hoa nở, người dân địa phương đem vải bạt đến lót quanh gốc cây để lấy hoa mai rụng về phơi khô nấu nước uống, xem như một loại trà, có mùi thơm rất thú vị. 


Hiện nay, tại đình Phú Tự còn 4 câu thơ xưa nói về cổ thụ bạch mai: “Khí thiêng hun đúc bạch mai thần. Phú Tự đình xưa bóng rợp sân. Xuân trổ ngàn hoa đơm trắng phếu. Đông đâm muôn lộc phủ trong ngần”. 



Hoàng Phương 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét