12 thg 6, 2017

Đến Xuân Giang ăn rêu đá

“Thay mặt nhân dân tỉnh Hà Giang, chào mừng các vị khách từ miền Nam đến Xuân Giang, một xã miền núi thuộc huyện Quang Bình, nằm cách thành phố Hà Giang gần 100 km.

Hôm nay, đón mừng những khách phương xa, khu nhà Tày sẽ mời quý vị thưởng thức món rêu đá, một đặc sản rất riêng của người Tày và cũng là món ngon chỉ có ở Xuân Giang đấy ạ”.
 


Lời giới thiệu đầy dí dỏm của Kiên - cậu hướng dẫn viên du lịch vui nhộn đã làm cả nhóm phấn chấn hơn khi xe đang bon bon trên cung đường dẫn vào một homestay mang đậm dấu ấn dân tộc Tày nằm lơ lửng bên một triền núi xanh xanh lá biếc.


Ảnh: Dương Thủy

Khi homestay hiện ra trước mặt, ấn tượng đầu tiên là hai cô gái Tày xinh xắn trong trang phục dân tộc bưng trà mời khách, đẹp đến nao lòng…

Sau một hồi dạo chơi, thay trang phục Tày để chụp hình lưu niệm, chúng tôi bắt đầu lân la vào bếp để được tận mắt xem cô bếp trưởng người Tày làm món rêu đá, một đặc sản rất riêng của Xuân Giang để chiêu đãi khách phương xa.
Anh Căn - chủ homestay chia sẻ: Rêu đá là món ăn gia truyền của người Tày tại khu vực Xuân Giang. Thuở xưa, vào mùa đông tháng giá, cây cỏ, rau màu bị sương muối và tuyết phủ trắng nên chết rụi hàng loạt. Lúc bấy giờ, các cư dân phải lặn lội tại các đầu suối để vớt rêu bám chi chít trên các tảng đá nằm trong mạch nước chảy mà ăn.
Hôm nay, biết chúng tôi sẽ dùng bữa chiều tại Xuân Giang, từ sáng sớm, anh Căn đã nhờ vài cư dân tìm rêu tại khu vực đầu suối cách nhà chừng mươi ki lô mét.
Đem rêu về nhà, vợ anh đãi và rửa rêu cho thật sạch. Kế tiếp, cô dùng kéo cắt rêu rồi bỏ vào cối giã cho dập, rồi nêm thêm gia vị như muối, lá bột ngọt, hạt dổi, rau răm, rau húng cùng vài tép sả băm nhỏ. Cẩn thận gói rêu vào lá sen hoặc lá dong, cô nướng rêu trên lửa than ui ui và trở mặt lá cho đều, khi thấy khói trắng bốc hơi, dùng que xăm gói rêu, cô nhón một miếng nhỏ mời tôi nếm thử.

Dương Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét