26 thg 6, 2017

Gỏi cà đắng cá cơm

Tây Nguyên không chỉ có núi rừng hùng vĩ, sông hồ thơ mộng, con người hiền hòa mà có cả những món ăn đậm chất dân tộc. Trong đó có món gỏi cà đắng cá cơm, một món độc đáo được coi là “hương biển giữa rừng”.

Trước khi đến Tây Nguyên thưởng ngoạn, những người bạn từng đi bảo: “Lên đó cậu nhớ dùng thử món gỏi cà đắng cá cơm, ngon lắm đấy!”. Thực sự tôi chưa nghe qua món này nên ngẩn ngơ. Nhưng khi đến nơi, thưởng thức và cảm nhận món ăn, tôi mới biết nó không còn là lời đồn nữa mà phải nói trên cả tuyệt vời.

Cà đắng (còn gọi Prền Bơtang, Sơre Prền, Đưng Prền) là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, sau này được đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên mang về trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm. Quả cà đắng giống cà pháo nhưng nhỏ hơn, có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt có vị đắng rất đặc trưng. Người dân tộc Ê Đê, K’Ho, Chu Ru… thường dùng cà đắng để chế biến thành nhiều món ăn độc đáo và hấp dẫn, trong đó có món “gỏi cà đắng cá cơm”. Tuy nhiên, để thưởng thức món gỏi cà đắng cá cơm đúng chất cần phải đến Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Tất nhiên, cá cơm là loài hải sản, chẳng có ở núi rừng Tây Nguyên. Nhưng ngộ ở chỗ, mang khô cá cơm ở vùng biển trộn với gỏi cà đắng ở núi rừng lại trở thành món ăn ngon đáo để.



Cách chế biến món này cũng khá đơn giản. Cà đắng tươi thái lát mỏng, ngâm trong nước pha tí chanh muối cho cà trắng và bớt chất chát. Để cà giòn dai, nên ngâm thêm với đá viên trong một giờ. Cá cơm cần đem ngâm với nước ấm trong vài phút cho mềm và bớt chất tanh. Sau đó móc ruột đen, tách lấy xương (nếu là loại khô cá cơm nhỏ, sạch thì không cần). Mang khô cá cơm đã sơ chế lên chảo rang cho dậy mùi, nêm nếm gia vị vừa ăn.

Đến công đoạn làm nước chấm, quyết định sự thành công của món ăn. Bởi nước chấm dùng để rưới lên gỏi, cùng với nước cốt chanh (có thể dùng giấm thay thế). Để làm nước mắm ngọt ngon thì băm tỏi, ớt nhuyễn cho vào tô. Rót nước mắm ngon vào đấy. Cắt nửa trái chanh, vắt vào chén cùng với bột nêm và đường. Sau đó lấy độ hai muỗng nước sôi chế vào cho tan hỗn hợp đó. Đổ vào tô nước mắm khuấy đều lên. Nếu mặn thì cho thêm một muỗng nước sôi nữa.


Khi đã hoàn tất công đoạn đầu, cho tất cả hỗn hợp vào thau và bắt đầu trộn với nước cốt chanh. Tùy vào khẩu vị của mỗi người mà cách nêm chua, ngọt, nhạt khác nhau. Nhưng cần lưu ý, nên nêm nếm nhẹ một tí, bởi khi trộn gỏi, vị chưa thấm đậm vào bên trong. Món ăn đơn giản nhưng lại chất chứa hồn dân tộc của người bản địa. Vị chát nhẹ và giòn giòn của cà đắng, vị ngọt dai của khô cá cơm hòa quyện vào vị mặn chua của nước mắm và chanh tạo cho món ăn thêm phần đặc sắc. Món này có thể ăn chơi, ăn với cơm dùng kèm rau sống. Nhưng trên hết vẫn là ăn với bánh đa. Bẻ một miếng bánh đa, đặt một ít gỏi vào và đưa lên miệng nhai, cảm giác giòn tan trong miệng thật thích thú.

Giữa cái lạnh của miền rừng núi Tây Nguyên, dùng gỏi cá đắng cá cơm, nhấp một tí rượu Amakong, rượu cần thì còn gì bằng.

Nguyễn Hoàng Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét