21 thg 6, 2017

Lễ Dâng y Kathina

Lễ Dâng y Kathina theo quan niệm của Phật giáo Nam Tông là việc Phật tử dâng y áo (áo cà sa) và các vật phẩm lên các nhà sư để thể hiện sự gắn bó, bền chặt. Lễ hội độc đáo này vừa được tổ chức tại chùa Khmer ở Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam thu hút đông đảo Phật tử mọi miền tổ quốc tham gia. 

Kathina – theo ngôn ngữ kinh điển của Phật giáo Nam Tông, dùng trong việc chép kinh cùng tụng niệm thì có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Lễ dâng y của Phật tử người Khmer sẽ gieo nhiều phúc đức và việc người nhận y áo là các nhà sư, sẽ viên mãn trong quá trình tu hành.

Trong truyền thống văn hóa Khmer, trong năm mỗi chùa sẽ tổ chức đại lễ Dâng y Kathina một lần vào bất cứ ngày nào trong vòng một tháng ngay sau mùa an cư kiết hạ (thời gian 3 tháng sư tăng tập hợp tại một ngôi chùa để chuyên tâm tu học) kết thúc. Nghi lễ Dâng y của Phật giáo Nam Tông Khmer do một Phật tử đứng đầu khởi xướng và thông báo với các nhà sư về thời gian tổ chức lễ để nhận y.

Trong không khí kết thúc mùa an cư kiết hạ năm nay, Lễ Dâng y Kathina thu hút không chỉ bà con Phật tử Khmer Nam Tông ở miền Nam mà cả những Phật tử ở miền Bắc từ các tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Nam Định.... cũng hội tụ về ngôi chùa Khmer ở Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Trước khi bắt đầu buổi Lễ, các nhà sư và Phật tử diễu hành 3 vòng, rước y phục và các vật phẩm như thuốc men, hoa quả… xung quanh chùa. Sau đó Lễ Dâng y Kathina được thực hiện trang nghiêm trong Chánh điện. Một nhà sư đại diện sẽ giảng giải về ý nghĩa Lễ Dâng y và tụng kinh chúc phúc các gia đình Phật tử. 

Lễ Dâng y Kathina tổ chức tại chùa Khmer ở Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam, là ngày lễ lớn và quan trọng của những Phật tử theo Phật giáo Nam Tông.

Phật tử mặc những trang phục đẹp nhất tụ tập về chùa Khmer để chúc mừng nhà sư sau ba tháng cấm túc, chuyên lo tu học (ba tháng kiết hạ) trong ngày Lễ Kathina.

Phật tử chúc mừng các nhà sư sau ba tháng kiết hạ.

Phật tử chuẩn bị những bó hoa đẹp để dâng lên chùa trong ngày Lễ Dâng y.

Trong ngày Lễ Kathina, các Phật tử lên chùa dâng y phục và những vật dụng nhằm đề cao sự tương trợ trong việc tu tập, chia sẽ khó khăn và tri ân với những người xuất gia.

Một quy định bắt buộc trong Lễ Dâng y Kathina đó là việc dâng y được thực hiện tại chùa. Đồ vật cúng dường được Phật tử dâng lên, đặt tại chùa và không dâng trực tiếp cho nhà sư.

Một mâm đồ chay được dâng lên chùa trong ngày Lễ Kathina.

Người dân đội đồ cúng dường trên đầu và rước những y phục dâng lên chùa.

Trong tâm niệm của tín đồ theo Phật giáo Nam Tông, cúng dường sẽ tạo nên nhiều duyên lành.

Lễ Dâng y được tổ chức long trọng, trang nghiêm trong Chánh điện.

Phật tử tập trung trong Chánh điện với những đồ cúng dường nhằm tri ân với những người xuất gia.

Lễ Kathina không chỉ là dịp để Phật tử tri ân công đức với nhà sư mà còn là dịp người xuất gia nhớ về công đức của những người cư sĩ tại gia cúng dường cho nhà chùa.

Những nhánh hoa đẹp nhất dâng lên ban thờ Phật trong Lễ Kathina.

Những nhà sư cùng đọc kinh cảm tạ Phật tử trong ngày Lễ.

Sau khi làm Lễ tại Chánh điện, những nhà sư thực hiện Lễ khất thực có truyền thống hơn hai ngàn năm của Phật giáo Nam Tông.

Người Khmer quan niệm, Lễ Kathina như một ngày hội lớn của cộng đồng.

Đại Lễ dâng y mang lại sự an lạc cho tất cả mọi người theo Phật giáo Nam Tông. 

Trong ngày Lễ, các Phật tử dâng lên chùa không chỉ y áo mà còn có các lễ vật thiết yếu phục vụ việc sinh hoạt của các nhà sư. Lý giải về ý nghĩa của chiếc áo cà sa trong Lễ, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Lễ Dâng y Kathina trong Phật giáo Nam Tông thể hiện được đầy đủ ý nghĩa của Lễ Dâng y được lưu truyền từ thời đức Phật còn tại thế. Áo cà sa được làm theo như hình khu ruộng. Khi các Phật tử cúng dường áo cà sa cho nhà chùa, thì sẽ được nhiều phúc đức, nên mới còn gọi áo ấy là phước điền y”.

Khi tham gia ngày Lễ, những Phật tử miền Bắc cũng hiểu biết sâu hơn về hệ phái Phật giáo Nam Tông ở miền Nam. Lễ Dâng y Kathina không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp của đạo Phật mà còn tạo nên sự gần gũi và thân thiện trong cộng đồng người theo đạo Phật ở Việt Nam.

Bài: Thục Hiền - Ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét