9 thg 4, 2019

Bảo tàng trong tu viện cổ giữa rừng thông ở Đà Lạt

Công trình xây dựng năm 1949 mang nét kiến trúc Pháp, hiện được nhiều bạn trẻ tới tham quan, chụp ảnh. 

Viện sinh học Tây Nguyên nằm trên đồi Tùng Lâm, cách trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 7 km. Đây vốn là tu viện thuộc dòng Chúa cứu thế của Việt Nam, được sử dụng vào hoạt động nghiên cứu sau năm 1975. 


Công trình nằm giữa rừng, đường lên men theo triền dốc với hai hàng thông thẳng tắp. Tu viện xây dựng năm 1949 và hoàn thành sau ba năm. Khu nhà được thiết kế theo lối kiến trúc mới, với phong cách tu viện châu Âu. 

Khi xây dựng, tu viện là công trình bằng đá kiên cố thứ hai tại Việt Nam, sau nhà thờ Phát Diệm. Ngay chính giữa tòa nhà là cây Thánh giá với dòng chữ bằng tiếng Latin "Copiosa Apud Eum Redemptio", nghĩa là "Ơn cứu độ chứa chan nơi Người". 

Viện sinh học gồm 5 tầng với 120 phòng lớn nhỏ. Riêng tầng thứ hai làm bảo tàng chuyên về sinh thái. Bảo tàng có 7 gian trưng bày và 6 phòng lưu trữ. Từng gian phòng được chia thành nơi trưng bày các loài thuộc lớp thú, chim, bò sát, thảm thực vật... 

Bộ sưu tập nổi bật của bảo tàng là 386 mẫu thú thuộc 58 loài, trong đó có 38 loài quý hiếm đã được công bố trong sách Đỏ Việt Nam. 

Bên cạnh các loài thú, bảo tàng còn lưu giữ 245 mẫu của 95 loài chim; các mẫu của hơn 30 loài lưỡng cư, bò sát... Nhiều loài mang nét đặc trưng riêng của khu vực Tây Nguyên. 

Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày 245 mẫu nấm lớn của 240 loài thuộc khu vực rừng thông Lâm Đồng. 

Các tiêu bản đa dạng, trình bày sinh động từ những loài côn trùng đến muông thú. Một vài loài đã tuyệt chủng vẫn lưu giữ bộ xương hoàn chỉnh. 

Tiêu bản chim già đãy, một loài được xếp trong danh mục sách Đỏ động vật Việt Nam được trưng bày sinh động. 

Vẻ đẹp cổ kính của bảo tàng khiến nơi đây là điểm chụp hình cưới, "sống ảo" của nhiều du khách. Mỗi ngày, có hàng chục đôi đến đây lưu lại khoảnh khắc kỷ niệm. "Nơi này có không gian rộng rãi, yên tĩnh mà kiến trúc tựa như tòa lâu đài cổ kính châu Âu, rất hợp để chụp ảnh cưới. Khách cũng không mất phí chụp, chỉ phải mua vé vào cổng 15.000 đồng thôi", anh Thiện Chánh (thợ ảnh) cho biết. 
Ngoài ra, những hành lang sâu hun hút, cầu thang rêu phong, bức tường đá cổ điển... trở thành phông nền sáng tác ảnh độc đáo của giới trẻ. 

Quỳnh Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét