28 thg 4, 2019

Trứng kiến, món ăn dân dã của đồng bào Thái

Cứ vào trung tuần tháng 3 âm lịch, đồng bào vào rừng tìm tổ lấy trứng kiến về chế biến thành món ăn, tuy dân dã mà thơm ngon, trở thành đặc sản hiếm có.

Theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào Thái, con kiến thường làm tổ trên các cây cao như cây lay, cây loi, cây lạn là một loài cây rừng có lá to. Kiến sẽ cuốn các lá cây vào làm tổ đẻ trứng. 

Trứng kiến. 

Kiến có rất nhiều loài, nhưng bà con thường lấy trứng của 2 loại kiến: Loại thứ nhất là giống kiến bà con gọi là một hay. Loài này nhỏ, đít cong, đốt đau, ngứa. Khi mặt trời đỏ rực, kiến này thường làm tổ đẻ trứng ở các bụi cây lay, cây loi. Loại kiến thứ 2 bà con thường hay bắt là kiến một xổm xả (Theo cách gọi của bà con). Con này rất to có màu đỏ, trứng kiến cũng rất to. Kiến này thường làm tổ trên các cây có lá to, dễ quấn. Đến mùa, kiến một xổm xả tập trung làm tổ, kiến chúa đẻ rất nhiều trứng. Cả đàn kiến rất hung dữ, nếu có động cả đàn sẽ chạy ra để bảo vệ tổ của chúng. 

Trứng kiến được bán ở chợ. 

Vì thế, người lấy trứng kiến phải có nhiều kinh nghiệm, quan sát tỷ mỷ. Thường thì phải là ổ kiến tròn vo, không nhăn dúm mới là tổ có nhiều trứng kiến.

Ông Lường Văn Pản, ở bản Bó, phường Chiềng An, thanh phố Sơn La-người thường xuyên lấy trứng kiến cho biết: “Cắt tổ kiến, trứng kiến rơi xuống lá hoặc vải bạt hứng phía dưới. Sau đó, gõ cho con kiến trưởng thành bò ra. Người ta chặt lấy cành cây phủ lên trên trứng kiến để kiến trưởng thành bò lên. Khi kiến đã dày trên cành cây thì bỏ cành cây đó ra xa. Cứ tiếp tục làm như thế đến khi kiến trưởng thành hết, thì lấy trứng kiến mang về”. 

Trứng kiến hấp trứng rau thơm. 

Trứng kiến mang về bà con rửa sạch, nhặt đãi bỏ kiến đi, nếu không nhặt sạch sẽ bị hôi, cay. Trứng của kiến một hay nhỏ hơn nhưng ăn rất ngon, trứng của kiến một xổm xả to mọng hơn. Sau khi làm sạch bà con sẽ chế biến thành nhiều món ăn khác nhau tuỳ theo khẩu vị của từng người. Thường thì bà con cho trứng gà quấy đều với trứng kiến, cho gia vị như hành lá, rau thơm, mắm muối vừa đủ, sau đó cho vào chõ hấp cách thuỷ khoảng 45 phút là được, Khi chín món trứng kiến hấp trứng gà sẽ có mùi thơm của hành, rau thơm, ngậy bùi, thơm của trứng kiến quyện trứng gà.

Ngoài ra, trứng kiến còn có thể chế biến những món ăn khác nữa, như chị Quàng Thị Lợi ở bản Giảng, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La - người thường chế biến món trứng kiến cho gia đình khi vào mùa cho biết: “Trứng kiến của đồng bào Thái thường làm được nhiều món như: hấp với trứng, hấp với lá lốt, nấu cháo hoặc có thể rang chín cho các gia vị như hành, mắm muối, mì chính vừa vặn... Món ăn từ trứng kiến này tuy dân dã, nhưng rất thơm ngon”.

Món trứng kiến trên mâm cơm. 

Đồng bào Thái có câu tục ngữ “Căm khảu dú nẳng đin, căm kin dú nẳng pá”, nghĩa là: “Thóc gạo ở dưới đất, thức ăn ở trong rừng”. Ai cần cù chịu khó, siêng năng sẽ có cái ăn, từ đất làm ra thóc lúa, từ rừng sẽ có sản vật để nuôi sống con người. Rất nhiều sản vật của núi rừng được bà con tìm tòi, chế biến thành món ăn thơm ngon, đặc sắc không nơi nào có, trong đó có món trứng kiến.

Trứng kiến trước đây đơn giản chỉ được bà con sử dụng làm thức ăn trong gia đình và đãi khách đến thăm. Nhưng giờ đây trứng kiến trở thành món ăn đặc sản không phải lúc nào cũng có, bởi một năm mùa trứng kiến chỉ có trong tháng 3 âm lịch. Có lẽ cũng vì vậy mà không ít du khách đã nhanh chân đến với Tây Bắc trong thời điểm này để được thưởng thức món ăn làm từ trứng kiến, món ăn dân dã của đồng bào Thái Tây Bắc mà hương vị thì thật khó quên.

Lường Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét