9 thg 4, 2019

Miếu thờ tổ nghề muối Sa Huỳnh

Nghề sản xuất muối gắn bó với cư dân Sa Huỳnh hàng trăm năm qua. Diêm dân nơi đây ghi nhớ công ơn ông tổ nghề, người tạo nên đồng muối giúp bao người có cơm ăn, áo mặc. Họ góp công sức và tiền của xây miếu thờ, tổ chức cúng tế vào dịp kết thúc mùa vụ.

Trăm năm Sa Huỳnh muối mặn
Dân gian lưu truyền, nghề sản xuất muối ở Sa Huỳnh bắt đầu từ thời các chúa Nguyễn mở mang, khai phá đất phương nam. Ông tổ nghề muối họ Ngô, vốn người đất Bắc di cư vào Nam định cư cạnh vùng biển Sa Huỳnh hoang sơ và thơ mộng. Nơi đây có đầm Nước Mặn thông với đại dương qua cửa biển Sa Huỳnh. Cạnh đầm nước là khu đất sình lầy.

Cụ Trần Minh Long - Phó Ban tế tự miếu thờ tổ nghề thắp hương tưởng nhớ ông tổ nghề muối. 

Chuyện kể rằng: ông thường dạo quanh bờ đầm thưởng ngoạn trời nước bao la. Bữa nọ, ông phát hiện vũng nước đọng có lớp màng màu trắng lấp lóa dưới nắng. Ông đưa tay sờ nhẹ, lớp màng vỡ thành những hạt nhỏ mang vị mặn đậm đà khi nếm thử trên đầu lưỡi. Những hạt muối đầu tiên ấy giúp ông nảy ý tưởng sử dụng nguồn nước mặn trong đầm sản xuất muối.

Ông cần mẫn phát dọn, be bờ, tạo thành những ô ruộng vuông vức trước ánh mắt tò mò của cư dân trong vùng. Sau nhiều ngày chờ đợi, mọi người hồ hởi đón nhận những hạt muối đầu tiên từ tay ông trao tặng. Họ vui mừng khôn xiết, rồi gắng sức cùng ông mở mang ruộng đồng, dâng cho đời hạt muối trắng đậm đà hương vị biển khơi.
Đồng muối Sa Huỳnh có diện tích hơn 116ha, với gần 600 diêm dân tham gia sản xuất. Hằng năm, diêm dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) thu hoạch trên dưới 8.000 tấn muối. Sản phẩm muối Sa Huỳnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận thương hiệu độc quyền vào năm 2011.

Mùa nối tiếp mùa đi qua đồng muối trong tiếng sóng rì rầm vỗ về bờ cát. Dòng nước mặn từ đại dương qua đầm đến với những thửa ruộng để làm ra hạt muối, là tinh hoa của biển và trời. Những hạt muối trắng lung linh trong nắng như tấm lòng hiền hậu, thủy chung của diêm dân Sa Huỳnh.

Đã thành lệ, sau tết Nguyên đán, họ tất bật ra đồng tu sửa bờ, san phẳng và đầm chặt nền ruộng để bước vào vụ mới. Khi những hạt mưa ngâu làm vơi đi nắng hè oi bức, họ rời ruộng sau chuỗi ngày “bán mặt cho muối, bán lưng cho trời”, để đổi lấy miếng cơm manh áo.

Hầu hết diêm dân đều có làn da đen sẫm do phải luôn phơi mình dưới nắng, cộng với hơi nước mặn ngấm vào cơ thể. Người đời gọi họ là dân nại muối và trêu chọc với câu vè: “Nậu nại đã dại lại quê/ Mát trời thì về, nắng lại ra phơi”. Nghe đắng đót cõi lòng! Dẫu vậy, hạt muối vẫn song hành với diêm dân như bao đời vẫn thế.

Xây miếu thờ cúng tổ nghề muối

Cạnh đồng muối Sa Huỳnh có ngôi miếu được xây dựng từ sự chung sức, đồng lòng của diêm dân địa phương. Trước miếu có bình phong đắp hình con hổ khá oai phong. Hai bên bình phong có đôi trụ, với cặp nghê đá ngồi chầu trên đỉnh. Miếu có ba bàn thờ trông khá uy nghiêm. Bàn giữa thờ người khai sinh nghề muối ở Sa Huỳnh. Hai bàn bên thờ những bậc tiền nhân khai khẩn ruộng đồng thuở hoang sơ.

Miếu nằm dưới bóng cây râm mát, tạo nên dáng vẻ thâm nghiêm. Phía trước ngôi miếu là đồng muối và đầm Nước Mặn bốn mùa lộng gió, phía sau là ngọn Đồi Gành tựa bức tường thành khá vững chãi. Sau nhiều năm tìm hiểu, ông Nguyễn Ly, cán bộ văn hóa - xã hội xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho biết: Ngôi miếu được xây dựng hàng trăm năm trước, nhưng do chiến tranh tàn phá và sự bào mòn của thời gian, nên bị đổ nát. Sau ngày giải phóng quê hương, diêm dân nơi đây chung sức xây dựng và nhiều lần tu bổ, để ngôi miếu khang trang như hôm nay.

Diêm dân nơi đây luôn thành kính tưởng nhớ công lao của ông tổ nghề muối. Ngày rằm và mùng một âm lịch, Ban tế tự miếu thờ sửa soạn bánh trái và hoa quả rồi thắp hương khấn vái mong cho mùa màng bội thu, đời sống được no đủ. Ngày rằm tháng 7 âm lịch, diêm dân tụ tập tổ chức lễ gác trang (kết thúc vụ muối) với những mâm cỗ chay và đến hôm sau dâng cúng mâm cỗ mặn. Lễ cúng mặn luôn có con heo khá lớn, cùng nhiều sản vật ở vùng đất Sa Huỳnh.

Cứ vài năm, họ rước đoàn hát bội từ Bình Định ra biểu diễn ba đêm liền vào dịp lễ hội thu hút nhiều người nô nức đến xem. “Dẫu cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng ai cũng vui vẻ góp tiền sắm sửa các thứ để cúng tổ. Mọi người chung tay sửa soạn mâm cỗ dâng cúng, rồi cùng nhau ăn uống vui vẻ. Cúng tổ là dịp phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng...”, cụ Trần Minh Long - Phó Ban tế tự miếu thờ tổ nghề muối Sa Huỳnh, chia sẻ.

Trưa nắng, nhiều diêm dân tụ họp dưới bóng cây râm mát trong khuôn viên ngôi miếu sau buổi lao động vất vả trên ruộng đồng. Chuyện làng quê râm ran với nụ cười tươi trên những gương mặt sạm đen vì nắng gió. “Nhiều người thường ghé vào ngôi miếu nghỉ chân, thắp nén hương thơm trên bàn thờ ông tổ. Chúng tôi luôn thành tâm với tổ và những người đi trước đã mở mang đồng muối cho con cháu sau này có kế sinh nhai”, cụ Nguyễn Hiến - Trưởng Ban tế tự, bộc bạch.

TRANG THY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét