10 thg 4, 2019

Chiêm ngưỡng trận địa cọc cổ của trận thủy chiến Bạch Đằng lừng danh

Trận thủy chiến năm 1288 trên sông Bạch Đằng, thuộc địa bàn huyện Yên Hưng xưa, nay là thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh của quân dân Đại Việt, dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuần cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, không chỉ phá vỡ hoàn toàn âm mưu xâm lược Đại Việt, mà còn chặn đứng đường tiến công chinh phục châu Á của đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Một phần của trận địa cọc cổ đó, đã góp phần tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy gồm 600 chiến thuyền và 40.000 quân, hiện vẫn được lưu giữ những ruộng đồng, hồ ao ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, chỉ có bãi cọc Yên Giang lộ thiên để phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, học tập; 2 bãi cọc khác, sau khi khai quật, lại tạm phủ đất, bùn lên để được bảo quản tốt hơn.

Bãi cọc cổ của trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 được tìm thấy đầu tiên ở Yên Giang năm 1958 


Các cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ học của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được 3 bãi cọc cổ lớn tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Cọc được bố trí theo hướng ngược dòng chảy, nghiêng chếch từ 30-45 độ, cái nghiêng ít nhất là 15 độ. Các cọc nằm cách nhau từ 1-1,5m, cọc dài nhất được tìm thấy là khoảng 2,5m. Nhiều khu vực, mật độ cọc dày đặc.

Bãi cọc đầu tiên được phát hiện nằm trong đầm Nhử, phường Yên Giang, trong quá trình đào đắp đê Yên Giang năm 1958. Các cuộc nghiên cứu, khai quật sau đó tại đây đều khẳng định, bãi cọc nằm ở cửa sông Chanh này là một phần của trận địa cọc Bạch Đằng năm 1288. Bãi cọc này rộng 120m2, với khoảng 300 cọc và được đặt trong phạm vi bảo vệ 7,5ha. Hiện, chỉ có bãi cọc này là lộ thiên, thỉnh thoảng hút nước lên để phục vụ khách tham quan. Ảnh: Ngô Đình Dũng

Bãi cọc thứ 2 là bãi cọc đồng Vạn Muối, có phạm vi bảo vệ rộng khoảng 56ha, nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, được người dân phát hiện trong quá trình canh tác, đào ao năm 2005, nằm cách bãi cọc Yên Giang vài km. Các cuộc khai quật khảo cổ học sau đó tìm thấy tổng cộng gần 200 cọc tại đây. Tuy nhiên, bãi cọc này sau đó lại được vùi lấp dưới lớp bùn để được bảo quản tốt hơn. Ảnh: Ngô Đình Dũng

Cũng trong phường Nam Hòa, bãi cọc đồng Má Ngựa được phát hiện và tiến hành khảo sát, khai quật vào năm 2009, có phạm vi bảo vệ rộng khoảng 40ha. Bãi cọc này nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng Nam, với trên 200 cọc. Hiện, bãi cọc đồng Má Ngựa cũng nằm sâu dưới lớp bùn. Trong ảnh là TS Lê Thị Liên - Viện khảo cổ học và các chuyên gia Mỹ, Anh, Úc, Nhật khai quật khảo cổ học bãi cọc đồng Má Ngựa năm 2013. Ảnh: Ngô Đình Dũng.

Sơ đồ trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288. Ba bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa đã tạo nên những bãi chông ngầm lớn, phức tạp, kín đáo dưới mặt nước khóa chặt đường tháo lui ra biển của quân Nguyên Mông, trong lần thứ ba chúng xâm lược nước ta năm 1288. Trận đánh chỉ diễn ra trong ngày 9.4.1288 nhưng được giới nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước đánh giá là dấu chấm hết vĩnh viễn mưu đồ xâm lược của đại đế quốc Mông Cổ, bởi địch không còn quân đội và chiến thuyền để vượt biển, chinh phục Nhật Bản và các nước châu Á. Ảnh: Ngô Đình Dũng

Trong ảnh là các chuyên gia quốc tế và trong nước khai quật khảo cổ học tại bãi cọc đồng Vạn Muối năm 2009. Theo ông Ngô Đình Dũng – Phó trưởng phòng Văn hóa và thông tin, thị xã Quảng Yên – người từng tham gia 5 cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học các trận địa cọc cổ Bạch Đằng, từ năm 2009 - 2013 với các chuyên gia của Viện Khảo cổ học: Tiến sỹ Lê Thị Liên, các chuyên gia nước ngoài - ông Randall J. Sasaki (Viện Khảo cổ học Hàng Hải, Đại học Texas A&M; ông Jun Kimura (Chương trình khảo cổ học dưới nước, Đại học Flinders); ông George Belcher (Viện Khảo cổ học Hàng Hải, Đại học Texas A&M); bà PHAM Charlotte Minh Ha (Trung tâm Khảo cổ học dưới nước, Đại học Southampton); ông Peter Matthew Ingrassia (Đại học Montana State), thì các bãi cọc cổ chỉ được tìm thấy ở thị xã Quảng Yên. “Các nhà khảo cổ học Nhật, Mỹ, Anh, Úc đã dùng các thiết bị viễn thám, siêu âm ngầm và đã thuê tàu chạy hết khu vực sông Bạch Đằng (dài khoảng 20km, bắt đầu từ sông Giá, sông Đá Bạc thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đến Quảng Yên), ra cả Vân Đồn – nơi đoàn thuyền của quân địch bị đốt cháy, nhưng cũng chỉ tìm thấy những bãi cọc cổ ở Quảng Yên” – ông Dũng cho biết – “3 bãi cọc có tổng cộng khoảng 800 cọc, chưa kể những cọc ở những hố nhỏ gần đó, được tìm thấy trong quá trình khai quật. Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy bộ xương người liên quan đến dấu ấn người thời Trần, các mảnh gốm sứ”

Hiện, Bảo tàng Quảng Ninh và Bảo tàng Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên mỗi nơi lưu giữ và trưng bày 5 cọc Bạch Đằng cổ phục vụ khách tham quan. Để bảo quản được một chiếc cọc như thế này, khi đào lên, phải ngâm tẩm thuốc và bảo quản trong môi trường đặc biệt ít nhất một tháng. Chi phí cho việc bảo quản mỗi cọc là khoảng 200 triệu đồng. Ảnh: Ngô Đình Dũng

Nguyễn Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét