25 thg 4, 2019

Chùa Hội Khánh - không chỉ là ngôi chùa

Chùa Hội Khánh là một Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, tọa lạc tại số 35 đường Bác sĩ Yersin, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Có lẽ đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất Bình Dương, vì rất nhiều điều...

Cổ kính, trang nghiêm

Chùa Hội Khánh được xem là ngôi chùa cổ nhất ở Bình Dương. Chùa được khai sơn năm 1741, trên một ngọn đồi cao. Tuy nhiên đến năm 1868 chùa bị hư hỏng nặng, hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng chùa mới dưới chân đồi, cách vị trí cũ khoảng 100 met. Chùa tọa lạc ở đó cho đến nay.

Ngôi chánh điện chùa Hội Khánh

Chùa đã được tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn giữ nét kiến trúc cổ, đặc biệt là ngôi chánh điện. Ở chánh điện, hầu hết tượng các vị Phật, Bồ-tát... đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Đặc biệt, bộ tượng thập bát La-hán, mỗi tượng cao khoảng 0,86 m, được nhóm thợ nổi tiếng ở Thủ Dầu Một tạc vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ba tấm bao lam chạm khắc tứ linh, tứ quý, cửu long và thập bát La-hán có giá trị nghệ thuật cao.

Chánh điện

Tượng Thập bát La hán

Điểm nhấn trong khuôn viên chùa là ngôi tháp tổ Từ Vân (1906 - 1931) cổ kính.

Tháp tổ Từ Vân

Bên phải (hướng từ ngoài nhìn vào) là ngôi tháp 7 tầng cao 27 met được xây dựng năm 2007.


Khu vườn tượng của chùa khánh thành năm 2007 nằm thấp thoáng giữa những cây dầu cổ thụ cao vút tạo nên vẻ trang nghiêm mà thanh thoát.


Cụm tượng Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni

Đức Phật nhập Niết bàn


Phật Thích Ca thành đạo

Hoành tráng, hiện đại

Ngày nay, khi nhắc đến chùa Hội Khánh người ta thường nhắc đến một kỷ lục, đó là bức tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Không chỉ dài nhất Việt Nam mà còn được tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ công nhận là Ngôi chùa có tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á, vào tháng 5/2013.

Hiện nay chùa Hội Khánh có hai khu, gọi là khu chùa cũ và khu chùa mới, cách nhau một con đường nhỏ (mang tên đường Chùa Hội Khánh). Tượng Phật nằm an vị trên mái chùa ở khu vực chùa mới này. Tượng có chiều dài 52 m, cao 12 m, an vị trên độ cao của mái chùa cách mặt đất 24 m. Tượng được khánh thành tháng 3 năm 2010.


Tượng được điêu khắc khá đẹp, nằm nổi bật giữa trời xanh mây trắng. Công trình này xứng đáng là niềm tự hào của Phật giáo Bình Dương, nhất là nó đã đạt được một kỷ lục châu Á.

Riêng cá nhân tui, không cảm thấy mặn mà với những kỷ lục này nọ trong tôn giáo (và chắc Đức Phật, với chủ trương không tham sân si, cũng chẳng ham thích gì những kỷ lục hơn thua nhau). Điều đáng nói là trước khi khánh thành tượng Phật nằm chùa Hội Khánh rất lâu, vào năm 1966 trên núi Tà Cú đã có tượng Phật nhập Niết Bàn dài 49 met do điêu khác gia Trương Đình Ý thiết kế, tại thời điểm đó đã là tượng Phật nằm dài nhất châu Á. Con số 49 met chiều dài tượng trong thiết kế của Trương Đình Ý không phải để tạo một kỷ lục gì cả, nó là tượng trưng cho 49 năm hành đạo của Đức Phật, từ lúc thành đạo đến lúc nhập diệt. Còn ngay sau khi khánh thành tượng Phật chùa Hội Khánh thì ngày 22/5/2010, ông Trầm Bê cho khánh thành ngôi chùa Vàm Ray ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ngôi chùa này cũng có tượng Phật nhập Niết bàn khổng lồ, dài... 54 met. Tượng Phật này chưa đăng ký kỷ lục, nhưng với... 2 met dài hơn tượng Phật chùa Hội Khánh, kỷ lục đã bị phá!

Lãng mạn, nên thơ

Khung cảnh cổ kính của chùa Hội Khánh (cũ) cùng những cây dầu cổ thụ đã thu hút rất nhiều bạn trẻ đến đây để chụp ảnh lưu niệm. Và đương nhiên cũng là nơi thu hút các tay máy đến để sáng tạo nên những khung ảnh lãng mạn, nên thơ cùng những người mẫu trẻ trung, xinh đẹp.


Vì không có người mẫu trẻ đẹp, nên đành tận dụng người già để minh họa cho khung cảnh lãng mạn của chùa.

Và tui cũng không phải nhiếp ảnh gia nên đành ngồi xa xa, lén nhìn người mẫu của... người ta mà không dám làm quen!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét