23 thg 4, 2019

Con đường Phật giáo

Quần thể di tích danh lam thắng cảnh chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) và chùa Bái Đính (Ninh Bình) tọa lạc trên dãy núi đá vôi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, có cảnh quan hùng vĩ và nhiều chứng tích ghi dấu ấn sự phát triển của Phật giáo Việt Nam đã gắn kết hình thành trục du lịch tâm linh thu hút khách thập phương gần xa đến vãn cảnh, bái Phật. 

Hành hương về miền đất Phật


Chúng tôi hành hương về đất Phật chùa Hương cầu mong sự an lành, may mắn. Qua đền Trình, thuyền đưa chúng tôi đến bến Trò để lên vãn cảnh chùa Thiên Trù. Đây là ngôi chùa chính trong quần thể di tích chùa Hương, tọa lạc trên khu đất thuộc thung Mang, được khởi dựng từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497).

Theo Phật thoại, chùa Hương là nơi lưu dấu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tu hành đắc đạo. Từ lâu, Chùa Hương được biết đến là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở miền Bắc với cả quần thể rộng lớn gồm nhiều chùa, đền đình khác nhau.

Du khách ngồi đò xuôi theo dòng suối Yến vào sáng sớm vãn cảnh đi lễ chùa Hương. Ảnh: Tất Sơn 

Một góc đền Trình ở chùa Hương. Ảnh: Tất Sơn

Hệ thống cáp treo đưa được vào sử dụng, phục vụ du khách có thể rút ngắn thời gian đi lễ từ chùa Thiên Trù lên đến chùa Hương Tích. Ảnh: Tất Sơn 

Vào mùa Xuân, phật tử khắp nơi lại hành hương về chùa Hương Tích bái Phật, muốn mọi điều may mắn. Ảnh: Tất Sơn

Với quan niệm thành tâm về cửa Phật, nhiều Phật tử lựa chọn chống gậy gắng sức leo trên những bậc đá đường bộ từ sáng sớm. Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn đi cáp treo để ngắm toàn cảnh núi rừng Hương Sơn hùng vĩ, thơ mộng, thấp thoáng những cửa động, mái chùa cổ kính.

Điểm nhấn của Chùa Hương là động Hương Tích được mệnh danh là Nam Thiên đệ nhất động với những khối thạch nhũ sinh động được tạo hóa ban tặng ẩn chứa ước vọng tâm linh của mọi người.

Với mùa hội dài nhất nước diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 (âm lịch), chùa Hương thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến hành hương, thưởng ngoạn.

“Quốc sư Nguyễn Minh Không thời Lý (1066-1141) đi theo men theo núi từ Ninh Bình đến Mỹ Đức (Hà Nội) tìm cây thuốc cứu dân độ thế. Ngài đi đến đâu thấy có hang động đẹp thì lại xây chùa bái Phật. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng doanh nghiệp Xuân Trường đã xây dựng tuyến du lịch tâm linh Con đường Phật giáo dài hơn 100km bằng việc kết nối 3 quần thể di tích và danh lam thắng cảnh chùa Hương, chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính theo con đường hành hương của Quốc sư Nguyễn Minh Không”.

Thượng toạ Thích Minh Quang, UV HĐTS TƯ GHPGVN, Phó Chánh Văn phòng TƯ GHPGVN, Phó ban kiêm Chánh thư ký GHPGVN tỉnh Ninh Bình, Phó Trụ trì Thường trực chùa Bái Đính.

Chùa Tam Chúc nơi tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019

Được mệnh danh là Vịnh Hạ Long trên cạn, Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc có diện tích hơn 5000 ha đã được công nhận là Khu du lịch Quốc gia.

Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc có 12.000 bức tranh đá miêu tả sự tích của Đức Phật, một vườn cột đá khổng lồ với 1000 cột đá sẽ là vườn cột kinh lớn nhất thế giới. Trên đỉnh núi Thất Tinh có chùa Ngọc nguy nga mà đứng từ trên nhìn xuống có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của khu du lịch Tam Chúc. Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 diễn ra từ ngày 12-14/5/2019 tại Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc hứa hẹn là dịp quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút khách du lịch tới Việt Nam”.

Với cảnh quan hùng vĩ bao quanh là núi và hồ nước, Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc được ví như là Vịnh Hạ Long trên cạn. Ảnh: Tất Sơn

Với chiều cao 39m và diện tích sàn 5400 m2, điện Tam Thế của chùa Tam Chúc có sức chứa 5000 Phật tử hành hương lễ phật. Ảnh: Khánh Long 

Hàng trăm phật tử hành hương lên cầu khấn tượng Phật được làm từ ngọc qúy ở chùa Ngọc. Ảnh: Khánh Long 

Những bức tranh về sự tích của Đức Phật được điêu khắc trong các điện thờ ở chùa Tam Chúc thực hiện bởi các nghệ nhân lành nghề đến từ Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia… Ảnh: Khánh Long 


Phong cảnh hữu tình chùa Ngọc. Ảnh: Tất Sơn 

Hiện nay,với hệ thống kết nối giao thông Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình vô cùng thuận lợi, chùa Tam Chúc là điểm trung tâm kết nối chùa Hương và chùa Bái Đính tạo thành quần thể “Tam giác vàng” du lịch tâm linh đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng Phật giáo cũng như du lịch của khách trong và ngoài nước.

“Ba điểm đến – Một con đường” là tên tuyến đường nối từ chùa Hương sang chùa Tam Chúc rồi chùa Bái Đính đã được các tỉnh thành có liên quan quy hoạch và xây dựng.

Nước non Tràng An - Bái Đính

Cách đây khoảng 1000 năm, Ninh Bình được chọn là kinh đô của ba triều đại phong kiến là Đinh, Tiền Lê và Lý. Năm 1136, khi Quốc sư Nguyễn Minh Không đi tìm cây thuốc để chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông, ngài đã phát hiện ra hang động trên núi Đinh và chọn nơi đây dựng chùa tu hành. Hiện nay, những chứng tích về thời kỳ phát triển của Phật giáo xưa vẫn được lưu giữ ở ngôi chùa Bái Đính cổ trầm mặc, uy nghiêm.

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với khung cảnh thiên nhiên độc đáo cùng các di tích lịch sử mang ý nghĩa tâm linh. Ảnh: Tất Sơn

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2014 tổ chức tại chùa Bái Đính (Ninh Bình). Ảnh: Lương Xuân Lâm

Du khách hành hương chiêm bái Phật ở chùa Bái Đính. Ảnh: Khánh Long

Chùa Bái Đính có hành lang tượng La Hán với chiều dài 1700m, đặt 500 pho tượng La Hán bằng đá nguyên khối được xác lập kỷ lục là Hành lang La Hán dài nhất Châu Á. Ảnh: Tất Sơn

Du khách tham quan Di sản thế giới Tràng An. Ảnh: Tất Sơn 

Năm 2003, dựa trên nền tảng của ngôi chùa cổ, doanh nghiệp Xuân Trường đã phát tâm trùng tu và mở rộng chùa với diện tích hơn 1000 ha. Kiến trúc chùa mới đồ sộ nhưng vẫn mang đậm dấu truyền thống, phù hợp với tín ngưỡng tâm linh của người Việt.

Chùa Bái Đính nằm trên sườn núi, toàn bộ khuôn viên được thiết kế hài hòa với việc thung lũng núi đá, hồ nước, vườn cây xanh bao quanh. Tất cả tạo ra một không gian tĩnh lặng cho du khách hành hương về lễ Phật cảm thấy tâm thư thái.

Chùa Bái Đính nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, từng là nơi đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2008 và năm 2014 với sự tham gia của hàng nghìn lãnh đạo đại diện cho các phái đoàn Phật giáo đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới.

  • Chùa Bái Đính là trung tâm văn hóa tâm linh lớn nhất Đông Nam Á, sở hữu nhiều kỷ lục: có tượng Phật dát vàng lớn nhất Châu Á, hành lang La Hán dài nhất Châu Á, tháp xá lợi Phật cao nhất Châu Á và tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.
  • Liên kết phát triển tuyến du lịch chùa Hương, chùaTam Chúc, chùa Bái Đính trong “trục du lịch tâm linh” là ý tưởng đã được Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình lên kế hoạch thực hiện.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn, Khánh Long, Lương Xuân Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét