9 thg 4, 2019

Tấm gương người chí sĩ yêu nước cuối thế kỷ XIX

Nhiều người dân ở TP.Quảng Ngãi cũng như của tỉnh biết đến con đường Nguyễn Tự Tân (nối từ đường Quang Trung đến Trương Định) là con đường sầm uất, hai bên nhà dân san sát, với những hàng me che bóng... Song, không nhiều người biết về mộ và nhà thờ của người chí sĩ yêu nước Nguyễn Tự Tân tại xã Bình Phước (Bình Sơn).

Một ngày cuối tháng 3.2019, chúng tôi về xã Bình Phước. Chị Nguyễn Thị Đông, công chức văn hóa - xã hội UBND xã Bình Phước nhiệt tình dẫn chúng tôi đến thăm mộ và nhà thờ chí sĩ Nguyễn Tự Tân. Ngôi mộ ông nằm tại thôn Phước Thọ 1, giữa những cánh đồng trồng hoa màu, mì xanh rì của người dân địa phương.

Nhà thờ chí sĩ yêu nước Nguyễn Tự Tân. 


Theo tư liệu để lại, Nguyễn Tự Tân sinh năm 1848 tại làng Trung Sơn (nay là xã Bình Phước). Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, có truyền thống hiếu học. Năm 1868, ông thi đỗ tú tài tại trường thi Bình Định. Sau đó, Nguyễn Tự Tân liên kết với các sĩ phu yêu nước trong tỉnh thành lập Hội văn thân, xây dựng căn cứ Tuyền Tung, rèn đúc vũ khí, tích cực chuẩn bị lực lượng đánh quân Pháp xâm lược.

Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, ngày 13.7.1885, Phó quản Hương binh Nguyễn Tự Tân cùng Chánh quản Lê Trung Đình phất cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nghĩa quân đánh chiếm thành Quảng Ngãi. Sau vài ngày làm chủ tỉnh thành, cuộc khởi nghĩa bị thất bại, Phó quản Hương binh Nguyễn Tự Tân đã anh dũng hy sinh ngay tại trận tiền.

Tấm bia trên ngôi mộ ông còn ghi rõ: Nguyễn Tự Tân là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dân tộc và yêu nước bất khuất của tầng lớp sĩ phu và nhân dân Quảng Ngãi trong phong trào yêu nước chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX.

Đình Thọ An ở xã Bình An (Bình Sơn) là địa chỉ đỏ gắn liền với cuộc đời Nguyễn Tự Tân. 

Tiếp tục di chuyển theo hướng bảng chỉ dẫn vào con đường đất ngang qua những cánh đồng lúa đang mùa thu hoạch, chúng tôi đến nhà thờ của chí sĩ Nguyễn Tự Tân. Nhà thờ tọa lạc trong khu vườn do ông Nguyễn Thân, là cháu đời thứ 4 trong dòng họ sinh sống. Người dân ở xã Bình Phước luôn tự hào với quê hương của người sĩ phu yêu nước.

Những dịp lễ, Tết, Trường THCS Nguyễn Tự Tân ở thị trấn Châu Ổ, rồi Trường THCS Bình Phước, đoàn viên thanh niên, người dân địa phương đều đến dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ người con trung hiếu của quê hương.

Trước đây, chúng tôi đã có lần đến căn cứ Tuyền Tung (còn có tên là Truyền Tung), đình Thọ An tại thôn Thọ An, xã miền núi Bình An (Bình Sơn). Thông tin trên tấm biển di tích đặt gần bóng cây cổ thụ ở Thọ An có chú thích rõ cho du khách biết về căn cứ Tuyền Tung gắn liền với tên tuổi chí sĩ yêu nước Nguyễn Tự Tân. Đây là nơi được Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân chọn làm căn cứ và xuất quân tiến đánh chiếm thành Quảng Ngãi.

Sau khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Tấn Kỳ... đưa nghĩa quân về cố thủ tại căn cứ Tuyền Tung, để củng cố lực lượng tiếp tục chống Pháp. Căn cứ Tuyền Tung - đình Thọ An là di tích lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình và phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi. Đây là cuộc khởi nghĩa sớm nhất trong phong trào Cần Vương ở Nam Trung Bộ và mở đầu cho phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Quảng Ngãi.

Hiện nay, thôn Thọ An là một trong những điểm đến thu hút khá đông khách du lịch tìm hiểu đời sống của đồng bào Cor, ngôi làng bích họa và thác Tuyền Tung. Hy vọng trong thời gian không xa, sẽ hình thành những tuyến du lịch kết nối “hai địa chỉ đỏ” gắn liền với cuộc đời của người chí sĩ yêu nước Nguyễn Tự Tân tại xã Bình Phước và xã Bình An, góp phần đưa du khách tìm về với lịch sử, để hiểu thêm những năm tháng đầy chí khí anh hùng, bất khuất của cha ông.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét