10 thg 4, 2019

Những món ăn nên thưởng thức khi đến Phú Thọ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Nếu có dịp đến lễ hội Đền Hùng năm nay, bên cạnh hòa vào không khí lễ hội thiêng liêng, du khách đừng quên khám phá những ẩm thực kì thú nơi đây.



Thịt chua

Thịt chua Thanh Sơn là đặc sản của người Mường nơi đây. Món ăn này được làm từ loại lợn lửng do người Mường chăn thả tự nhiên, chỉ ăn rau củ, trái cây rừng mà lớn nên cho thứ thịt tuyệt ngon.

Thịt chua sử dụng thịt lợn tươi sống ướp trong thính gạo cho thành phẩm chín tự nhiên.

Thịt chua Phú Thọ - Ảnh: wanderlusttips

Thịt chua Thanh Sơn cuốn với lá sung, đinh lăng, chấm thêm tương ớt cay tạo nên một món ăn rất đặc sắc.

Bánh tai

Bánh tai còn gọi là bánh hòn, có hình dáng giống cái tai. Bánh được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn và một số nguyên liệu đặc biệt khác.

Bánh tai. Ảnh: Nothin2los.

Đa phần du khách khi tới Phú Thọ đều rất muốn ăn thử bánh tai bởi vị đặc biệt ăn nhiều cũng không ngán.

Cơm nắm lá cọ

Cơm nắm không cầu kì, hoa mĩ nhưng chứa tất cả hồn quê và tinh túy của đất trời.

Với người Phù Ninh, Phú Thọ, xứ cọ của miền Bắc, cơm nắm lá cọ chứa đựng tất cả nét văn hóa, cả phong tục tập quán của miền đất xanh này và cả hồn quê: “Dù ai đi ngược về xuôi/Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh” (ca dao).

Những miếng cơm còn in vết gân cọ, thơm lừng mùi gạo mới, quện trong mùi lá ngai ngái mà hấp dẫn. Ảnh. Đỗ Thảo

Rau sắn muối chua

Những tưởng chỉ có củ sắn mới ăn được, ai ngờ lá sắn cũng là một loại rau ngon, đem muối chua thành dưa sắn đậm đà, thơm ngon, trở thành món ăn quen thuộc và đặc trưng của Phú Thọ.

Dưa sắn nấu cá thơm ngon. Ảnh. Đỗ Thảo

Dưa sắn có thể ăn không với cơm hoặc chế biến cùng với các nguyên liệu khác như cá, chân giò, thịt, hoặc lạc. Lấy dưa sắn vắt khô rồi đem nấu cá, chỉ cần nêm một chút gia vị, nấu nhừ, dưa sắn làm hết mùi tanh của cá, làm cho miếng cá đượm mùi dưa, thơm ngon.

Rêu đá

Đến Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), chắc hẳn ai cũng ngạc nhiên bởi món ăn được chế biến từ rêu đá của người Mông.

Vị của rêu quyện với vị thơm đặc trưng của hạt dổi, mắc khén khiến ai từng thưởng thức đều không thể quên.

Rêu đá sau được lấy lên, làm sạch.

Chế biến món rêu này không quá công phu. Nguyên liệu làm nên món ăn này cũng rất đơn giản, gần gũi, ai cũng thể học và làm theo. Nguyên liệu chỉ cần một chút tỏi, gia vị như muối, dầu ăn, hạt dổi, mắc khén.

Tỏi băm nhỏ đem vào phi thơm lên với dầu ăn, tiếp đến cho rêu đá vào đảo đến khi gần chín thì nêm nếm gia vị cho vừa miệng là có thể ăn được.

Cọ ỏm

Sang thu, những cây cọ đơm hoa, kết trái. Đến cuối tháng 10 âm lịch, quả cọ chín, vỏ quả chuyển dần sang màu nâu bóng, màu đen, cũng là thời điểm người dân quê cọ đi thu hoạch quả về để chế biến thành những món ngon đặc biệt.

Cọ ỏm thơm bùi níu lòng du khách. 

Sau khi luộc chín, cọ chín vớt ra, để nguội là ăn được. Cọ ỏm mềm, phía ngoài đen bóng, ở trong vàng ươm như mật ong, cùi dày và thơm. Khi cho vào miệng, mùi thơm lạ, hơi ngái, vị ngậy, bùi, ngọt hấp dẫn.

Chấm thêm chút nước mắm hoặc muối vừng, cọ càng dậy lên vị thơm bùi.

ANH THƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét