10 thg 4, 2019

10 năm và cuộc đổi đời của một điểm đến

Người Đà Nẵng trước đây có câu “Bất đáo Bà Nà phi hảo hán” - nghĩa là chưa lái xe lên được tuyến Bà Nà thì chưa phải hảo hán, bởi đường lên Bà Nà rất hiểm trở. Người Đà Nẵng nay tự hào: “Chưa đi chưa biết Bà Nà/ Đi rồi mới biết đâu là cõi tiên”. 

Hiện tượng Cầu Vàng (từ tháng 6-2018) đã tạo nên sức hút đặc biệt với điểm đến Bà Nà Hills. Ảnh: Đ.T 

“Bất đáo Bà Nà phi hảo hán”

“Chúng tôi không đi nữa, sợ lắm!”, hơn 20 khách du lịch đến từ Phú Yên nói với người tài xế, trên lưng chừng đường lên núi. Anh Lê Anh Dũng đành tìm chỗ cua, vòng cho xe quay lại. Đây không phải là đoàn khách duy nhất bỏ dở hành trình mà lái xe Trần Văn Dũng từng gặp trên cung đường khó đi này.

Những ai dũng cảm ngồi lại trên xe đến cuối hành trình sẽ hít thở không khí trong lành trên đỉnh núi Bà Nà, ăn ngô luộc, uống trà đá trong mấy quán nước có mái che bằng bạt nylon. Họ lên xe quay về thành phố sau cuộc du ngoạn 5 giờ đồng hồ mà ước tính 4 giờ trong số đó đã dùng cho việc đi và về.

Câu chuyện lái xe du lịch Trần Văn Dũng kể lại thời điểm 10 năm về trước khi anh đưa khách lên Bà Nà không khiến nhiều người ngạc nhiên.

Anh Vũ Huy Thắng, tổng chỉ huy dự án cáp treo Suối Mơ-Bà Nà, công trình cáp treo đầu tiên mà Tập đoàn Sun Group được Đà Nẵng tin tưởng giao phó thực hiện, nhớ mãi chuyện anh được đi cùng với đoàn khảo sát và ban lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lên Bà Nà: “Tôi nhớ đó là khoảng những ngày tháng 10-2007, khi ấy Bà Nà vào mùa mưa, rất ít khách lên, buồn và âm u”.

Một trong những kỹ sư đầu tiên tham gia xây dựng tuyến cáp, anh Trịnh Văn Hà cũng từng “chùn bước” trong ngày đầu tiên đến nơi mà mình sẽ làm việc.

Anh kể: “Con đường từ Hòa Khánh lên chân núi Bà Nà ngày ấy lởm chởm những ổ gà và lầy lội toàn bùn đất. Cách trung tâm Đà Nẵng 15km mà tôi cứ ngỡ lạc vào một xứ hẻo lánh xa xôi, với “cơ sở hạ tầng” chỉ có gió và tiếng côn trùng kêu. Di chuyển theo đường đèo 16km để lên đỉnh núi mất 3 giờ đồng hồ, cảnh vật hiện ra trước mắt chỉ là những căn nhà cũ nát từ thời Pháp để lại và thấp thoáng vài căn nhà nghỉ được xây dựng nhỏ lẻ chênh vênh ẩn hiện dưới màn sương mù giăng kín”.

Năm 2008, có khoảng 20.000 lượt khách đến với Bà Nà. Và cảm nhận chung của họ hầu như đều giống nhau: “Chưa đi chưa biết Bà Nà/ Đi rồi mới biết ở nhà sướng hơn”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, năm 2008, từng có dịp tham quan Bà Nà, cũng là thời điểm dự án xây cáp treo đầu tiên lên đỉnh Bà Nà của Sun Group được triển khai.

Ông kể: “Sun Group là nhà đầu tư đầu tiên đến với Đà Nẵng và doanh nghiệp này đã chọn Bà Nà Hills để đầu tư. Khi đó tôi rất ngạc nhiên vì nơi đây rất xa thành phố, lại không có biển… Nhưng rồi thực tế hơn một thập kỷ qua đã chứng minh, Tập đoàn này có tầm nhìn dài hạn, đầu tư tập trung và nhằm một mục tiêu rất lớn - không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch của Bà Nà, mà của cả thành phố Đà Nẵng”.

“Chưa tới Bà Nà chưa biết Đà Nẵng”

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Travel cho rằng, nếu không có Bà Nà Hills, có thể Đà Nẵng khó có vị trí trong Top 10 thành phố du lịch hàng đầu thế giới như hiện nay. Ông cho biết, Bà Nà Hills luôn là điểm đến mang tính điểm nhấn trong mọi hành trình đến Đà Nẵng của Tien Phong Travel từ ngày đầu hoạt động đến nay.

“Với điểm nhấn Bà Nà Hills, năm 2011, lượng khách du lịch đi qua Công ty Tiên Phong đến Đà Nẵng từ vài trăm khách năm 2011 đến nay đã đạt khoảng 4.000 khách/năm”, Giám đốc Tiên Phong Travel nói.

Con số khách đến Đà Nẵng mà ông Khánh đề cập chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Đà Nẵng một thập kỷ qua. Năm 2008, cả Đà Nẵng chỉ có 2.000 phòng khách sạn, thì sau 10 năm con số phòng đã tăng gấp 10 lần. Sân bay quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ chứng kiến sâu sắc nhất sự thay đổi đó khi từ năm 2009 tới 2018, lượng khách tới đây đã tăng từ 2.079.758 lên 13.300.000 khách.

Một thập kỷ qua, cùng với lượng du khách tới Bà Nà tăng gấp 160 lần, lượng du khách tới Đà Nẵng cũng đã liên tục tăng tới 463%. Đặc biệt, kể từ sau hiện tượng Cầu Vàng tháng 6-2018, Đà Nẵng đã chứng kiến những dòng khách lớn từ các thị trường mới như Thái Lan, Trung Đông… đổ về.

Tính đến cuối năm 2018, đã có 23 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, với tần suất 328 chuyến/tuần. Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2019, số chuyến bay từ Thái Lan tới Đà Nẵng đã tăng tới 56 chuyến/tuần, trong đó, cứ 3 khách quốc tế liên hệ đặt tour tới Đà Nẵng thì có tới 2 khách yêu cầu đến Cầu Vàng tại Sun World Bà Nà Hills.

Bà Trần Thị Minh Đức, Trưởng phòng Inbound Vietrantour cho hay, tất cả khách châu Á của Vietrantour, từ những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản đến Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc…, 100 người thì cả 100 đều “đòi” đến Bà Nà Hills, đến Cầu Vàng. Bà Nà Hills thực sự đã làm nên sức hút khó cưỡng cho điểm đến Đà Nẵng và tạo nên “cú lội ngược dòng” ngoạn mục cho điểm đến này.

Quay trở lại với câu chuyện 20 vị khách trên chuyến xe của lái xe Lê Anh Dũng ngày nào, chắc hẳn đã có người trở lại Bà Nà Hills, bằng cáp treo. Ký ức về con đường gập ghềnh hiểm trở một bên là vách đá, một bên là vực thẳm đã lùi vào dĩ vãng.

Bà Nà heo hút, hoang vu nay đã thành một Disneyland của không riêng Đà Nẵng, với những lâu đài đẹp như từ cổ tích bước ra, với quanh năm tưng bừng lễ hội và những vườn hoa rực rỡ bốn mùa cùng một phong cách phục vụ mà không nhiều điểm đến có được.

Đông Thi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét