9 thg 4, 2019

Giai thoại thú vị về quá trình dựng đình Long Thái

Đình Long Thái nằm trên địa bàn xóm 5, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương. Đây là Di tích lịch sử - văn hóa được nhân dân địa phương và đông đảo du khách gần xa thường xuyên tìm đến chiêm bái, song ít người biết đến giai thoại thú vị về quá trình dựng nên ngôi đình này. 

Ngược dòng thời gian, khi nhà Mạc sụp đổ, Nguyễn Kim đưa Lê Trang Tông về triều, lập nên ngôi báu lấy niên hiệu là Nguyên Hòa. Lê Trang Tông tại vị được 16 năm (1533 - 1548), đến ngày 19/1 năm Mậu Thân thì mất. Tưởng nhớ ông, dân làng lập miếu thờ ở phía Nam làng Vĩnh Long (nay thuộc xã Thái Sơn). 

Đình Long Thái là công trình kiến trúc đồ sộ của người xưa để lại, đình gồm 6 vì, 24 cột bằng gỗ mít. Ảnh: Ngọc Phương 


Đất nước an bình, thần dân lo bề cày cấy làm ăn, mảnh đất làng Vĩnh Long ngày thêm thịnh vượng. Làng đã dựng lên một ngôi đình làm chốn hội hè, sinh hoạt văn hóa, gọi là đình Long Thái. 

Đình Long Thái xưa có 3 gian gỗ lim, tọa lạc ở vị trí thoáng mát, phía trước là ao cá, nối tới là cánh đồng làng. Sau đó, do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nên đình Long Thái đã được làm lại vào năm 1842, thuộc đời Vua Thiệu Trị năm thứ 2.

Thời đó, có 18 bác Phó (chủ thợ mộc) tập trung về làng Vĩnh Long thề nguyện làm đình. Do có đến 18 người cùng muốn dồn tâm lực để làm đình nên làng đành phải chọn phương án bắt thăm để chọn lấy 1 người. Phiên bắt thăm hôm đó ai cũng hồi hộp. Cuối cùng, cụ Phó Lơn đã trúng thăm và được chủ trì làm đình.

Chỉ trong vòng 1 tháng, việc “săn lùng” gỗ mít diễn ra ráo riết, thế rồi 24 cột gỗ mít thẳng tắp với đường kính trên 40 cm đã được hội tụ về để dựng đình. Đình được khởi công tháng 4/1842, đến tháng 8 cùng năm, gặp tiết trời mưa bão, sét đánh đúng ngay giữa bát hương. Dân làng cho đây là điềm gở, nên việc dựng đình hoãn lại, mãi đến gần 2 năm sau, tháng 6/1844 mới làm tiếp. 

Việc cắt ngắn cột và nới rộng mái đình nhằm tránh cho những người tế lễ bị ướt quần áo do mưa tạt vào. Ảnh: Ngọc Phương 

Sau khi đình được dựng xong, cụ Phó Đoan - một người chủ thợ mộc không bắt được thăm làm đình, đến xem thấy đình cao, mái ngắn, liền phán: “Quan viên ướt áo, Quan lão ướt quần..!”, ý muốn nói đình làm cao, mái ngắn, khi tế lễ gặp mưa sẽ tạt vào. 

Thấy cụ Phó Đoan nói đúng, ngay trong đêm đó, cụ Phó Lơn đã âm thầm cùng tổ thợ hạ dần đình xuống. Tất cả 24 cột gỗ mít mỗi cột dài 6,4m được cắt ngắn còn 5,7m. Việc cắt ngắn các cột đình được làm bí mật vì tổ thợ sợ làng phạt, 24 khúc gỗ đình bị cắt ngắn được cất giấu ở ao Khe và cầu Đồng Rao. Chuyện cắt ngắn cột đình được giấu bặt, những người thợ mãi đến cuối đời mới dám kể lại.

Cùng với việc cột buộc phải cắt ngắn, mái đình Long Thái cũng được cụ Phó Lơn cho tổ thợ chắp kéo dài ra 40 cm nhằm tránh mưa tạt vào. Hàng trăm tấm gỗ đã được tổ thợ làm để ghép mái đình, như để cáo lỗi với dân làng, mỗi một đầu tấm gỗ gài vào mái đều được chạm trổ tinh vi, đề tài hoàn toàn khác nhau. 

Hàng năm đúng ngày 13 tháng Giêng, dân làng lại mang cỗ đến thắp hương nhân ngày lễ hội Đình Long Thái. Ảnh: Ngọc Phương 

Đến thăm đình Long Thái, mọi người đều thấy đây là một ngôi đình đồ sộ gồm 5 gian, chất liệu hoàn toàn bằng gỗ mít, với 24 cột. Đình được thiết kế theo kiểu cung - dục - oai bẩy - trông trụ với 20 chiếc bẩy được chạm trổ rất tinh vi.

Bộ khung ngôi đình là một tác phẩm điêu khắc đồ sộ, độc đáo với các đề tài truyền thống phong phú. Các linh vật trên bờ nóc mái, bờ dải, hồi van, hệ thống xô, con kìm được thể hiện rất sắc sảo, tạo cho đình những đường cong mềm mại, uyển chuyển. Những nét hoa văn cầu kỳ, công phu, cách thể hiện nét to nhỏ, nét dày mỏng theo chủ ý của người thợ tài hoa đã đem lại sức sống và sự cuốn hút cho ngôi đình.

Đến đây, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên đến thán phục bởi sự hội tụ những tinh hoa tài trí của người xưa. Thông qua các mảng chạm khắc người xưa muốn gửi gắm, chuyển tải đến thế hệ mai sau những thông điệp về giá trị sống, giá trị nhân văn cao đẹp.

Ngọc Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét