7 thg 7, 2014

Đi săn 'vàng ròng' trên đảo Quan Lạn

Sá sùng là loài thủy sinh được ví quý như 'vàng ròng' của đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) khi mỗi cân sá sùng khô giá gần 1 chỉ vàng.

Người săn sá dùng kín mít từ đầu đến chân, chỉ hở mỗi đôi mắt

Chuyến đi săn thứ vàng ròng trên hòn đảo đẹp như tranh vẽ Quan Lạn cho chúng tôi nhiều trải nghiệm hơn mong đợi.

9 giờ sáng, Quan Lạn đã nắng chói chang. Cát trắng, trời xanh, bóng râm từ những bụi phi lao hai bên đường đi trở thành bãi đỗ xe của những người đi săn sá sùng.

Bãi Đầu Dọc xâm xấp nước, chúng tôi phải nhón chân đi trên bãi chi chít đầy ốc biển và vỏ hà. Lúc này đang có khoảng 40 người trên bãi.

Kín mít từ đầu đến chân, chỉ hở mỗi đôi mắt, vác một cái mai sắc lẹm, chị Nguyễn Hải Vân (26 tuổi) thôn Thái Hòa chăm chăm nhìn xuống bãi triều, thấy dấu hiệu của tổ sá sùng, chị Vân lao chiếc mai xuống, lật đất thật nhanh.

Trong lớp cát, chỉ còn một mẩu sá sùng bằng đốt ngón tay, con sá sùng bị đứt, lẩn mất trong cát. “Để được một con lành lặn thì mất đến 9 lần đào. Phải nhanh mắt, nhanh tay. Làm cả ngày có khi được 0,5 kg. Hôm nào may mắn lắm mới được 1 kg”, chị Vân cho hay.

Bãi Đầu Dọc lúc 9 giờ sáng đã rất đông người 


Nhận thấy tổ của sá sùng là lao mai xuống và lật đất thật nhanh

Phụ nữ đi săn sá sùng nai nịt gọn gàng, quần áo kín mít

Chiếc mai sắc lẹm và trong giỏ luôn mang theo chai nước

Con sá sùng lẩn mất trong cát, một đoạn đuôi bị đứt còn sót lại

Miệt mài săn 'vàng ròng' trong nắng

Những người đi săn sá sùng chuyên nghiệp nhận diện được “tổ” của loài thủy sinh này rất tinh. Trên mặt cát, thấy nổi một ít bọt biển bé như đồng xu, lao chiếc mai đến nhưng phải lao nghiêng để đón đầu được con sá sùng lẩn cực kỳ nhanh.

Nhanh tay, nhanh mắt cộng thêm một chút may mắn, những người đi săn sá sùng có thể kiếm được nửa cân con này một ngày, còn lại có khi chỉ được vài lạng. Một lạng sá sùng tươi bán được 25.000 - 28.000 đồng.

Người Quan Lạn thường bán ngay sá sùng tươi cho người chuyên thu mua sá sùng tươi về phơi. Họ tập trung ngay ở bãi, có khi kiêm luôn cả người đào.

Chị Phạm Thị Loan, 37 tuổi, đầu mối sá sùng ở Quan Lạn đã 7 năm nay cho biết 8 - 9 kg sá sùng tươi mới được 1 kg khô, chưa kể phải chọn lọc các con lành lặn, đều nhau, màu sáng. Dịp Tết, sá sùng khô Quan Lạn có giá xấp xỉ 4 triệu đồng một cân.

Thử vận may của mình với chiếc mai, chúng tôi nhờ chị Loan hướng dẫn cách đào sá sùng. Cũng tìm tổ sá sùng và lao chiếc mai xuống nhanh, thế nhưng, cái chúng tôi thu được chỉ là cát và bùn. Chị Loan cười sặc sụa: “Phải mất 3 tháng mang về toàn đầu hoặc đuôi sá sùng tôi mới tự tay đào được 2 lạng con này nguyên vẹn mang về”.





Hành trình tìm được 'vàng ròng' trên hòn đảo đẹp như tranh của chúng tôi thất bại. Thế nhưng, trải nghiệm về cuộc sống của người dân trên đảo xa trở thành món quà đáng giá bất tận

Người Quan Lạn còn gọi sá sùng là con mồi, hoặc sái sùng, sa trùng (con trùng trong cát). Cát càng sạch thì sá sùng càng ngon, màu sáng, bán được giá cao.

Đó là lý do vì sao suốt một dọc ven biển tỉnh Quảng Ninh, từ Quảng Yên đến xã Tân Bình, Đai Bình (huyện Đầm Hà) đều có sá sùng nhưng sá sùng ngon thượng hạng vẫn là ở Quan Lạn. Ở Tân Bình, Đai Bình có trữ lượng sá sùng lớn nhất tỉnh, cho khai thác 20 tấn mỗi năm.

Sá sùng thượng hạng ở xã Quan Lạn huyện Vân Đồn, nơi đất cát sạch tập trung tại hai bãi Trước và Sau, rộng khoảng 100 ha, sản lượng hàng năm đạt 10 tấn.

Ông Phạm Văn Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho chúng tôi hay hiện tại có trên 100 hộ dân trong tổng số 3.800 hộ tại Quan Lạn theo nghề khai thác sá sùng. 3 năm trước xã từng ngăn chặn hiện tượng các thương lái Trung Quốc đến Quan Lạn, mang cả máy hút cát để khai thác theo kiểu tận diệt sá sùng. Hiện tại, xã giám sát việc khai thác sá sùng, tạo điều kiện để người dân địa phương có nghề sinh sống giữa đảo xa.

Hành trình tìm được vàng ròng trên hòn đảo đẹp như tranh của chúng tôi thất bại. Thế nhưng, trải nghiệm về cuộc sống của người dân trên đảo xa trở thành món quà đáng giá bất tận.

Chúng tôi nhớ mãi những cô bé da bánh mật, đôi mắt tròn xoe đang đào thiếp (những con cùng họ với sò, ngao) trong cát nóng, dưới ánh nắng đến gần 40oC, chỉ độc một chiếc mũ nan, quần áo mỏng manh.

Có em chỉ cao bằng một đứa trẻ 7 tuổi ngoài thành phố nhưng đã học đến lớp 6. Một em bảo đi đào thiếp về làm đồ ăn cho cả nhà, nếu đào được nhiều thì mẹ sẽ đem bán. Chúng tôi sẽ đem theo nụ cười của các em lên chuyến tàu cao tốc về đất liền, những em bé không có mùa hè giữa bao la nắng gió...

Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét