2 thg 7, 2014

Câu chuyện Thất Sơn

Địa danh “Thất Sơn” rất quen thuộc với người An Giang và cũng không lạ gì với hàng triệu khách hành hương hằng năm về viếng Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc). Thế nhưng, nếu có ai đó hỏi “Thất Sơn là bảy núi nào?” thì ngay cả những người bản địa cũng khó có lời giải đáp một cách thuyết phục. Giới nghiên cứu cũng đã tốn khá nhiều công sức sưu tầm nhưng “bức màn huyền bí” của Thất Sơn hầu như vẫn chưa được mở toang ra.

Cách đây mấy năm, khi tham gia biên soạn bộ “Địa chí An Giang”, tôi có dịp tiếp cận với một số tài liệu viết về “Thất Sơn”. Những lý giải về Thời gian xuất hiện địa danh “Thất Sơn”?; Vì sao gọi là Thất Sơn? Thất Sơn là bảy núi nào? thật là thú vị. Câu chuyện Thất Sơn cuốn hút tôi từ dạo ấy!

Trong Gia Định thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức biên soạn trước năm 1820 không thấy đề cập đến địa danh “Thất Sơn”. Cho đến Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) của Quốc sử quán triều Nguyễn (bắt đầu biên soạn năm 1865), phần An Giang tỉnh mới có “Thất Sơn”. Dựa vào những tài liệu này, người ta đoán địa danh “Thất Sơn” ra đời khoảng giữa thế kỷ XIX. Không có ý kiến tranh cãi về khoảng thời gian ra đời của địa danh “Thất Sơn”, chỉ là chưa xác định thời gian cụ thể. Riêng lý do vì sao vùng này có đến mấy chục quả núi nhưng chỉ gọi Thất Sơn - Bảy Núi thì có nhiều ý kiến khác nhau.

Tiến sĩ Bùi Đạt Trâm khi viết phần Địa hình - Địa chí An Giang đã về tận vùng Bảy Núi để đếm. Ông ghi nhận trên địa bàn tỉnh An Giang ngày nay có đến 37 quả núi có tên gọi. Riêng vùng Châu Đốc, Tri Tôn, Tịnh Biên (vùng Thất Sơn) cũng có 27 núi. Trong các sách xưa, số lượng núi ở vùng này cũng vượt xa hơn con số “bảy”.

Gia Định Thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức mô tả núi non vùng đất An Giang xưa gồm 19 núi. ĐNNTC, phần tỉnh An Giang có mô tả 24 núi.

Theo kỹ sư Trần Anh Thư trong bài “Thất Sơn có từ bao giờ?” đăng trong tạp chí Phát triển nông thôn – số Xuân Canh Thìn năm 2000 – thì số “bảy” trong “Bảy Núi” liên quan đến bảy khối núi tại vùng Tri Tôn, Tịnh Biên ngày nay và điều này rất trùng hợp với tâm thức của người dân Nam Bộ “nam thất nữ cửu”, đã có “Cửu Long” ắt có “Thất Sơn” – âm dương mới hài hòa. Từ cách lý giải như trên, kỹ sư Thư cho rằng Thất Sơn gồm: núi Tô, núi Dài, núi Cấm, núi Phú Cường, núi Nam Qui, núi Sam và khối núi Trà Sư (gồm núi Két, Trà Sư…). Còn vì sao người xưa chỉ chọn 7 núi thì kỹ sư Thư giải thích rằng tên gọi của 7 ngọn núi trong Thất Sơn đều là các con vật tín ngưỡng cao quí tượng trưng cho tầng lớp vua chúa, cung đình xưa: Rồng, Kỳ lân, Rùa, Phụng, Voi, Hổ… tương ứng với tứ linh “Long, Lân, Qui, Phụng” và thế “Voi chầu, Hổ phục”, 6 ngọn núi với tên của 6 con vật quý này bao quanh, bảo vệ lấy Thiên Cấm Sơn là núi trung tâm.

Một cách lý giải khác mà tôi được nghe từ một lương y ở tại An Giang, cũng khá thú vị. Ông cho rằng, sở dĩ có Thất Sơn là vì đã có Tam Đảo (miền Bắc), Ngũ Hành (miền Trung). Ông chứng minh rằng Ngũ Hành Sơn có đến 6 ngọn núi mà tên gọi vẫn quy về “Ngũ Hành”, cũng như gọi “Thất Sơn” mà đến hàng chục quả núi! Cách đặt tên như vậy là dựa theo bảng giải mã Lạc Thư 3-5-7, đó là một dãy số dương nằm từ hướng đông sang tây. Cho nên, Tam Đảo – Ngũ Hành – Thất Sơn có ý nghĩa như một sự tốt đẹp, thống nhất và vĩnh cửu.

Cũng có ý kiến cho rằng địa danh “Thất Sơn” ra đời từ chính các ông đạo ở vùng núi non này vào giữa thế kỷ XIX. Bấy giờ, tín ngưỡng Đạo Giáo có điều kiện xâm nhập, ăn sâu và phát triển ở Nam Bộ. Vùng núi non An Giang sớm trở thành nơi hội tụ của các bậc tu tiên. Có lẽ chính vì vậy mà phương ngữ Nam Bộ có câu “Tu Phật Phú Yên, tu Tiên Bảy Núi”. Đạo giáo quan niệm rằng hình hài núi non, sông bãi trên trái đất đều do các vì tinh tú trên trời quy định. Bảy Núi là biểu hiện của 7 vì tinh tú - Thất tinh: Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa và Sao Thổ. Trở lại khoảng thời gian xuất hiện địa danh “Thất Sơn” như trên đã nêu trên, đúng là tại vùng Thất Sơn bấy giờ có rất nhiều hoạt động mang màu sắc Đạo Giáo. Sau khi Phật Thầy Tây An viên tịch (12 tháng 8 năm Bính Thìn - 1856), nhiều đệ tử của ngài vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, thuyết này bị phản bác bởi vì sự tôn thờ Trời của Đạo Giáo thể hiện việc thờ Cửu diệu tinh quân, tức 9 vị tinh tú kỳ diệu, đó là: Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Thổ, Sao Nam Tào và Sao Bắc Đẩu chứ không phải là Thất tinh. Vả lại, chưa thấy có nơi nào tại các vùng ảnh hưởng Đạo Giáo xem núi là tượng trưng của các vì sao.

Cách đây hằng nửa thế kỷ, một số nhà văn, nhà sưu khảo xem chừng cũng đã tốn không ít thời gian và công sức để giải thích cái địa danh có vẻ huyền bí này.

Theo xu hướng tôn giáo huyền bí, một số tác giả cho rằng số “bảy” trong “Thất Sơn” xuất phát từ ý nghĩa của con số “bảy” trong Khổng, Đạo, Phật. Số “bảy’ là số sanh hóa vô tận và tốt đẹp vô cùng. Trong kinh A-Di-Đà, Đức Phật Thích Ca cho biết thế giới cực lạc là nơi hoàn toàn an vui, không còn có cảnh khổ. Cảnh trí cõi này rất đẹp, được làm bằng 7 thứ quí báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não. Đường sá, lầu các, cung điện. Gọi “Thất Sơn” là vì ý nghĩa tốt đẹp đó. Thất Sơn (Bảy Núi) – Dương và Cửu Long (Chín Rồng) – Âm, sơn tiền điểm long mạch, trong số bảy có sanh hóa; trong số chín, âm – dương kết tụ huờn hư là địa huyệt linh diệu vô cùng. Thất Sơn là Kim Thành Huyệt tương ứng với Cửu Long Huyệt hay Minh Đường Huyệt, là nơi âm dương hòa hợp - địa linh sanh nhân kiệt!

Tác giả Vương Kim trong một số bài viết còn cho rằng Thất Sơn là bảy hòn núi sắp theo hình của huyệt “tiên thiên” trong cơ thể con người, cho nên gọi là núi quí (Bảo Sơn - Bửu Sơn). Nếu đúng như thế thì địa danh “Thất Sơn” có lẽ xuất hiện cùng lúc với sự ra đời của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương? Nhà văn Hồ Biểu Chánh thì không giải thích con số “bảy” mà cho biết Thất Sơn gồm các núi; Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Tô và núi Cấm. Riêng về tên gọi núi Cấm, ông giải thích đó là tên mà nhân dân địa phương gọi chung cho mấy hòn núi cao nằm khoảng giữa bao gồm các núi Ba Xoài, Ngất Sung (Ngất Sum), Nam Vi, Đoài Tốn (Đài Tốn).

Nhà sưu khảo Nguyễn Văn Hầu cũng có cùng lời giải đáp như Hồ Biểu Chánh. Ông còn cho biết có một nhà khảo cứu người ngoại quốc cũng thừa nhận Thất Sơn gồm những núi như Hồ Biểu Chánh đã viết.

Năm 1984, Trần Thanh Phương viết cuốn Những trang về An Giang cho rằng Thất Sơn bao gồm các núi: Núi Nước (Bích Thủy Sơn, Thủy Đài Sơn), núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Ô Thước Sơn, Anh Vũ Sơn), núi Dài (Ngoạ Long Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn, Bạch Hổ Sơn), núi Năm Giếng (Giài Năm Giếng, Ngũ Hồ Sơn) và núi Tượng (Liên Hoa Sơn). Nhân dân sở tại cũng liệt kê tên gọi của các núi thuộc Thất Sơn giống như trong sách của Trần Thanh Phương. Có lẽ khi thực hiện Những trang về An Giang, tác giả đã về vùng Thất Sơn sưu tầm tư liệu từ dân gian.

Trên đây là một số lời giải về Thất Sơn đáng chú ý. Nếu làm một bảng so sánh, ta thấy các ý kiến có một số yếu tố trùng lặp: ai cũng cho rằng núi Tô, núi Dài, núi Cấm, núi Két là những núi thuộc Thất Sơn; còn lại là chưa thống nhất. Sở dĩ các ý kiến còn có chỗ khác biệt là do mỗi người có một căn cứ khác nhau, và việc đối chiếu tên cũ – tên mới cũng làm cho “bài toán Thất Sơn” thêm rối rắm!

Thử căn cứ vào bộ sách sử chính thống của Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí - để đưa ra thêm một lời giải nữa xem sao!

Phần Núi sông của tỉnh An Giang trong ĐNNTC (quyển 30) ghi Thất Sơn gồm có các núi:

1. Tượng Sơn: Ở bờ phía đông sông Vĩnh Tế, cách huyện Hà Dương 31 dặm về phía đông bắc, cao hơn 8 trượng, chu vi 3 dặm, là một trong Thất Sơn, núi không cao lắm, chân núi có đá thủy tinh.

(Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả Tượng Sơn là núi ở phía nam đồn Châu Đốc 9 dặm, cách thượng lưu sông Vĩnh Tế bờ phía đông nam 2 dặm)

Vị trí như được mô tả chỉ có thể là núi Sam ngày nay. Điều này được khẳng định thêm nhờ đọc chú thích (bằng chữ Hán) trên An Giang toàn đồ. Như vậy, Tượng Sơn (trong ĐNNTC) là núi Sam chứ không phải núi Tượng ở xã Ba Chúc (huyện Tĩnh Biên). Nhà khảo cổ học Lê Xuân Diệm có cho biết, trước đây, Vương Hồng Sển cũng cho rằng núi Sam nằm trong hệ Thất Sơn. Điều này làm cho nhiều người (kể cả người viết bài này) thắc mắc rằng tại sao sau này không ai gọi núi Sam là Tượng Sơn! Có tài liệu cho biết trên núi Sam xưa kia có nhiều cây sam. Đó là một loại thực vật thân gỗ họ thông, có thể dùng để đóng ghe – “ghe sam bảng” (sau này gọi “ghe tam bảng”). Ngày nay, nghe nói trên núi ấy vẫn còn một ít cây sam. Vì vậy mà Tượng Sơn chuyển thành núi Sam?

2. Tô Sơn: Ở cách huyện Hà dương 17 dặm về phía tây nam, là một trong Thất Sơn, phía tây núi có đền thờ Thủy thần.

Theo cách mô tả trên đây trong ĐNNTC thì Tô Sơn là núi Tô ngày nay. Có điều về phương hướng thì chưa chính xác lắm. Núi Tô ngày nay nằm về hướng đông nam huyện Hà Dương chứ không phải là hướng tây nam. Trên An Giang toàn đồ, vị trí của núi Tô được chú thích là “Đài Tốn Sơn”. Xem lại ĐNNTC mô tả Đài Tốn Sơn như sau: ở phía đông nam sông Vĩnh Tế và phía tây bắc sông Thụy Hà, cách huyện Hà Dương 30 dặm về phía Nam, cao 50 trượng, chu vi hơn 200 dặm, cao vót như cái đài, cao đứng sững ở vị thìn tị, nên gọi tên thế. Cách núi Ngất Sum 10 dặm về phía đông, núi non cao vót, sẵn các thứ trầm hương, tốc hương, sa nhân, giáng hương, gỗ cao, gỗ sam, tre trúc xanh tươi rậm rạp, đường sá tắt quanh, gần với đồng nội, sát ngay phá chằm; dân làm ruộng, dân đánh chài chia nhau ở dưới. Những đặc điểm này rất gần với núi Tô ngày nay. Ý nghĩa của tên gọi “Đài Tốn Sơn” (cái đài ở hướng đông nam - Tốn: phương đông nam của Hậu thiên bác quái) cho phép ta khẳng định núi Tô và Đài Tốn Sơn là một. Trong Người Việt gốc Miên của Lê Hương (xuất bản năm 1964) cho biết người Khmer gọi Đài Tốn Sơn là “Phnom Ktô”. Trên bản đồ tỉnh An Giang trước năm 1975 chú thích chữ “Cô Tô” ngay vị trí núi Tô ngày nay. Như vậy, núi Tô (hay Cô Tô) ngày xưa gọi là Đài Tốn Sơn là một trong Thất Sơn.

3. Cấm Sơn: Ở cách huyện Hà Dương 17 dặm về phía tây nam, đỉnh núi rất cao, ít người đi đến, cũng là một trong Thất Sơn.

Một góc núi Cấm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Riêng tên gọi “Cấm Sơn” và chi tiết “đỉnh núi rất cao” cũng giúp chúng ta dễ dàng nhận ra đây chính là núi Cấm ngày nay. Có một điều mà nhiều nhà nghiên cứu thắc mắc: Tại sao núi Cấm cao lớn như thế mà trong GĐTTC của Trịnh Hoài Đức không hề được nhắc đến? Chúng tôi tìm mãi trên An Giang toàn đồ cũng chẳng thấy quả núi nào được chú thích là núi Cấm mà ngay vị trí núi Cấm ngày nay có chú thích là núi “Ba Xôi”. Trong Người Việt gốc Miên, Lê Hương cho biết người Khmer gọi núi Ba Xôi là “Phnom Popal”. Hiện nay, người Khmer ở địa phương gọi núi Cấm là Phnom Popal. Như vậy, núi Ba Xôi và núi Cấm là một.

4. Núi Ốc Nhẫm: Ở huyện Hà Dương, phía Tây tiếp núi Tượng Sơn, cũng là một trong Thất Sơn.

ĐNNTC mô tả núi này bằng một dòng ngắn gọn như vậy, còn trong GĐTTC thì không thấy có tên núi Ốc Nhẫm. Nếu căn cứ phương hướng như mô tả thì cũng có thể đây là núi Két ngày nay; nhưng nếu xem trên An Giang toàn đồ thì lại không phải “phía tây tiếp núi Tượng Sơn” mà có thể là núi Bà Đội Om ngày nay.

5. Núi Nam Vi: Ở cách huyện Hà Dương 24 dặm về phía nam, cao 30 trượng, chu vi hơn 8 dặm, cây cối um tùm, cấm chặt cây, khe sâu cỏ rậm, rất nhiều hươu nai, hổ báo. Dân núi… tụ họp cấy cày ở chân núi, là một trong Thất Sơn.

Xác định vị trí theo mô tả, rồi đối chiếu trên An Giang toàn đồ, ta thấy núi Nam Vi được đề cập trong ĐNNTC chính là núi Nam Qui ngày nay. Nhiều sách và bản đồ trước đây viết là “Nam Vi, người Khmer địa phương gọi là Phnom Pi.

6. Núi Tà Biệt: Ở cách huyện Hà Dương 5 dặm về phía Bắc, cao 20 trượng, chu vi 6 dặm, mặt về phía đông, lưng về phía tây; không như các ngọn núi khác mà ở lệch về bên Vàm Nao, nên gọi tên thế, núi tuy nhỏ bé mà hình thế đĩnh đạc, cũng là một trong Thất Sơn.

Căn cứ vào những đặc điểm của núi mà sách mô tả, kết hợp với ghi chú trên An Giang toàn đồ thì núi Tà Biệt chính là núi Phú Cường ngày nay.

7. Núi Nhân Hòa: Ở phía đông nam huyện Hà Dương, liền với núi Nam Vi, tục gọi Sáng Cháy, cũng là một trong Thất Sơn.

Liền với núi Nam Vi có núi Dài. Nếu xem chú thích trên An Giang toàn đồ thì vị trí của núi Nhân Hòa trùng với núi Dài ngày nay.

Như vậy, Thất Sơn gồm có các núi: 1. Núi Sam, 2. Núi Tô (Cô Tô, Phụng Hoàng Sơn), 3. Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), 4. Núi Bà Đội Om, 5. Núi Nam Qui, 6. Núi Phú Cường (Ngũ Hổ Sơn), 7. Núi Dài (Ngọa Long Sơn).

Bảy núi này mang ý nghĩa gì? Chắc chắn không phải là những núi to nhất trong vùng. Trong một lần về An Giang, nhà văn Sơn Nam khuyên tôi nên tìm hiểu theo hướng “phong thủy”.

Thất Sơn xưa có nhiều hoạt động đạo giáo và đặc biệt vùng này còn là nơi ẩn tích, là địa bàn hoạt động của một số nhà yêu nước như Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Đức bổn sư Ngô Lợi của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa…

Hẳn nhiên, chọn được một thế đất tốt, theo người xưa, sẽ mở đầu cho một cơ nghiệp huy hoàng. Ta thấy, các kinh đô xưa đều là những địa điểm được chọn theo “con mắt phong thủy”. Thành Đại La sau đổi là Thăng Long “ở vào nơi trung tâm Trời Đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi… lại tiện hướng nhìn ra sông dựa núi… Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi đây là thắng địa” (Chiếu Dời đô). Kinh đô Huế, nhìn rộng thì có biển đằng trước, núi đằng sau; nhìn hẹp thì có núi Ngự Bình ở phía trước làm án, sông Hương chảy lững lờ bao quanh, trên sông ở hai đầu có hai cồn đất giống như Thanh Long (tả) và Bạch Hổ (hữu), đoạn sông nằm giữa hai cồn ấy chính là Minh Đường. Theo Ngũ hành, các thế đất được phân thành Hình Thủy, Hình Hỏa, Hình Mộc, Hình Kim và Hình Thổ. Thế đất Hình Kim được coi là sẽ phù trợ cho con cháu phát theo đường võ; còn thế đất Hình Mộc sẽ phù hợp cho con cháu phát theo đường văn. Nếu một thế đất có đủ cả Ngũ hành thì sẽ được coi là phát đế vương.

Trở lại vùng Thất Sơn, theo cách dò tìm Long mạch, xác định vị trí của 7 núi trên bản đồ, ta thấy ở đây đúng là một thế đất Ngũ hành, trong đó Hình Thổ (trung ương) là núi Cấm (Thiên Cấm Sơn). Phải chăng đây là “đáp số” của bài toán “Thất Sơn”?

Để hoàn tất bài viết này, thú thật, tôi rất vất vả vì kiến thức của mình có hạn, chẳng biết những lời lẽ trên đây có thuyết phục được quí độc giả chút nào chăng? Mong nhận được những ý kiến đóng góp!

Thất Sơn ngày nay đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn với hàng triệu lượt khách thập phương hằng năm về đây hành hương và thưởng ngoạn cảnh đẹp. Trong làn khói hương huyền diệu lan tỏa khắp núi rừng trùng điệp, Câu chuyện Thất Sơn chắc hẳn đã và sẽ cùng với bao huyền thoại linh thiên của vùng đất đi vào tâm hồn con người như những lời gởi gắm của người xưa !

An Giang, tháng 4 âl năm 2000
Nguyễn Kim Nương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét