23 thg 7, 2014

Đền thờ Tình yêu

Đền thờ Tình yêu - ngôi đền thờ mối tình bất diệt của nàng công chúa Tiên Dung và chàng trai nghèo Chữ Đồng Tử nằm trên địa phận xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội hơn 70 km.

Từ Hà Nội, chúng tôi đi tàu thủy đến bãi Tự Nhiên (thuộc địa phận xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây). Theo truyền thuyết, đây là nơi hàng ngàn năm trước, chàng trai nghèo Chữ Đồng Tử đã vùi thân xuống cát để trốn, cũng là nơi nàng công chúa Tiên Dung quây lều tắm. Khu đất mênh mông, nơi từng có lâu đài nguy nga lộng lẫy của hai vợ chồng, chỉ sau một đêm đã biến thành đầm lầy gọi là đầm Nhất Dạ (đầm hình thành trong một đêm) hay là đầm Dạ Trạch. Ngay sát bến có một ngôi đền nhỏ là đền Ngự Dội, ghi dấu địa điểm Tiên Dung dừng thuyền ghé bến tắm thuở xa xưa. 

Cổng đền thờ Tình yêu 


Từ bến sông trên bãi Tự Nhiên, chúng tôi bước theo bậc tam cấp lên con đường làng lát gạch rộng 6 mét để đến cổng đền là hai cột trụ cao trên chục mét. Ngự trên đỉnh là 2 con lân quay mặt vào lối đi, ngày đêm canh giữ ngôi đền. Dọc đường, những cây đa, cây gạo, vườn nhãn …cổ thụ um tùm và xanh tốt, có tuổi đời ngang với tuổi đền, tỏa bóng râm mát rượi. Đặc biệt, tại đây có một cây roi (mận) đã hơn 700 tuổi mà vẫn trĩu quả. Các cụ già nói rằng đó là “cây tình yêu”. Các cô gái lớn tuổi chưa chồng, các cặp vợ chồng có chuyện trục trặc “cơm không lành, canh không ngọt”, các đôi uyên ương muốn được gắn kết bên nhau trọn đời …nếu về đây thắp hương khấn vái dưới gốc cây thì mọi ước muốn sẽ được tọai nguyện. 

Đền chính 

Đền thờ Tình yêu nằm trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, hình chữ nhật, mặt quay hướng chính Tây, nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên. Các công trình kiến trúc tại đây gắn liền với con số 18, tượng trưng cho đời vua Hùng thứ 18, số tuổi 18 của công chúa Tiên Dung. Đền rộng hơn 18 ngàn mét vuông, bao gồm 18 nóc nhà lớn nhỏ có đỉnh hình con thuyền, tượng trưng cho đoàn thuyền 18 chiếc của công chúa khi cập bến bãi Tự nhiên thuở nào.

Đền được chia làm 2 khu: Khu ngoài rộng hơn 7.000 mét vuông, không có tường bao. Nổi bật là nhà bia cửa trổ ra 4 hướng, 2 tầng 8 mái cong. Trước cửa phía Tây treo bức đại tự ghi 3 chữ: “Trấn Giang Lâu”. Đây là bút tích của tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Qua cổng là nhà chuông và nhà khánh đá. Cả chuông và khánh đều được làm vào thời Nguyễn. 

Cây mận cổ thụ 

Trong Hậu cung đặt các pho tượng đức thánh Chữ Đồng Tử và nhị vị phu nhân: bên tả là Tiên Dung công chúa (con gái vua Hùng Vương thứ 18), bên hữu là Tây Sa công chúa, theo truyền thuyết dân gian, là vợ lẽ của Chữ Đồng Tử...

Trong đền thờ Tình yêu hiện nay còn nhiều bảo vật quí hiếm. Đặc biệt nhất là đôi lọ “Bách thọ” bằng gốm, trên đó viết, khắc 100 chữ “thọ” khác nhau. Theo người giữ đền, đó là một cổ vật vô giá của VN. 

Lọ bách thọ 

Hàng năm, tại đền thờ Tình yêu thường tổ chức ngày hội rước nước (lễ lấy và mang nước về) vào tháng giêng, sau tết âm lịch. Nước phải lấy ở giữa dòng sông Hồng để dùng trong việc Thánh trong đền như cúng và làm lễ mộc dục (lau tượng). Lễ diễn ra tưng bừng, nhộn nhịp trong 3 ngày, là dịp qui tụ của nhân dân trong vùng, những người bà con đi làm ăn xa trở về và du khách từ mọi miền đất nước. Sau lễ rước nước là các trò chơi dân gian: vật, võ, cờ người, múa rồng, múa sư tử …

Đây cũng là dịp du khách có cơ hội được tận mắt chứng kiến những màn trình diễn tái hiện cảnh chàng trai nghèo Chữ Đồng Tử gặp nàng công chúa Tiên Dung, cảnh Tiên Dung công chúa đã bao dung đứng ra tác thành cho chồng với công chúa Tiên Sa …

DUY THẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét