9 thg 7, 2014

Chùa Ấn Độ giữa Sài Gòn

Cổng chùa Mariammam

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chùa Mariammam này còn được gọi bằng một cái tên thân thuộc là chùa Bà Ấn với lý do, đây là chùa do những cư dân Ấn Độ đến Sài Gòn lập nghiệp những năm đầu của thế kỷ 19 dựng lên và trong chùa thờ nữ thần Mariammam, một vị Thần Mưa trong quan niệm của người Ấn Độ. Vì thế, chùa Bà Ấn là nơi để những người Ấn Độ xa quê hương tìm đến chiêm bái, cúng lễ, cầu ước trong những dịp lễ tết quan trọng của dân tộc mình. Tuy nhiên ngày nay, sau nhiều năm giao thoa văn hóa, chùa Bà Ấn cũng là địa điểm tới thăm của cả những người Việt, người Hoa bên cạnh những người Ấn đang sinh sống, làm việc và du lịch ở TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, không có gì lạ khi ở ngôi chùa Ấn Độ này luôn có vài trăm lượt người tới thăm viếng, cầu an mỗi ngày. Và, điều kỳ lạ ở chùa Mariammam là những người đến cúng lễ đều làm các nghi thức theo phong cách Ấn Độ giáo. Ở ngôi chùa Ấn Độ này, khi tiến hành nghi lễ bên cạnh một số người quỳ lạy, người ta thường đứng và sờ, vuốt ve hay ôm lấy những pho tượng, bức tường đá rồi thầm thì nói những nguyện ước của mình. Có thể nói, đây là một trong những quan niệm khá độc đáo của đạo Ấn Độ vẫn còn được duy trì ở ngôi đền linh thiêng cổ kính này.

Người dân gốc Ấn khấn bằng cách ôm lấy tường đá mà… thì thầm

Theo quan sát của chúng tôi, chùa Bà Ấn được xây dựng rất hoành tráng, có quy mô khá lớn gồm nhiều dãy nhà có mái vòm và cột, lối kiến trúc đặc trưng của người Ấn Độ theo đạo Hồi giáo Hindu. Trên tường, các hình vẽ, tượng đắp nổi các vị thần của người Ấn cũng được thiết kế, trang trí tỉ mỉ, cầu kỳ và rất sống động. Theo một người sống trong chùa thì những bức tượng đó cũng là các vị thần có nhiệm phò tá Thần Mưa Mariammam này. Bên dưới những vị thần ấy có khi còn có cả người, súc vật hay những quái thú gắn liền với các truyền thuyết kể về chiến công của họ trong cộng đồng hồi giáo Ấn Độ cũng được miêu tả bằng hình tượng khá sinh động.

Sắc màu ở đền có nhiều điểm khác với các địa điểm tâm linh thuần túy của người Việt

Ngoài 18 bức tượng thì trong chùa Mariammam còn có một còn sư tử rất lớn, đặt ngay ở cổng của chính điện. Tương truyền, đó chính con vật cưỡi của Thần Mưa mỗi khi Người đi ra ngoài cứu độ chúng sinh và là con vật giữ cửa, trừ tà ở nhà của Thần. Chính vì sư tử là con vật linh thiêng gắn liền với Thần Mưa nên hầu như tất cả khách tới đền đều đứng bái lạy và vuốt ve con sư tử này với mục đích cầu những điều an lành, trừ đi những phiền muộn lo lắng trong lòng. Hơn nữa, nếu ai lần đầu đến với ngôi chùa Ấn Độ này sẽ có một cảm giác rất ngỡ ngàng bởi mặc dù nó cũng là nơi thờ cúng tâm linh như các ngôi chùa ở Việt Nam nhưng chùa Ấn Độ lại không mang dáng vẻ thâm u, tĩnh mịch, lặng lẽ nơi cửa thiền mà màu sắc trang trí lại rất sống động với hai gam màu vàng, xanh chủ đạo được kết hợp rất tài tình, xen lẫn với màu đỏ rực rỡ. Vì thế, có thể coi đó là một trong những điểm khác nhau cơ bản của văn hóa kiến trúc Ấn Độ so với kiến trúc của người Việt truyền thống mặc dù cùng trong một địa phương.

Nơi lấy lửa thắp hương cũng khá độc đáo, mang phong cách Ấn Độ giáo

Nhiều du khách cũng vuốt ve sư tử để lấy may

Ứng Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét