15 thg 3, 2020

Vì sao khách thường chui qua chân ngựa ở ngôi chùa cổ 150 năm tại Bình Dương?

Một ngôi chùa có lịch sử hơn 150 năm ở Bình Dương mang tên Chùa Ông (người dân địa phương quen gọi là chùa Ông Ngựa). Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về nguồn gốc ngôi chùa cũng như vì sao khách hành hương ra về phải chui qua chân một con ngựa.


Vào một ngày đầu tháng 3, chúng tôi tìm về ngôi chùa mang tên Chùa Ông (tên gọi khác là chùa Ông Ngựa) tọa lạc trên đường Hùng Vương thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Bình Dương, hằng ngày đều đón nhiều lượt khách địa phương và cả các tỉnh, thành lân cận. Thế nhưng, với chùa Ông Ngựa, có lẽ không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc cũng như vì sao khi ra về khách hành hương phải chui qua chân một con ngựa trước cổng. 

Chùa Ông Ngựa ở Bình Dương 

Theo tài liệu được ghi chép lại của Hội khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương, sở dĩ có tên là chùa Ông là vì chùa thờ Quan Thánh Đế Quân (hay còn gọi là Quang Công, Quang Vân Trường) – một nhân vật lịch sử người Hoa sống ở thời Tam Quốc. Tuy nhiên, người dân địa phương quen gọi là chùa Ông Ngựa bởi vì trước sân chùa có miếu thờ tượng một con ngựa (còn gọi là tượng xích thố).

Được xây dựng vào năm 1868, ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ tên Thanh An cung về sau đổi thành Thanh An tự. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn tọa lạc tại vị trí như ngày nay.

Cổng chính được xây dựng theo kiểu cổ lầu, tầng trên được trang trí hình: tứ linh, mặt trăng, mặt trời, bát tiên…, các hình vẽ tái hiện lại các điển tích trong Tam quốc diễn nghĩa. Các họa tiết, hoa văn trang trí trên cổng được vẽ, chạm nổi công phu, tinh xảo. Riêng các con rồng trang trí trên nóc mái được ốp từ các mảnh gốm sứ rất công phu, có giá trị nghệ thuật cao.

Án ngữ ngay phía dưới cổng chính là pho tượng xích thố. Ngựa đúc bằng bê tông cốt thép, dài khoảng 3m, cao 2m. Trên lưng ngựa có gắn yên, chạm khắc văn thư, cổ đeo yếm trong tư thế phóng ngang qua chùa.Tượng ngựa cùng thanh long đao dựng đứng kế bên do một nghệ nhân ở tận Thừa Thiên Huế chế tác từ cuối năm 1930.

Khách hành hương ra về phải chui qua con ngựa trước cổng chùa 

Chùa có kiến trúc hình chữ “Nhất” chỉ gồm một dãy nhà, được xây dựng theo phong cách kiến trúc chùa chiền Huế. Được biết trước đây, phần lớn kết cấu của ngôi chánh điện đều bằng gỗ, sau này khi trùng tu thì được xây lại toàn bộ bằng bê tông cốt thép, lớp cửa gỗ của chánh điện cũng được làm lại mới hoàn toàn.

Trong chánh điện có bàn thờ chính thờ Quan Thánh Đế Quân, ngoài ra còn thờ phụng một số vị thần khác như: các thần Phước, Lộc, Thọ, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Thần Hoàng bổn xứ,…

Sau khi khấn vái, tham quan chùa xong, khách đến chùa có thể ghi tên dâng hương cúng theo tháng, cúng sao, cầu siêu và có thể dùng tiệc chay tại sân chùa vào các ngày vía Ông. Một điều quan trọng, trước khi ra về khách viếng chùa chui qua con ngựa án ngự trước cổng để cầu mong sức khỏe, học hành giỏi gian, diệt trừ mọi xui rủi…

Hàng năm, tại chùa đều có tổ chức lễ vía Quan Thánh Đế Quân. Nếu như trước đây chỉ có ngày vía Quan Thánh Đế Quân quy y nhà Phật (23/6 âm lịch) là cúng chay. Nhưng hiện nay, kể cả ngày vía sanh (13 tháng giêng âm lịch) và ngày vía tử (13/5), đều tổ chức cúng chay tại chùa.

Khách hành hương đi chùa Bà thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương trong dịp lễ hội Rằm tháng giêng đừng nên bỏ qua việc viếng cảnh chùa Ông. Một ngôi chùa trang nghiêm, cổ kính với khung cảnh thanh bình nằm giữa lòng phố chợ nhộn nhịp. 

Trước cổng chùa theo hướng ra về được đặt một con ngựa để khách hành hương chui qua 

Hoa văn tinh xảo trên tường chùa 

Gian chính diện ngôi chùa 

Bên trong chùa được trang trí rồng, hoa văn sắc sảo 

Bàn thờ quan công 

Trên bàn thờ quan công được đặt một con ngựa đá 

Trên mái chùa được thiết kế nhiều hoa văn tinh xảo 

Hương Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét