4 thg 3, 2020

Địa danh Lâm Kiết xưa và nay

Lâm Kiết trước đây còn có tên là Thạnh Kiết thuộc huyện Châu Thành. Vị trí của xã nằm về phía Bắc của huyện Thạnh Trị, là cửa ngõ án ngữ tuyến giao thông thủy, bộ nối liền xã Thạnh Phú (chợ Nhu Gia, huyện Mỹ Xuyên) với ngã tư Mỹ Phước (căn cứ rừng tràm Tỉnh ủy Sóc Trăng).

Địa danh Lâm Kiết hiểu theo từ gốc Hán – Việt có nghĩa là “rừng tươi tốt”. Theo tài liệu lịch sử và các vị cao niên trong vùng cho biết, vùng đất Lâm Kiết đã được khai phá từ rất lâu đời và theo sự phát triển của cư dân di cư tự do cùng với chính sách khai khẩn vùng châu thổ sông Cửu Long của triều đại phong kiến nhà Nguyễn với những cuộc di dân quy mô lớn trên toàn khu vực. Đối mặt với những bất trắc khắc nghiệt của thiên nhiên, bệnh tật và tai ương, ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa đã chung lưng đấu cật, đoàn kết bên nhau qua bao thế hệ đã biến vùng đất sình lầy, rừng hoang, bưng biền âm u giờ đây trở thành cánh đồng thẳng cánh cò bay, ấm áp mùa vàng và những vườn cây trĩu cành hoa trái, những ao, đìa đầy ắp cá tôm, những luống rau, cải, khoai, bí, đậu… tươi ngon được bà con nông dân nơi đây gieo trồng quanh năm, góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống đủ đầy.

Nhớ về thời Pháp thuộc (1876 – 1945), vùng đất và người dân Lâm Kiết chịu sự cai trị của thực dân phong kiến hàng năm phải nộp tô, cung cấp lúa cho tên điền chủ người Pháp là Rémi Gressier mà người dân cơ cực gọi là “Tây Ba De”, “Ông Kho”, do hắn có nhà máy xay xát và hệ thống kho rất lớn ở miệt Châu Hưng. Chính đồn điền này cùng với đám điền chủ Tây và bọn địa chủ bản xứ như: Lim Brốt, Hội Chánh Đa Tô Nam Vang, Hội đồng Trạch ở Bạc Liêu… cấu kết với nhau ra sức vơ vét, bóc lột tới tận cùng xương tủy người nông dân hiền lành lấy nông nghiệp làm nghề sinh sống chính.

Từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, trong thắng lợi chung của những chặng đường cách mạng, đặc biệt là từ ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975) đến nay, đất và người dân Lâm Kiết được giải phóng, người dân được tự do khai hoang, phục hóa, hàn gắn lại vết thương chiến tranh, xây dựng lại cuộc sống mới và đã thu được những thành quả hết sức to lớn, cuộc sống của người nông dân và làng quê Lâm Kiết hôm nay đổi thay hàng ngày.

Lâm Kiết – một địa danh thân thương như tên gọi chính mình “rừng tươi tốt”. Ba dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa như từ thuở ban sơ mở ấp, lập làng. Một vùng quê bình dị nhưng rất đổi hiên ngang, bất khuất của vùng đất Sóc Trăng anh hùng.

Lê Trúc Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét