10 thg 3, 2020

Độc đáo nón lá Phú Châu

Vào những ngày này, chúng tôi có dịp được về thăm làng làm nón Phú Châu, (huyện Ba Vì, Hà Nội) nơi sản xuất ra những chiếc nón có độ bền cao cung ứng cho toàn miền Bắc. 

Nghề làm nón tại xã Phú Châu bắt đầu hình thành từ năm 1939, khi đó có một cô gái làng Chuông tên Phạm Thị Nhàn ở huyện Thanh Oai lấy chồng về xã đã mang theo nghề từ quê rồi chuyền lại cho hàng xóm. Đến nay, toàn xã Phú Châu có đến 90% hộ làm nón, mang lại thu nhập ổn định cho người dân những lúc nông nhàn.

Người dân xã Phú Châu phơi lá đót ở trước sân đình làng. 


Xã Phú Châu có 3 thôn gồm: Phúc Xuyên, Phong Châu và Liễu Châu với 12 nghìn nhân khẩu thì hầu hết các hộ gia đình trong xã đều có người làm nón, mọi người thường tranh thủ buổi tối hoặc lúc nông nhàn. Riêng thôn Phúc Xuyên, có rất nhiều hộ gia đình chuyên sống bằng nghề nón lá.

Một người dân tại thôn Liễu Châu đang lựa chọn nan tre để làm vành nón.

Theo người dân Phú Châu, để làm ra được một chiếc nón đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như chọn lá, làm vanh, giẽ lá, là lá, quay nón, nức, nhôi và sấy... Nguyên liệu làm nón thường là lá đót được người dân nhập về từ các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Một chiếc nón đẹp đòi hỏi người thợ phải rất kỳ công từ cách chọn lá đến khi quay nón để làm sao không làm hở chúp, lá được xếp phẳng phiu không bị cộm.

Chị Nguyễn Thị Liệu người dân thôn Phúc Xuyên, Phú Châu cho biết: “Trung bình mỗi ngày một người có thể làm được 2 - 3 cái nón, nếu người làm thành thục có thể được 4 - 5 cái nón”.

Bà Nguyễn Thị Sáu, thôn Liễu Châu, Phú Châu đang làm các công đoạn để hoàn thiện nón. 

Sau khi chọn được nguyên liệu để làm nón, người dân Phú Châu sẽ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá đót rồi khâu lại bằng kim. Công đoạn khâu nón được đánh giá là khó nhất trong các công đoạn làm nón bởi nếu không khéo tay thì dẫn đến lá bị rách, nón sẽ hỏng. Người nào khâu chắc tay chiếc nón sẽ bền và đẹp hơn.

Sau khi đã khâu xong thì bắt đầu tra nhôi. Đây cũng là công đoạn rất khó, vì nếu nhôi kỹ và chặt chiếc nón sẽ không bị sổ hoặc bung ra. Đó cũng là bí quyết làm nghề của những người dân Phú Châu. Công đoạn cuối cùng để cho ra chiếc nón thành phẩm, có độ bền và tránh bị mốc là người thợ sẽ mang chiếc nón đem hơ bằng diêm sinh để chiếc nón trở nên trắng, đẹp mắt. 

Trẻ em ở Phú Châu từ 6 tuổi đã biết làm các công đoạn đơn giản khi làm nón như cạp vành, khâu chỉ.... 

Nón lá Phú Châu làm ra đến đâu được các thương lái đến tận nơi thu mua hoặc được bán tại chợ phiên của xã, và đã có mặt ở khắp các phiên chợ các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Phú Thọ...

Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Châu cho biết, nghề làm nón đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu cho nón lá Phú Châu không chỉ ở trong tỉnh, các tỉnh lân cận mà ra toàn quốc. 

Ông Ngô Hữu Sang, thôn Liễu Châu phơi nón trước nhà để chuẩn bị đem xuất bán. 

Trải qua hàng chục năm hình thành và phát triển, nón Phú Châu ngày càng được cải tiến và tạo nên nét đẹp độc đáo truyền thống nhờ bàn tay khéo léo của những “nghệ nhân” làng. Tuy có lúc thăng trầm, nhưng phiên chợ xã Phú Châu chưa bao giờ vắng bóng hàng nón lá.

Trịnh Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét