2 thg 3, 2020

Địa danh Long Đức xưa và nay

Long Đức là một xã vùng sâu của huyện Long Phú, nằm dọc theo bờ kinh Saintard và sông Hậu. Có diện tích tự nhiên 2.851,56ha, chủ yếu là đất nông nghiệp, dân số khoảng 10.200 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa (trong đó người Kinh chiếm đa số).

Long Đức là vùng đất sớm hình thành và phát triển, cùng với biết bao biến đổi thăng trầm, trải qua nhiều lần tách nhập chia cắt.

Theo sử liệu vùng đất Nam bộ, thì vào ngày 14-4-1896, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định xác nhận đề nghị của chủ tỉnh Sóc Trăng là MARCELLOT xin nhập làng đó là làng Long Hưng và làng Đại Đức. Làng Long Hưng có 4 ấp: An Đức, Hòa Đức, Thạnh Đức và Lợi Đức; làng Đại Đức cũng có 4 ấp: An Hưng, Hòa Hưng, Thạnh Hưng và Lợi Hưng thành xã Long Đức. Đến năm 1952, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Sóc Trăng quyết định nhập hai xã Long Đức và Phú Hữu thành xã mới có tên gọi là Phú Đức. Nhưng đến năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết thì xã Phú Đức được tách ra làm hai xã Long Đức và Phú Hữu cho đến nay.

Về kinh tế chủ yếu của Long Đức xưa là thuần nông, canh tác lúa nước là thế mạnh của xã, các vườn cây ăn trái chiếm một diện tích khá khiêm tốn là địa bàn nằm ven sông Hậu, kênh Saintard và kênh Bà Xẩm do vậy đây là điều kiện thuận lợi để cư dân khai thác đánh bắt thủy sản. Theo ngược dòng lịch sử, thì trước năm 1930, nghề chài lưới ở làng Đại Đức phát triển mạnh. Đánh bắt cá trên sông là nguồn lợi quan trọng của cư dân nơi đây, nhưng hầu hết sản phẩm chỉ tiêu thụ tại chỗ, xuất bán ra chợ lớn Sóc Trăng chủ yếu là tôm khô và cá muối.

Long Đức là một vùng lam lũ, quanh năm nghèo khó, đói khổ đeo đẳng, đến nay Long Đức khoác lên mình tấm áo mới của sự ấm no, giàu đẹp. Điểm nhấn là Đảng bộ, nhân dân đoàn kết, gắn bó, quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới, đã được công nhận vào tháng 7-2019 và đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, mục tiêu hướng về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Long Phú.

Đặc biệt, toàn xã chỉ còn 88 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,48%, hộ cận nghèo là 84 hộ, chiếm 3,32%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,61 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 91,50%.

Long Đức hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt là nhờ có sự đồng thuận “ý Đảng – lòng dân”. Nhờ có đội ngũ đảng viên gương mẫu, nhiệt tình, tận tâm với công việc cách mạng mà Đảng và nhân dân giao trọng trách. Phong trào học tập và làm theo tấm gương Bác ở Long Đức ngày càng lan tỏa như “ăn cơm, uống nước” hàng ngày. Từ đó tạo nên sức mạnh xây dựng làng quê Long Đức an toàn, tươi vui, hòa thuận, sum vầy.

Lê Trúc Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét